(Thethaovanhoa.vn) - Trận đấu giữa Croatia và Bồ Đào Nha tuy hấp dẫn về mặt danh tiếng nhưng lại phụ thuộc vào quá nhiều chữ “nếu” để mang tới bầu không khí chuyên môn tích cực. Nhưng không vì thế mà sức hút của nó sẽ sụt giảm.
Vấn đề chủ yếu nằm ở Bồ Đào Nha, khi đội bóng này cho tới nay vẫn chưa thực sự thể hiện được một bộ mặt ổn định về lối chơi tại vòng chung kết EURO 2016 lần này.
Bồ Đào Nha có thể chơi tốt, nhưng...
Ở ba trận vòng bảng, Bồ Đào Nha đã thể hiện 3 bộ mặt rất khác nhau. Khi gặp Iceland trong trận mở màn, họ đã áp dụng một sơ đồ 4-4-2 tương đối linh hoạt, mà khi tấn công có thể trở thành 3-1-5-1. Với cách vận hành này, Bồ Đào Nha dễ dàng kiểm soát trung lộ, gây rối loạn phòng tuyến của đối thủ và tạo ra nhiều cơ hội nguy hiểm một cách không khó khăn.
Tuy nhiên, sự xuất sắc của thủ thành Hannes Thor Halldorsson cũng như sự vô duyên của các chân sút Bồ Đào Nha đã khiến Seleccao chỉ giành được 1 điểm.
Sang tới trận thứ hai, Bồ Đào Nha có sự thay đổi về nhân sự khi Ricardo Quaresma góp mặt. Họ vẫn chơi với sơ đồ 4-4-2 khi phòng ngự, nhưng khi tấn công, nó chuyển thành 4-3-3. Quaresma, Cristiano Ronaldo hoặc Nani sẽ chơi ở trung tâm như một tiền đạo, hai người còn lại sẽ chạy biên. Tuy nhiên, cách di chuyển này là quá đơn giản và kém hiệu quả. Kết cục là Bồ Đào Nha trở thành đội duy nhất không thắng được Áo ở bảng F.
Ở trận cuối cùng, dường như HLV Fernando Santos đã cố gắng tạo ra một sự kết hợp của cả hai lối chơi nói trên. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha càng chơi càng rối rắm, hai mắt xích luân chuyển bóng chính là Andre Gomes và Joao Moutinho không thể hiện được bản thân, trong khi đó người bén duyên với khung thành là Nani thì thường xuyên phải di chuyển quá rộng để phục vụ Ronaldo.
Nếu chỉ xét những con số, có người sẽ lầm tưởng rằng Bồ Đào Nha đang là một trong những đội hay nhất giải. Họ đứng thứ ba về thời lượng kiểm soát bóng trung bình mỗi trận - 61,2%, chỉ kém Đức (66,5%) và Tây Ban Nha (63,7%). Họ cũng xếp thứ ba về độ chính xác của những đường chuyền, với 86,9%. Họ tung ra nhiều cú dứt điểm nhất trong số các đội dự giải với 70 lần. Chỉ riêng Ronaldo đã đóng góp tới 30 pha dứt điểm, tức trung bình 10 lần/trận, và dĩ nhiên anh là người đã dứt điểm nhiều nhất giải. Vân vân và vân vân.
Nhưng họ chỉ giành được 3 điểm sau 3 trận hòa, để đi tiếp ở vị trí thứ ba. Bồ Đào Nha có thể chơi tốt, nhưng họ mới chỉ thể hiện được hơn 60 phút của trận đấu đầu tiên. Thời gian còn lại, họ như những kẻ lạc lối.
Croatia, một đội tuyển “cơ bản”
Trong khi chiến thuật bóng đá đang tiến hóa nhanh chóng và ngày càng trở nên phức tạp, hình ảnh của Croatia là điều gì đó rất đáng chú ý: Họ chơi một thứ bóng đá rất “cơ bản”.
Cơ bản ngay từ sơ đồ chiến thuật: Họ sử dụng 4-2-3-1, thứ sơ đồ bắt đầu nổi lên từ giữa thập niên trước, từng là phổ biến và thông dụng tại World Cup 2010, EURO 2012. Cơ bản từ cách vận hành của sơ đồ ấy: Họ có thể lên bóng từ từ qua từng tuyến, hậu vệ lên tiền vệ rồi tiền vệ lên tiền đạo; hoặc cũng có thể phất dài, dốc biên, tạt cánh.
Croatia không chơi bóng với tâm thế của một kẻ yếu, thậm chí còn rất tự tin khi không hề phòng ngự thụ động trước Tây Ban Nha. Nhưng họ cũng rất biết người biết ta, khi áp dụng cách pressing từ xa tương đối phức tạp nhằm khắc chế phần nào lối chơi của Tây Ban Nha ở trận cuối vòng bảng.
Croatia làm được điều ấy là nhờ một lực lượng vô cùng thú vị và giàu chiều sâu. Họ có những ngôi sao thực thụ, như Luka Modric, Ivan Rakitic hay Mario Mandzukic. Khi Modric chấn thương, Milan Badelj bước lên để làm người điều phối bóng từ tuyến dưới. Mandzukic vắng mặt, Nikola Kalinic thay anh chọc thủng lưới Tây Ban Nha.
Những cầu thủ tầm trung bình - khá như Danijel Subasic, Vedran Corluka, Ivan Perisic đều đang làm rất tốt. Lứa trẻ của Tin Jedvaj, Marko Rog, Ante Coric, Marko Pjaca đã thể hiện tiềm năng rất lớn.
Sự đồng đều và gắn kết của tập thể cầu thủ này là lý do để Croatia dễ dàng vận hành một hệ thống “cơ bản” đạt độ hiệu quả cao.
Kết luận
Cuộc đối đầu giữa Croatia và Bồ Đào Nha ở vòng 1/8 chắc chắn sẽ là một trận cầu nảy lửa, nếu như Bồ Đào Nha thể hiện được hình ảnh của họ trước Iceland - hình ảnh mạnh mẽ nhất của họ. Đánh cược vào những chữ “nếu như” thật không nên. Cristiano Ronaldo và các đồng đội đang đứng trước cơ hội rất lớn để tự khôi phục hình ảnh của chính họ, nếu đánh bại được Croatia - một trong những đối thủ khó nhằn nhất của nhánh đấu.
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa