El Nino sắp kết thúc nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng đến Trái Đất trong vài tháng tới
Nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), nhật báo Le Monde của Pháp có bài viết phản ánh thực trạng nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong năm 2023 và 2024 do El Nino, đồng thời cảnh báo tình trạng nắng nóng cực đoan sẽ còn gia tăng trong vài tháng tới.
Phóng viên TTXVN tại Paris dẫn bài viết cho biết El Nino chính thức bắt đầu vào tháng 6/2023, đạt đến đỉnh điểm vào tháng 12 của năm và tiếp tục kéo cho đến tháng 5/2024. Giai đoạn này được ghi nhận là một trong số 5 đợt El Nino mạnh nhất mà Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ghi nhận được, chỉ sau các đợt "siêu El-Nino" năm 1982-1983, 1997-1998 và 2015-2016.
Hiện tượng El Nino đã góp phần làm nhiệt độ đặc biệt tăng vào năm 2023, được ghi nhận là năm nóng nhất, vượt kỷ lục trước đó của năm 2016 là 0,16°C. Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu đã vượt quá thời kỳ tiền công nghiệp 1,45°C, trong khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên dưới mức 1,5°C.
Mỗi El Nino, ở đỉnh điểm, thường khiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên khoảng 0,25°C. Tác động này xuất phát từ thực tế là vùng nhiệt đới Thái Bình Dương chiếm 1/4 bề mặt hành tinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn chia rẽ về vai trò chính xác của El Nino trong hiện tượng nóng lên chưa từng thấy vào năm 2023.
El Nino gây lũ lụt ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người Brazil vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2023, tạo ra những trận mưa xối xả ở vùng Sừng châu Phi từ tháng 3 đến tháng 5 và ở Dubai vào tháng 4/2023, dẫn đến hạn hán ở Indonesia và Philippines vào mùa Xuân, hoặc giai đoạn tẩy trắng san hô đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện tượng này cũng có thể liên quan đến đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất được ghi nhận trong năm nay ở khu vực Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribe.
Hiện nay, vùng xích đạo Thái Bình Dương đã trở lại trạng thái trung bình, với những diễn biến nóng và lạnh bất thường ở mức tối thiểu, chủ yếu ở lưu vực phía Đông và trung tâm. Nhưng theo giải thích của Michael McPhaden, nhà khoa học làm việc tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ, điều này không có nghĩa là ảnh hưởng của El Niño đã kết thúc. Theo dự đoán của các nhà khoa học, hiện tượng này sẽ còn tồn tại thêm hai đến ba tháng nữa trên phạm vi toàn cầu.
Các nhà khoa học cũng dự báo nhiều khả năng năm 2024 sẽ bằng hoặc thậm chí vượt qua kỷ lục nhiệt độ của năm 2023. Michael McPhaden nhớ lại: "Nhìn chung, năm thứ hai xảy ra hiện tượng El Nino thường là năm ấm nhất". Nhà khoa học cũng dự báo rằng tháng 5/2024 sẽ trở thành tháng thứ 12 liên tiếp phá kỷ lục nhiệt độ. Theo dự báo của WMO, nhiệt độ dự kiến sẽ duy trì trên mức bình thường trong các tháng 5, 6 và 7, do sự bất thường về nhiệt độ ở các đại dương.
Tình trạng quá nóng này có thể được hạn chế hơn vào năm 2025 nếu El Niño nhường chỗ cho La Nina. WMO ước tính có 70% khả năng xảy ra La Nina trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2024. Tuy nhiên, La Nina có thể sẽ không giúp giảm nhiệt độ nhiều do biến đổi khí hậu.
Hơn thế nữa, La Nina cũng sẽ có khả năng gây ra mưa lớn và lũ lụt ở Australia hoặc làm tăng gió mùa Ấn Độ và ngược lại gây hạn hán ở một số khu vực phía Nam Nam Mỹ, phía Nam nước Mỹ và bang California, vùng Sừng châu Phi và Trung Á.
La Nina, kết hợp với nhiệt độ cực cao ở Đại Tây Dương, cũng có thể dẫn đến một mùa mưa bão "bất thường" ở lưu vực này. NOAA đã dự báo xuất hiện từ 17 đến 25 cơn bão tại khu vực này. Trong số đó, có 8 đến 13 trận bão lớn với sức gió trên 119 km/h, và từ 4 đến 7 trận bão ở cấp độ 3 trở lên (hơn 178 km/h). WMO cũng cảnh báo thêm rằng: "Điều kiện thời tiết sẽ tiếp tục khắc nghiệt hơn do nhiệt độ và độ ẩm tăng thêm trong khí quyển" do khí nhà kính gây ra, chủ yếu được tạo ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt.