Đừng nói nhiều với người say...
(Thethaovanhoa.vn) - Vì người say thường không biết mình say. Trong ca nhạc, hình tượng người say thật đáng yêu: “Tôi không say. Có say đâu mà…”. Còn trong thực tế, “ba con chó dữ với một thằng say rượu” là đủ để kinh thiên động địa xóm làng, đến cả cụ Bá Kiến trong Chí Phèo cũng phải kiềng mặt.
Vậy chúng ta có nên bênh vực những người say rượu lái ô tô, xe máy hay không?
***
Trong những ngày qua, đề xuất tịch thu phương tiện của những người say rượu đã gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận. Đành rằng đề xuất đó là rất mạnh tay, có thể chưa tương thích với các quy định hiện hành của pháp luật, thậm chí có thể vi hiến; nhưng đó không phải là lý do để chúng ta bênh vực hay cảm thông cho những người say.
Đa số mọi người không hình dung uống rượu bia đến cỡ nào thì mới vi phạm luật giao thông, cho nên cứ tưởng vô tình “nhấp môi” chén rượu là có thể bị tịch thu ô tô, xe máy. Thật ra không hẳn thế.
Nếu như Luật cũ (năm 2001) cho phép uống rượu bia khá thoải mái, miễn là nồng độ cồn không vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc 40 mg/1l khí thở; thì Luật năm 2008 quy định khắt khe hơn. Cụ thể người điều khiển ô tô bị cấm tiệt uống rượu bia (cứ có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở là bị phạt), còn người điều khiển xe gắn máy thì được phép uống rượu bia ở một chừng mực nhất định để nồng độ cồn không vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở...
Mặc dù quy định khắt khe như thế, nhưng các chuyên gia đã tính toán, thường thì phải uống quá 2 lon bia (hoặc 2 ly rượu vang, 2 chén rượu) thì nồng độ cồn mới vượt quá mức trên. Có nghĩa là trong hội hè, đình đám, tiệc tùng nếu chẳng may có phải “nhấp môi” một chút để kính các cụ thì cũng không đến nỗi phải bị phạt, hay bị tịch thu phương tiện oan.
Đối với người lái xe ô tô, mặc dù cấm tiệt rượu bia, nhưng Luật cũng khá rộng rãi ở chỗ, nếu trót uống đến 2 lon bia (nồng độ cồn trong máu tới 50mg/100ml khí thở) thì bị phạt từ 2-3 triệu đồng, cao đến 80mg/100ml máu thì bị phạt từ 7-8 triệu đồng. Theo quy định hiện hành, nếu uống vượt qua 80mg/100ml máu, tức đến ngưỡng say xỉn thì đã bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Đề xuất của Ủy ban ATGT chỉ tăng lên mức tịch thu phương tiện nếu say đến mức đó.
***
“Nói không với rượu bia khi lái xe”, hoặc “Đã uống rượu bia thì không lái xe” - tất cả chúng ta đều mong như thế. Cho dù, trong cuộc sống, đôi khi ta không thể tránh được phải “nhấp môi” ở một cuộc thù tiếp quan trọng, nhưng như trên đã phân tích, Luật không hoàn toàn không cấm điều đó đối với người đi xe máy. Có nghĩa là, nếu người đi xe máy uống một cách có trách nhiệm (dưới 2 lon bia) thì vẫn có thể thong thả lái xe về nhà. Dĩ nhiên, an toàn nhất vẫn là không uống gì để nồng độ cồn trong máu bằng 0. Người lái ô tô cần cấm tiệt rượu bia, nhưng giả sử anh trót nhấp môi (dưới 2 lon bia) thì cũng chỉ bị phạt đến 3 triệu đồng, chưa đến mức bị tịch thu phương tiện.
Tịch thu phương tiện của những người có nồng độ cồn trong máu vượt quá 80mg/100ml máu (tức phải uống đến 3-5 lon bia), thực tế là quy định “đánh” vào những kẻ say xỉn, uống rượu bia thiếu trách nhiệm. Họ biết rằng say xỉn có thể đâm chết người, nhưng vẫn cố tình cầm lái thì có nghĩa là một hành vi cố ý.
***
Đừng nói nhiều với người say, bởi người say thường không biết mình đang làm gì. Họ chỉ biết khi chưa say. Vậy khi họ còn chưa say thì hãy để họ biết rằng, nếu say xỉn mà lái xe, có thể bị tịch thu phương tiện.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa