loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng trước xứ Wales có thể đã giúp đội tuyển Anh của HLV Roy Hodgson tránh được nguy cơ “Brexit” (chơi chữ từ Britain và Exit, ý nói bị loại sớm).
Trong khi đó, đấy lại là một kịch bản được người Pháp mong chờ hơn cả. Không chỉ vì đội chủ nhà sẽ tránh một đối thủ tiềm tàng, mà lý do thật sự là cảnh sát Pháp đã quá mệt mỏi khi phải đối phó với đám cổ động viên vừa to mồm, vừa ưa quậy phá đến từ bên kia eo biển Manche.
Nhưng còn một kịch bản “Brexit” khác thì lại đang khiến cả châu Âu lo lắng, không muốn nó xảy ra. Những cuộc trưng cầu gần nhất cho thấy khả năng nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu EU là rất lớn. Mà một khi điều đó trở thành hiện thực thì ảnh hưởng của nó sẽ tác động tiêu cực tới cả kinh tế lẫn chính trị, đe dọa tới tương lai và vận mệnh của cả lục địa già.
Bởi sau Anh, nhiều người dân các quốc gia cột trụ của EU khác cũng sẽ đòi tiến hành một cuộc trưng cầu tương tự. Khi ấy thì EU - biểu tượng của một châu lục đoàn kết và thịnh vượng, hồi sinh từ đống tro tàn của hai cuộc đại chiến thế giới - sẽ tan rã thực sự.
Nguyên nhân có nhiều nhưng tựu trung lại, người dân Anh cũng như nhiều quốc gia phương Tây không muốn bị trói buộc bởi những quy định ngặt nghèo của EU. Trong đó có chuyện các nước giàu phải giải cứu những nền kinh tế yếu kém trong khối, chẳng hạn như Hy Lạp; chia sẻ việc làm với những người dân từ các nước EU có thu nhập kém hơn; hay có nghĩa vụ tiếp nhận dòng người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi đang kéo tới ngày một đông.
Vậy nếu khả năng đó xảy ra, quốc gia nào sẽ vỗ tay to nhất?
Cũng không khó để tìm ra câu trả lời, khi có một quốc gia luôn khó chịu với việc EU mở rộng sang phía Đông, lôi kéo nhiều nước nhỏ thoát khỏi tầm ảnh hưởng mang tính truyền thống của quốc gia ấy.
Liệu đó có phải là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những vụ đụng độ căng thẳng bên ngoài sân cỏ trong những ngày qua?
Hoàng Nhật
Thể thao & Văn hóa
loading...