Đừng 'bi kịch' hóa thất bại của U16 Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều CĐV đã bày tỏ sự thất vọng sau khi chứng kiến U16 Việt Nam không thể đến với VCK U16 châu Á 2020, nhưng rõ ràng vẫn có nhiều điểm đáng lạc quan bên cạnh những bài học để chúng ta rút kinh nghiệm khi nhìn từ thất bại này.
U16 Việt Nam đã không thể tiếp bước các "đàn anh" để có lần thứ 3 liên tiếp dự VCK U16 châu Á sau thất bại đáng tiếc trước Australia 1-2 bởi bàn thua ở những phút cuối cùng. Nếu không có tình huống để thua đáng tiếc ấy, U16 Việt Nam đã là đội đến với Bahrain vào năm sau còn Australia là những người phải "ở nhà".
Nhiều CĐV sau trận đấu đã có những bình luận tương đối tiêu cực như "lứa này thế là bỏ, HLV lứa này không có tài và có phần bảo thủ."...
Những nhận xét ấy có phần đúng nhưng nó thật sự phiến diện khi nhìn toàn bộ những gì các cầu thủ trẻ U16 Việt Nam đã thể hiện trong suốt quãng thời gian vừa qua, không chỉ trong chiến dịch vòng loại U16 châu Á lần này.
Đầu tiên, phải khẳng định rằng các cầu thủ U16 Việt Nam tham dự vòng loại U16 châu Á 2020 đều nằm trong độ tuổi 15 trở xuống bởi quy định của BTC các cầu thủ phải không vượt quá 16 tuổi vào năm thi đấu vòng chung kết 2020. Ở các giải đấu trước đó, toàn đội chỉ thi đấu một trận kéo dài 80 phút trong khi tại vòng loại lần này, mỗi trận đấu đã kéo dài 90 phút và chỉ có 3 sự thay đổi người trong mỗi trận.
Việc phải kéo dài thời gian thi đấu trên sân đã phần nào ảnh hưởng đến thể lực của các cầu thủ trẻ. Vậy mà U16 Việt Nam vẫn chơi tương đối tốt. Từ một đội bóng có những trận đấu nhạt nhòa và hầu hết chỉ thắng nhờ may mắn ở giải Đông Nam Á hồi tháng 7, U16 Việt Nam đã dám đá, dám chơi và lần lướt được các đối thủ (kể cả hiệp một trận đấu với Australia).
So với những lứa dự các VCK U16 châu Á 2016 và 2018, lứa cầu thủ U16 Việt Nam lần này ít cầu thủ triển vọng hay tỏa sáng rực rỡ hơn nhưng những gì mà Văn Chí, Ngọc Sơn hay tiền đạo Duy Hào thể hiện trong bốn trận đấu ở vòng loại U16 châu Á 2020 ít nhiều cũng cho thấy các em có tiềm năng để trở thành những cầu thủ giỏi nếu được trui rèn và thi đấu quốc tế nhiều hơn nữa.
Bên cạnh những điểm tích cực nói trên, tất nhiên vẫn còn những điểm còn hạn chế cũng như những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến thất bại của U16 Việt Nam. Chấn thương chưa hoàn toàn bình phục của tiền đạo chủ lực Cái Văn Quỳ dẫn đến nhiều xáo trộn trong đội hình mà HLV Đinh Thế Nam xây dựng, việc các cầu thủ bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trong các trận đấu ở vòng loại lần này cũng đến từ lý do trên.
Thêm vào đó, việc U16 Australia thi đấu "vật vờ" trước các đối thủ khác trong bảng cũng khiến BHL U16 Việt Nam có phần chủ quan trước trận đấu quyết định. Nhìn các cầu thủ U16 Việt Nam mất tinh thần sau bàn thua từ chấm 11m ở trận gặp U16 Australia, chúng ta có thể nhận ra điều này.
Nhìn rộng ra các bảng đấu khác của vòng loại U16 châu Á 2020, chỉ có duy nhất U16 Indonesia đại diện Đông Nam Á dự VCK, Thái Lan dù đá không tệ và chỉ thua Hàn Quốc 0-2 cũng bị loại, Malaysia dù là ĐKVĐ Đông Nam Á và có trận đấu cực hay để hòa Nhật Bản 2-2 cũng dừng bước vì trước đó đã sảy chân trước Lào với tỷ số 0-1.
Rõ ràng, bóng đá nói chung và bóng đá trẻ nói riêng vẫn có những điều gì đó không dễ lý giải và việc thắng, thua, được dự VCK một giải đấu cụ thể hay không đôi khi cũng là điều bình thường. Trước đây, U16 Việt Nam của lứa Quang Hải, Duy Mạnh từng thua Lào đến 0-3 và chỉ đứng thứ 4 ở vòng loại U16 châu Á 2012 nhưng đến nay họ vẫn là trụ cột cùng đội tuyển Việt Nam tạo nên quá nhiều thành tích ấn tượng thời gian gần đây.
Vấn đề với lứa U16 Việt Nam hiện tại là làm sao để các cầu thủ có thêm được sân chơi, đặc biệt là sân chơi quốc tế trong thời gian tới để duy trì, phát triển tài năng.
Đó mới là điều chúng ta cần suy ngẫm vào lúc này còn việc "bi kịch hóa" và chê các cầu thủ trẻ như những "kẻ bỏ đi" chỉ sau một thất bại thì đó không phải hành động của những khán giả thật sự có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam.
Ngọc Hồng