Đừng đổ lỗi cho 'cướp lộc'
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội đền Gióng năm 2018 sẽ không còn nghi thức rước giò hoa tre và trầu cau như truyền thống. Đó là thông tin vừa được lãnh đạo huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khẳng định.
3 năm gần đây, những giò hoa tre của đền Gióng luôn trở thành điểm nóng trong mỗi mùa lễ hội đầu xuân. Bởi, mỗi lần diễn ra, diễn xướng từng tồn tại hàng trăm năm ấy bỗng trở thành cơ hội để cả một biển người giẫm đạp, xô đẩy, thậm chí là thoải mái đấm đá nhau để sở hữu một chút "lộc thánh" cho mình.
Tới mức, Tết 2016, biển người ấy đã đạp đổ cả lư hương trên kiệu Thánh, rồi cướp sạch mâm trầu cau - khi lễ vật còn đang trên đường rước về đền Hạ.
Do vậy, theo Ban tổ chức hội Gióng 2018, sau phần lễ tại đền Thượng, các lễ vật sẽ được đưa vào hậu cung, thay vì rước xuống đền Hạ và đền Mẫu như trước. Hiện tại, thời điểm và cách thức tổ chức phần lễ tạ, cũng như "tán lộc" tại 2 đền này sẽ được nghiên cứu thêm – nhưng chắc chắn không có chuyện mang ra rước trước du khách (và để cho "cướp") như mọi năm.
Thực tế, nghi thức rước giò hoa tre và trầu cau đã là một phần hữu cơ của hội Gióng trong quá khứ, và từng được nhắc tới trong hồ sơ trình UNESCO để được công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Như nghiên cứu, bản thân các lễ vật ấy, cũng mang nhiều lớp nghĩa khác nhau.
Chẳng hạn, những giò hoa tre (làm bằng thanh tre có đầu vót thành xơ và nhuộm màu) gắn với truyền thuyết về cây gậy tre của Thánh Gióng bị dập nát sau khi dẹp giặc Ân. Cây gậy ấy được Thánh Gióng giao cho người dân, rồi trở thành "hoa tre" để thờ sau khi họ lấy quả giành giành trên núi nhuộm màu. Còn, trầu cau dâng Thánh vừa có dáng dấp của một vật phẩm phục vụ cuộc sống đời thường, vừa gợi sự liên tưởng biểu tượng âm dương hòa hợp theo văn hóa Việt.
***
Đáng nói, theo BTC, 100% người dân các thôn Vệ Linh, thôn Đan Tảo…, (nơi làm lễ giò hoa tre, giò trầu cau dâng Thánh) đều đồng thuận với sự thay đổi này. Có nghĩa, dù duy trì hàng trăm năm, cộng đồng đóng vai trò chủ thể của hội Gióng cũng đã đồng ý rằng: nghi thức này đã không còn "an toàn" trong xã hội hiện đại.
Và, trao đổi với người viết, các chuyên gia văn hóa đều tỏ ra đồng tình với thay đổi này – dù vẫn tỏ ý tiếc nuối, khi những biểu trưng như hoa tre, trầu cau này không còn xuất hiện cùng một đám rước trọng thể và được chia sẻ cho khách thập phương để cầu may.
"Để xảy ra tình trạng như vài năm vừa qua, đó là lỗi của chính chúng ta – khi mà có rất nhiều du khách chỉ đến hội Gióng với tâm lý lăm le... cướp lộc" – TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, nói –"Tôi hiểu, và chia sẻ với cách lựa chọn của BTC, cho dù sự thay đổi này là đáng tiếc vô cùng".
Thậm chí, PGS Nguyễn Văn Huy còn "hiến kế": sau khi dâng lễ, giò hoa tre và trầu cau nên được hóa để dâng Thánh để tránh nguy cơ "rò rỉ" ra ngoài và gây ra những chuyện tranh cướp hoặc mua bán rất không hay. "Biết làm sao được" – ông nói – "Chúng ta nên tự động viên nhau rằng làm vậy, bản chất của hội vẫn là việc bày tỏ sự tôn kính tới Thánh Gióng, thay vì trở thành nơi nảy sinh những hiện tượng phản cảm..."
Nhiều người đã nhắc tới việc không gian truyền thống của Hội Gióng bị phá vỡ trong những năm qua, khi một lượng khách thập phương khổng lồ đổ về đây bên cạnh cộng đồng bản địa. Nhưng xa hơn, chính sự thay đổi về tâm lý, và văn hóa ứng xử của những người đi hội, mới là lý do để làm hỏng một nghi thức đẹp từng có trong Di sản Văn hóa Thế giới này.
Buồn, nhưng rõ ràng lỗi trước tiên thuộc về chúng ta – khi có những người mượn nghi thức "cướp lộc" để buông thả cho lòng tham và cách ứng xử thiếu văn hóa của mình.
Anh Bảo