Đường sách - 'nốt lặng' của một 'thành phố bận rộn'
(Thethaovanhoa.vn) - Đường sách TP.HCM dài 144 mét, gần như ôm trọn đường Nguyễn Văn Bình, nối quảng trường Công xã Paris đến đường Hai Bà Trưng, quận 1. Khi nó sắp khai trương, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng nhà sách thì mọc khắp nơi, đường sá thì chật chội, kẹt xe tứ phía, làm đường sách có vẻ viển vông.
- Đường sách TP.HCM đã được quan tâm đúng tầm
- Đường sách TP.HCM chính thức hoạt động từ 9/1
- TP.HCM rực rỡ sắc màu đường hoa, tưng bừng lễ hội đường sách
Đã có những cuộc hẹn kiểu như ra đường sách cà phê đi, nghĩa là không cần phải mua sách, thậm chí không cần quan tâm đến sách. Tản bộ tới lui với ly cà phê cầm tay, hoặc ngồi một góc nhìn mọi người qua lại, tự nhiên thấy cuộc sống cũng không đến mức quá mệt mỏi, bức bí. Đường sách trở thành chỗ để tìm chút thư giãn, thảnh thơi, xả căng thẳng.
Ai đã từng đến Kyoto (Nhật Bản), kiểu gì cũng được bạn bè giới thiệu đến con đường đi bộ mang tên Triết học. Nó chạy dọc con kênh nhỏ, nối Ginkakuji (chùa Bạc) đến Eikandou (Vĩnh Quán Đường), nơi đây là khoảng không của trầm tư và sách vở.
Còn Paris (Pháp) thì có đường sách cũ gần 3km dọc sông Seine, gần nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) nổi tiếng không kém gì tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre… Hoặc như Busan (Hàn Quốc) là đường sách Bosu Dong, nơi người ta có thể quay ngược lại quá khứ vô tận.
Đường sách TP.HCM có thể mang chở thêm những ý nghĩa khác, nhưng trong nó vẫn hàm chứa những gì mà vô số đường sách trên thế giới đã tạo ra: Hãy cho con người đô thị thêm một cơ hội sống chậm cùng thời gian và sự tĩnh lặng.
Như vừa rồi bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc nói về sự vui sống của tuổi già, rộng hơn là thái độ ứng xử với sinh lão bệnh tử tại đường sách. Không hề có chuyện sách vở, tầm chương trích cú, mà là phút tâm tình nhẹ nhàng, vài người già bán vé số dừng lại hỏi vài câu, lắng nghe trả lời, rồi đi.
Hay như mới đây nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn ra mắt sách Những chấn thương tâm lý hiện đại (NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, quý 1/2016). Nói là ra mắt sách, nhưng rồi câu chuyện lại được mở rộng sang những vấn đề mà đôi khi chỉ một lời khuyên, một chia sẻ, phân tích là đủ, không cần đọc trang sách nào. Hai ví dụ như vậy để thấy đường sách, nhưng không chỉ có sách.
Hơn nữa, khi có đường sách, nó trở thành một gợi ý sinh động cho những nơi làm quy hoạch đô thị, kiến trúc, giao thông công chánh... Rằng thành phố dù đông đúc đến đâu thì vẫn còn những cơ hội để đổi thay, để tái thiết theo hướng văn minh, hợp lý hơn.
Bây giờ là đường sách, biết đâu trong tương lai sẽ thêm đường âm nhạc, đường mỹ thuật, đường phim ảnh… thì thành phố sẽ thêm những điểm nhấn thú vị. Nếu công viên là lá phổi, thì đường sẽ là huyết mạch, và các đường đi bộ kiểu đường sách góp một nhịp đập nhịp nhàng hơn cho cơ thể đại đô thị đang tăng thể trọng.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa