(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung là những thứ dễ tạo ra làn sóng cảm xúc có tính lan tỏa mạnh mẽ. Nó dễ dàng lấy đi nước mắt, và cũng dễ dàng tạo ra nụ cười. Thậm chí đôi lúc có tác dụng như một liều thuốc kích thích cả dân tộc.
Chiến thắng lịch sử như của Bắc Ireland trước Ukraine, hay chiến tích cầm hòa Bồ Đào Nha của Iceland tại EURO 2016 chính là những ví dụ điển hình.
Thế nhưng, người ta cũng không thể sống mà chỉ xem bóng đá. Hay nói cách khác, bóng đá không thể thay thế được ổ bánh mì. Tổ chức giải đấu lớn có thể là nhiệm vụ chính trị ở những quốc gia như Triều Tiên. Nhưng với Pháp, nước chủ nhà EURO 2016, thì nó cũng chỉ là một sự kiện thể thao thuần túy. Cổ động viên Pháp vẫn đến sân cổ vũ cho đội nhà, nhưng một số khác thì còn bận biểu tình đòi quyền lợi cho người lao động. Bóng vẫn cứ lăn và biểu tình vẫn cứ tiếp diễn.
Mà không chỉ Pháp, người dân nhiều nước châu Âu khác cũng chỉ coi bóng đá là trò giải trí đơn thuần. Dù cho EURO có được tổ chức 4 năm một lần thì đó cũng vẫn chỉ là một “event giải trí”, chưa đủ sức thu hút hết tâm trí của người dân các quốc gia đó.
Họ còn nhiều thứ để bận tâm hơn, từ chuyện chính sự quốc tế như vụ “Brexit” mà chuyên mục này đã từng đề cập, cho đến những vấn đề an sinh xã hội sát sườn. Những cộng đồng dân cư có đầy đủ tri thức như thế sẽ không mất thời gian cho những thông tin vô bổ kiểu cô này hở bạo, anh kia diễn trò, cho dù đúng là mối tình mới Taylor Swift-Tom Hiddleston cũng khiến mạng xã hội náo loạn hơn chút đỉnh.
Tương tự, những cộng đồng dân cư có tri thức cũng không thờ ơ, lãnh cảm với những tấm gương hy sinh cho cộng đồng mình đang sống, thay vì chỉ biết thương vay, khóc mướn cho người khác. Hẳn tất cả vẫn nhớ dòng người xếp hàng dài ở chân tháp Eiffel để hiến máu cho các nạn nhân vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan cuối năm ngoái. Hay việc người dân Paris bất chấp hiểm nguy mở cửa cho người lạ vào trú chân trong cái đêm kinh hoàng hôm đó.
Nên nếu không may EURO lần này cũng xảy ra những kịch bản xấu, người dân Pháp sẽ tiếp tục chứng tỏ cho cả thế giới hiểu thế nào là “giá trị nhân văn” cao cả, điều mà nhiều cộng động cư dân khác phải mất nhiều năm nữa mới chạm tới được.
Hoàng Nhật
Thể thao & Văn hóa