'“Đừng gây sức ép lên Ánh Viên'
(Thethaovanhoa.vn) - Thành tích 4 phút 41 giây 68, phá kỷ lục SEA Games (4 phút 46 giây 16) ở nội dung 400m hỗn hợp tại một giải đấu tập huấn ở bang Florida hôm 20/2 thêm một lần nữa chứng tỏ Ánh Viên là VĐV được kỳ vọng có thể giành HCV Asiad 2014 và đạt những mục tiêu lớn hơn.
Tuy nhiên, trao đổi với Thể thao & Văn hóa cuối tuần, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng đã có những phân tích hợp lý, qua đó giảm tải sức ép lên cô gái người Cần Thơ này.
* Xin ông cho biết tình hình tập luyện của Ánh Viên trong thời gian qua tại Mỹ?
- Theo tình hình HLV Đặng Anh Tuấn báo về nhìn chung là tốt, Viên vừa trải qua một giai đoạn tập nâng cao. Ánh Viên sẽ không chỉ tập luyện ở CLB mà được đưa đi dã ngoại, đến những nơi có đối tượng cọ xát đỉnh cao. Tuần trước, Viên rất thích vì được đua tranh với một loạt các tuyển thủ Italy trên một vùng núi cao. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm, chọn lựa những VĐV giỏi hàng đầu thế giới, làm người tập cùng với Ánh Viên.
Từ bây giờ đến tháng 7, Ánh Viên sẽ được tham gia nhiều giải đấu lớn, trong đó đặc biệt là giải tuyển chọn Olympic trẻ. Ánh Viên sẽ phấn đấu có huy chương ở các cự ly sở trường 100m, 200m bơi ngửa, 200m, 400m hỗn hợp.
Ánh Viên tiếp tục thể hiện sự tiến bộ khi tập huấn tại Mỹ. Ảnh: Quang Nhựt
* Hiệp hội thể thao dưới nước và Tổng cục TDTT có đề ra một mốc thời gian cụ thể trong việc đầu tư dài hạn cho Ánh Viên là bao lâu hay không, thưa ông?
- Chúng tôi cứ làm năm một thôi. Năm tài chính của Việt Nam được quy định là năm một nên không thể vượt ra khỏi khuôn khổ này, nói dài hơi hơn. Tất nhiên nếu nói mồm thì vẫn là đầu tư lâu dài nhưng kế hoạch tài chính sẽ chỉ là năm một thôi.
* Việc đầu tư cho Ánh Viên tập huấn dài hạn ở Mỹ tương đối tốn kém, ngốn phần lớn kinh phí nhà nước dành riêng cho môn bơi lội trong một năm…
- Tốn kém là một chuyện nhưng vấn đề là từ xưa đến nay vẫn như thế cả. Kế hoạch thì năm nào lãnh đạo Tổng cục TDTT các anh ấy đều ủng hộ, nhưng còn phụ thuộc vào tình hình tài chính. Ví dụ như năm nay tài chính dành cho bơi lội là như thế, nhưng sang năm có thể sẽ khác, nhà nước cấp ít kinh phí đi, vì thế mình không thể nói trước. Nói về chuyên môn thì chúng tôi muốn đầu tư lâu dài, nhưng tình hình cụ thể còn tùy thuộc vào ngân sách.
* Nếu như dồn phần lớn kinh phí nhà nước dành cho bơi lội đầu tư cho Ánh Viên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chung cũng như các VĐV khác?
- Thực sự cũng không ảnh hưởng gì lắm. Nếu như trước kia mình làm tràn lan ra thì bây giờ tập trung đầu tư có trọng điểm, thế thôi. Như thế sẽ tốt hơn nhiều.
* Có thể nói Ánh Viên là một trường hợp cá biệt của bơi lội Việt Nam cả về năng khiếu bẩm sinh cũng như việc phát hiện, đào tạo theo một chuẩn mực để nâng cao thành tích?
- Theo tôi cần phải kết hợp cả 2 yếu tố. Nếu một VĐV có tài năng nhưng được phát hiện muộn và đầu tư không kịp thời thì cũng không đạt được hiệu quả. Mình không thể nói được yếu tố nào quan trọng hơn. Anh có tài năng mà không được đầu tư thì cũng khó phát triển và ngược lại, nếu được đầu tư mà không có năng khiếu thì thành tích sẽ không được cải thiện. Cần phải có cả hai yếu tố tài năng và chế độ đầu tư đặc biệt.
* Ông có thể cho biết cái đích cuối cùng trong việc đầu tư đặc biệt cho Ánh Viên là cải thiện, nâng cao thành tích trong các giải đấu lớn hay còn có mục tiêu nào khác?
- Kỳ vọng thì ai trong chúng ta cũng có thể kỳ vọng nhưng sự kỳ vọng đó phải đúng. Việc đầu tư tập luyện cho Ánh Viên như vậy nhìn chung là tốt. Ánh Viên đang được coi là một VĐV trẻ, nhưng VĐV quốc tế người ta thậm chí giành HCV thế giới, HCV Olympic từ năm 15, 16 tuổi, họ cũng tập luyện được trên 10 năm trong khi Ánh Viên của chúng ta mới chỉ được tập luyện đỉnh cao trong vòng 3 năm trở lại đây thôi. Thế nên, có những cái chúng ta cũng đừng nên kỳ vọng quá. Con cái chúng ta không được 9 tháng thì cũng phải được 7 tháng, phải qua giai đoạn tích lũy thì mới phát triển được.
Tất nhiên, chúng ta có quyền kỳ vọng ở Ánh Viên nhưng tôi nghĩ cũng đừng kỳ vọng quá vì như thế vô tình sẽ gây sức ép lên VĐV. Chúng ta cần thông cảm vì tăng tiến thì cũng phải có tuần tự của nó, từ A qua đến B, B rồi mới đến C… Chứ không thể từ A đến thẳng ngay F được. Hơn nữa, bơi lội là môn thể thao đòi hỏi có sự tích lũy lâu dài mà tích lũy từ đâu, tích lũy kinh nghiệm chính từ việc tham gia nhiều giải đấu cũng như quá trình tập luyện lâu dài.
Xin cảm ơn ông!
Thành Đạt (thực hiện)