Dư âm Music Bank: Đừng trách vì sao giới trẻ mê sao Hàn
(Thethaovanhoa.vn) - Sao Hàn thân thiện một cách chuyên nghiệp, không ngừng hỏi khán giả “Các bạn có vui không? Các bạn thấy chúng tôi hát có hay không?”. Không hề khó hiểu, khi một ca sĩ được hâm mộ hiện nay lại có phong cách rất Hàn Quốc (Sơn Tùng M-TP).
Đêm nhạc Music Bank diễn ra tối 28/3 tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, với các nhóm nhạc SHINee, SISTAR, Apink, TEENTOP, Block B, EXO, GOT7. Bên lề sự kiện, nhiều tờ báo vẫn phản ánh về sự hâm mộ cuồng nhiệt của giới trẻ Việt Nam dành cho sao Hàn, như khóc hoặc bám đứng sát xe chở sao Hàn ra về đêm diễn.
Nhưng, người hâm mộ khóc không đến nỗi thảm thiết như nhưng lần đón sao Hàn trước, và khi chờ xe vẫn khá văn minh chứ không chen lấn gây nguy hiểm. Một tờ báo viết: “Fan cuồng đã hết cuồng và trở nên lịch sự hơn”. Với công nghệ biểu diễn, giao lưu rất có nghề và rất khéo chiều fan của sao Hàn, thực ra, tâm lý cuồng nhiệt này hoàn toàn dễ hiểu.
“Các bạn có vui không?” và “công nghệ thân thiện”
Music Bank gây ấn tượng ngay từ đầu khi không một lời giới thiệu, bỗng nhiên thành viên Key của SHINee xuất hiện với vai trò DJ ở trung tâm sân khấu và lần lượt tên các nhóm nhạc hiện lên trên màn hình led hiện đại và đẹp mắt. Khi hiện đến tên mình, các nhóm nhạc lần lượt bước ra chào khán giả trên nền nhạc sôi động. Màn mở màn này rất ấn tượng và bất ngờ, đến nỗi nhiều người hâm mộ vừa xem vừa khá choáng váng.
Chanyeol (EXO) tặng quà lưu niệm là băng rôn in tên các nhóm nhạc cho fan ở khu vé đứng. Ảnh: Thục Anh.
Điểm nổi bật của Kpop là chủ đề có tính toàn cầu, theo ông Kim Ho Sang (Giám đốc Music Bank), một trong những nhà sản xuất đang đưa nhạc Hàn đi quảng bá khắp thế giới qua chuỗi chương trình này. Các bài hát thường nói về tình yêu từ của giới trẻ. Vậy nên, khi đến Việt Nam, họ cũng chọn các bài hát tiếng Việt theo chủ đề này để hát, vì nội dung ca từ đồng điệu với nhạc Hàn.
Cả đêm nhạc diễn ra trong sự mãn nhãn vì các sao Hàn xinh xắn, đẹp đẽ và thứ âm nhạc trẻ trung máu lửa thịnh hành trong các quán bar. Kpop thường bị chỉ trích vì sự hào nhoáng, ai cũng có vẻ ngoài long lanh đôi khi có được là nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng kể cả chuyện phẫu thuật thẩm mỹ vốn bị người hâm mộ trước đây phủ nhận, giờ đây họ chuyển sang công nhận và còn đùa cợt về việc thần tượng của mình mới cắt mí hay chỉnh mũi. Họ dễ dàng chấp nhận miễn là thần tượng trông đáng yêu.
Đi kèm với sự đáng yêu đó là “công nghệ thân thiện”. Nhóm nào lên biểu diễn cũng trang bị vài câu tiếng Việt để hỏi thăm người hâm mộ. “Các bạn thấy chúng tôi hát hay không?”, “Hát hay nhất không?”, MC thì hỏi “Chúng tôi phối hợp rất ăn ý phải không?”, “Tôi làm MC có tốt không”, “Các bạn thấy chúng tôi biểu diễn thế nào?”...
Đám đông hâm mộ xếp hàng vào sân vận động quốc gia Mỹ Đình chiều 28/3. Ảnh: Mi Ly.
Và thêm một bất ngờ nữa ở cuối chương trình, khi tiết mục đồng ca kết thúc, các nhóm đi vào cánh gà, bỏ lại sân khấu trống vẫn sáng ánh đèn. Người hâm mộ chờ đợi một lúc, lác đác vài người định ra về, bỗng dưng trên màn hình xuất hiện 2 lần dòng chữ: “Các bạn có vui không? Các bạn muốn xem chúng tôi biểu diễn nữa không” bằng tiếng Việt. Rồi tiếng nhạc vang lên và EXO dẫn đầu các nhóm khác chạy ra sân khấu trong màn biểu diễn liên khúc cuối cùng. Người xem vỡ òa vì bất ngờ.
Cũng phải lưu ý rằng, sao Hàn không phải lúc nào cũng thân thiện như trên sân khấu. Trong các buổi họp báo, giao lưu quảng bá sản phẩm thương mại, họ giữ thái độ vừa phải, mang rõ tính chất công việc. Họ cư xử lịch sự, phát biểu xã giao nên những câu trả lời phỏng vấn của sao Hàn trong họp báo thường khá nhạt.
Onew, trưởng nhóm SHINee là một ví dụ của sự “thân thiện chuyên nghiệp” này. Trong buổi họp báo, với tư cách thủ lĩnh nhóm nhạc kỳ cựu nhất ở Music Bank, anh giữ thái độ lạnh lùng, ít cười. Khi phát biểu, anh chỉ nói đại ý: “Chúng tôi rất vui lần đầu tiên được đến Việt Nam và mong khán giả sẽ ủng hộ”. Nhưng đến đêm diễn, Onew làm MC nên rất tươi tắn, nói đùa và làm nhiều động tác hài hước mang đến không khí vui nhộn cho đêm diễn.
Nói tiếng Việt bằng phiên âm tiếng Hàn
“Chót thu pi pha i khôm?” (Rất thú vị phải không?), “Chung tôi đa lam tôt pha i khôm?” (Chúng tôi đã làm tốt phải không?), “Chung tôi đa phô i hop chót an y đung khôm a?” (Chúng tôi đã phối hợp ăn ý phải không?) - theo kịch bản MC bị đánh rơi mà một người hâm mộ Việt Nam vô tình nhặt được, các câu nói tiếng Việt đều được viết cách đọc bằng ký tự tiếng Hàn và nghĩa trong tiếng Hàn.
Vậy nên, khi các MC nói rất nhiều câu tiếng Việt ở trên sân khấu, thực chất là họ đang đọc phiên âm từ tiếng Hàn và vẫn hiểu rõ nghĩa tiếng Việt. Còn các câu giao lưu đơn giản như “Xin chào, tôi là...” có thể học từ trước. Thế nên, cách phát âm đôi khi hơi khó nghe.
Sao Hàn nán lại vẫy chào người hâm mộ khi chương trình kết thúc. Ảnh: Thục Anh, Mi Ly.
Mặc dù vậy, sao Hàn nói tiếng Việt vẫn là hành động gây được nhiều thiện cảm. Đó chính là vì sự nhiệt tình của họ. Điều này không giống với các sao phương Tây, khi sang Việt Nam thường chỉ học câu “Xin chào các bạn” hay “Xin chào Việt Nam”, đến cả tài khoản mạng xã hội có câu “Rất háo hức vì sắp đến Việt Nam” cũng là do người quản lý đăng chứ không phải tự đăng (trường hợp giọng ca “American Idol” David Cook năm 2011).
Bởi vậy, sao Hàn đã ghi điểm nhờ biết kết nối với người hâm mộ qua những phương tiện trực tiếp, hiệu quả nhất: ngôn ngữ và mạng xã hội. Sao Hàn rất quen với thuật ngữ “fanservice” (làm những hành động khiến người hâm mộ hài lòng như điệu bộ dễ thương, thể hiện tình cảm, hỏi han, tấu hài để fan vui...).
Bản thân các ca sĩ như Baekhyun, Sehun, D.O (nhóm EXO) hay Bambam (GOT7) đều tự đăng ảnh ở hậu trường đêm diễn, đi ăn phở ở Việt Nam và tỏ ra rất hào hứng. Có hai lý do: một là sao Hàn trẻ hơn nên thích dùng mạng xã hội hơn, hai là họ hiểu sức mạnh to lớn của những thông điệp tưởng như rất đơn giản trên mạng. Một câu chào, một hình ảnh để được yêu nhiều hơn, dại gì không làm?
Miễn phí và chia sẻ - chìa khóa cho sự phổ biến
Cũng trong lần đến Việt Nam diễn H-Artistry năm 2011, quản lý của nữ ca sĩ Anh Alexandra Burke (quán quân X Factor Anh) đã hạn chế báo chí quay phim hầu hết bài hát của cô để giữ bản quyền. Còn trong Music Bank Hà Nội 28/3, độc giả Việt không đến tận nơi vẫn được xem một buổi biểu diễn “truyền hình trực tiếp” khá nhanh chóng qua mạng xã hội và báo chí. Mặc dù, trước buổi diễn, có thông tin cho rằng ban tổ chức sẽ cấm người hâm mộ quay phim chụp ảnh, nhưng cuối cùng không ai bị cấm.
Đây không phải lần đầu tiên vì những buổi biểu diễn nhạc Hàn các năm gần đây đều được ghi hình kịp thời như vậy, nhưng Music Bank lần này có lẽ là sự kiện mà hoạt động “truyền hình trực tuyến” diễn ra sôi nổi nhất, với sự tham gia của cả các cơ quan báo chí và người hâm mộ. Các màn biểu diễn đặc biệt như hát Hello Vietnam và các ca khúc tiếng Việt được chia sẻ nhiều nhất.
Những khán giả lớn tuổi ở khu RVIP (giá 4 triệu đồng) ngồi ở vị trí đẹp nhất nhưng tỏ ra ít hào hứng với chương trình hơn hẳn những khán giả trẻ xung quanh. Ảnh: Mi Ly.
Thậm chí, một nhóm người hâm mộ nhóm nhạc SHINee ở TP HCM và ở Australia, không thể có mặt ở Hà Nội để xem đêm diễn này, còn cho biết ngay khi Music Bank vừa bắt đầu, trên mạng xã hội Twitter các fan đã truyền nhau đường link trực tiếp để nghe âm thanh buổi biểu diễn. Đường link này do một tài khoản của người hâm mộ đang có mặt ở Sân vận động Mỹ Đình đăng tải. Mặc dù vậy, bởi lượng truy cập và bình luận khá cao nên sau đó link này đã bị sập.
Việc tự do trực tiếp truyền tải hình ảnh và âm thanh buổi biểu diễn ngay khi đang biểu diễn nói lên điều gì? Cách làm đó hoàn toàn ăn nhập với chính sách “miễn phí” của nhạc Hàn, vốn rất thành công trên YouTube. Nhà tổ chức chương trình là đài KBS của Hàn Quốc, họ cũng ghi hình chính thức buổi biểu diễn để sau này phát hành đĩa DVD, nhưng họ không hề ngăn cản báo chí Việt Nam và người hâm mộ ghi hình làm "của riêng".
Theo ông Kim Ho Sang, Giám đốc sản xuất Music Bank, trên YouTube, nhạc Nhật chỉ đăng tải một số lượng video ca nhạc hạn chế, và hầu hết là PV (promotional video – đoạn phim quảng bá), chỉ là một phần của các video nhạc chính thức. Còn nhạc Hàn thì đăng tải hầu như toàn bộ các video ca nhạc và thu tiền từ quảng cáo và các nguồn lợi nhuận khác. Nhờ sự chia sẻ “hào phóng” này, nhạc Hàn phổ biến toàn cầu.
Có nhiều yếu tố để đánh giá một chương trình ca nhạc thành công. Nếu xét ở mức độ quan tâm của truyền thông và sự cuồng nhiệt của khán giả, Music Bank Hà Nội đã thành công. Theo ban tổ chức phía Việt Nam, có khoảng 120 cơ quan báo chí trong nước và quốc tế đưa tin về sự kiện này.
Mi Ly