Đừng giẫm lên vai kẻ khác...
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, lãnh đạo ngành giáo dục và tỉnh Hưng Yên đã xem xét các hình thức kỷ luật với các giáo viên trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi), cũng như một số học sinh trong trường.
Đó là một kết cục tất yếu, khi dư luận vô cùng bức xúc trước việc một học sinh lớp 9 tại đây bị các bạn lột đồ, quay clip và đánh hội đồng vô cùng tàn nhẫn.
Riêng tôi lại chú ý tới một tình tiết: ngoài những cá nhân ấy, lãnh đạo ngành giáo dục đề nghị kỷ luật cả những học sinh chứng kiến vụ bạo hành, nhưng không can ngăn, bênh vực và để bạn bị hành hung.
Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ
Trong một nhóm hay một cộng đồng được tổ chức chặt chẽ, những thành viên yếu đuối bao giờ cũng được bảo vệ, săn sóc nhiều nhất. Điều đó không chỉ đúng trong cộng đồng loài người.
Khi xem rất nhiều chương trình về các loài sinh vật, tôi để ý thấy, khi cả đàn khi di chuyển hay đi kiếm ăn hoặc khi gặp những đối thủ săn mồi nguy hiểm thì bao giờ tất cả cũng tập trung lại ưu tiên, bảo vệ những cá thể nhỏ, yếu dễ bị tổn thương nhất. Điển hình và dễ nhận thấy đó là loài voi. Ngay cả loài sói khi di chuyển chúng cũng sắp xếp đội hình cho con già, con non, con khỏe, con yếu tùy theo tình huống và địa hình.
Các gia đình ở nông thôn trước đây thường đông con, có khi tới sáu, bảy đứa trứng gà, trứng vịt, cơm chẳng có đủ ăn, áo chẳng có đủ mặc... Nhưng nếu tinh ý chúng ta sẽ nhận thấy rằng, trong hoàn cảnh thiếu thốn ấy, các bà mẹ thường quan tâm nhiều nhất đến đứa con út hay những đứa bị “thiệt thòi” nhất trong đàn con của mình.
Đó là những đứa kém hơn các anh chị em của mình về mặt thể lực hay trí lực (do bẩm sinh hoặc một tai nạn nào đó). Thường thì cả nhà sẽ tập trung ưu tiên cho đứa trẻ thiệt thòi đó, đến cả khi nó trưởng thành, có gia đình riêng rồi, ông bố, bà mẹ vẫn “dấm dúi” dành dụm cho nó phần hơn.
Sự yêu thương ấy chính là lẽ “công bằng của trái tim”, để bù đắp cho những thiệt thòi của người thân yêu, để từ đó, mọi người đều có cơ hội phát triển như nhau. Và triết lý yêu thương ấy cũng là triết lý làm nên sức mạnh của mỗi người, mỗi cộng đồng.
***
Tôi nhớ lại một câu chuyện cũ: khi học cấp 2, trong lớp có cậu bạn bị yếu sức khỏe, đi lại khó khăn. Vì là cùng sống trong khu tập thể nên buổi sáng, mấy đứa chúng tôi thường thay nhau qua nhà cõng cậu bạn đến lớp.
Ở lớp, vị trí của cậu bạn luôn luôn là bàn đầu tiên, cả lớp hầu như ai cũng có thể giúp cậu ta việc gì đó khi cần, không thấy sự phân biệt gì cả. Cô chủ nhiệm khi họp lớp bao giờ cũng hỏi thăm cậu ta trước, xem có vấn đề gì không? Tất cả chỉ nghĩ đơn giản là: bạn ấy thiệt thòi nhất thì phải ưu tiên bạn ấy trước nhất.
Một tập thể lớp mà gắn kết, có sự quan tâm đến các thành viên thì phải biết hỗ trợ và giúp đỡ bạn mình, đặc biệt với những người gia cảnh khó khăn, - thậm chí là có tính cách mềm yếu, như những giáo viên nhận xét về em học sinh bị đánh ở trường Phù Ủng.
Một tập thể như thế tất nhiên không thể có chuyện cứ ỷ thế mạnh hơn là bắt nạt, ức hiếp kẻ yếu dù là ở đâu, cấp học nào. Và, ý thức về điều ấy trước tiên phải đến từ mỗi cá nhân.
Bởi thế, phần nào, tôi đồng tình với nhận xét của lãnh đạo ngành giáo dục, nếu có những học sinh chứng kiến vụ việc nhưng không bênh vực bạn. Như nhận xét ấy, các em còn trẻ mà đã không có ý thức, có trách nhiệm trước đồng loại của mình.
Như Nam Cao viết trong “Đời thừa”: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”.
Quốc Khánh