(Thethaovanhoa.vn) - Cristiano Ronaldo chắc chắn sẽ chiếm trọn trang nhất các tờ báo thể thao số ra hôm nay khi Bồ Đào Nha ra quân ở EURO 2016. Nhưng một cầu thủ như Ronaldo mà dự EURO hay World Cup là chuyện quá bình thường. Sự có mặt của Iceland mới là điều đáng nói, khi họ chính là quốc gia nhỏ nhất trong lịch sử từng dự một giải đấu lớn như thế này.
Ở vòng loại, đội bóng đại diện cho một đất nước chỉ có 323.000 dân ấy đã hai lần đánh bại siêu cường Hà Lan mà không để thủng lưới bất cứ bàn nào, hạ nhục Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có dân số cao gấp Iceland tới 227 lần.
Thành công của Iceland chính là ví dụ điển hình cho thấy trong bóng đá, đôi khi tài năng không phải là những yếu tố quan trọng nhất để làm nên chuyện. Tính chuyên nghiệp, khoa học cũng như tính tổ chức mới là những yếu tố quyết định.
Chẳng hạn khi nhậm chức vào năm 2011, HLV người Thụy Điển Lars Lagerback đã yêu cầu LĐBĐ Iceland phải đề ra một kế hoạch phát triển dài hạn. Kèm theo đó là những yêu cầu như đội tuyển phải có phòng tập và chẩn bệnh tiêu chuẩn, canteen có đầu bếp riêng, cho đến việc được bay chuyên cơ khi có trận đấu lớn, điều trước đó chưa từng có trong lịch sử Băng đảo.
Đất nước chỉ có 330.000 dân thì hẳn khó kiếm được tài năng lớn, nên một cầu thủ đã 37 tuổi như Eidur Gudjohnsen vẫn phải rút lại tuyên bố giải nghệ để xỏ giày ra sân. Do đó, Iceland hẳn phải có sự chuẩn bị cực tốt về mặt chiến thuật. Nhỏ thì bao giờ cũng có ‘võ”. Theo BBC, Iceland có tới 600 HLV có bằng B của UEFA, con số rất lớn nếu so với quy mô dân số.
Thế nên, việc Iceland được dự EURO 2016 không chỉ là một điều kỳ thú mà là một bài học lớn cho các nền bóng đá trung bình yếu noi theo. Đừng nghĩ rằng dân số đông, tố chất khéo léo, hay sự cuồng nhiệt của người hâm mộ (cỡ nhất thế giới) là đủ để xây dựng một đội tuyển có khả năng vượt khỏi những cái ao làng nhỏ bé.
Vì bóng đá đôi khi còn là tấm gương phản chiếu cả xã hội nữa. Xã hội như thế nào thì đội tuyển cũng như thế đấy.
Hoàng Nhật
Thể thao & Văn hóa