ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam thua Pháp nhưng xứng đáng được ca ngợi rất nhiều sau trải nghiệm vô cùng quý giá
Không có bất ngờ khi tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam để thua tuyển Pháp 20-25, 16-25, 17-25 ở tứ kết FIVB Challenger Cup và phải rời cuộc chơi. Nhưng các cô gái "vàng" của chúng ta xứng đáng được ca ngợi.
Họ mắc lỗi nhưng họ không đáng trách và không thể trách họ
Nếu bạn là người hiểu chuyên môn thì tất nhiên trong trận đấu với tuyển Pháp bạn sẽ thấy tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam mắc rất nhiều lỗi trong đó chúng ta bộc lộ hai điểm yếu lớn là đỡ bước 1 và phát bóng không tốt.
Về cá nhân, Lâm Oanh đã có một trận đấu không tốt. Kiều Trinh chơi cũng không hay như kỳ vọng (chỉ ghi 7 điểm) còn Như Quỳnh, Nguyệt Anh, Tú Linh thì còn mờ nhạt hơn. Các phụ công của chúng ta cũng không thể hiện được gì nhiều.
Ngoài việc phát bóng và đỡ bước 1 không tốt thì chúng ta chắn bóng cũng rất kém hiệu quả. Đội bóng cũng có những thời điểm gặp vấn đề về tâm lí, rõ nhất là ở set 2.
VIDEO trận đấu giữa tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vs tuyển Pháp
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao các cô gái "vàng" của chúng ta lại gặp những vấn đề như vậy?
Thứ nhất, nên nhớ, đây là lần đầu tiên bóng chuyền nữ Việt Nam đánh giải thế giới và ngoài Thanh Thúy giàu kinh nghiệm thi đấu quốc tế (đã đánh thuê ở Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa, Nhật Bản) thì chúng ta không có VĐV thi đấu chính thức nào thực sự có kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Quá nhiều VĐV chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế mà đánh giải tầm thế giới thì họ bối rối, mất tự tin là điều khó tránh khỏi. Đơn giản, niềm tin, bản lĩnh không tự nhiên mà có. Nó phải được trui rèn qua những trận đấu "hạng nặng" và đây mới là lần đầu tiên các cô gái của chúng ta đánh một trận tầm cỡ thế này.
Thứ 2, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ có đúng 1 buổi làm quen sân đấu và không có nhiều thời gian hồi sức trước trận đấu này khi chúng ta bay sang Pháp rất sát ngày thi đấu và mất tới 17 giờ 30 phút mới đặt chân tới Paris.
Thứ 3, và là lí do quan trọng nhất, bạn hãy xem đối thủ của chúng ta là ai? Pháp không chỉ có lợi thế sân nhà, khán giả nhà. Họ xếp hạng 21 thế giới, hạng 6 Châu Âu. Nếu so với các đội bóng chuyền nữ hàng đầu lục địa và thế giới thì đúng là chất lượng nhân sự và lối chơi của tuyển Pháp không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là chỉ ở mức thường thường bậc trung.
Nhưng nếu so với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thì họ đương nhiên ở một tầm cao khác, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đội chủ nhà tung ra sân đội hình đánh chính gồm toàn "người khổng lồ" gồm chủ công Cazaute (1m84), đối chuyền Lucille Gicquel (1m89), đối chuyền Amelie Rotar (1m88), phụ công Christina Bauer (1m96), phụ công Amandha Sylves (1m93) và chuyền 2 Nina Stojiljković (1m78).
Chỉ cần nhìn dàn ngôi sao này thôi, các cô gái của chúng ta cũng có thể thấy "ngợp" rồi. Ngoại trừ Thanh Thúy (1m93), họ cao vượt trội so với các cô gái Việt Nam.
Lợi thế chiều cao giúp tuyển Pháp dễ dàng tung ra những quả nhảy đập phát bóng như búa bổ. Bước 1 của Việt Nam vốn đã yếu, lại gặp những đòn tấn công phủ đầu sấm sét như vậy thì không mắc lỗi nhiều mới là chuyện lạ.
Lợi thế chiều cao cũng giúp tuyển Pháp áp đảo chúng ta trong cả khâu tấn công lẫn phòng ngự trên lưới. Hàng chắn của Việt Nam gần như bị vô hiệu hóa vì chiều cao áp đảo cùng tầm bật nhảy tốt giúp các ngôi sao của tuyển nữ Pháp dễ dàng tung ra những cú đập trên chắn hoặc xuyên chắn không mấy khó khăn để ghi điểm.
Ở chiều ngược lại thì chúng ta tấn công không đạt hiệu quả mong muốn vì ngoại trừ Thanh Thúy có thể "đọ" chiều cao với các tay chắn của Pháp, tất cả những Kiều Trinh, Nguyễn Thị Trinh, Như Quỳnh, Nguyệt Anh, Tú Linh… đều thấp hơn các phụ công và đối chuyền của Pháp phổ biến từ 10cm-20cm nên quá khó cho họ có thể tung ra những cú đập ăn điểm khi vấp phải "bức tường" sừng sững.
Bất lợi về chiều cao so với đối thủ khiến hiệu quả tấn công và phòng ngự của chúng ta đều không đạt hiệu quả mong muốn. Vấn đề nảy sinh ngay từ quả phát bóng và từ khâu đỡ bước 1.
Tuyển Pháp phát bóng thường xuyên là cực mạnh và chúng ta vốn đỡ bước 1 yếu lại càng thêm lúng túng, đỡ hỏng nhiều. Đến lượt chúng ta phát bóng thì buộc phải nhảy đập mạnh mới hi vọng làm khó ít nhiều cho họ ở khâu bắt bước1 thì hạn chế chiều cao lại khiến chúng ta dễ phát bóng hỏng khi cố tìm cách phát khó (Kiều Trinh chẳng hạn).
Nếu phát bóng nhẹ nhàng sang sân tuyển Pháp thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tạo cơ hội cho họ lên bóng đẹp cho chuyền 2 rồi tung cú đập sấm sét trên lưới vượt tầm chắn của chúng ta.
Cái khó bó cái khôn là như vậy. Càng mất điểm nhanh và nhiều thì dĩ nhiên các cô gái chúng ta không tránh khỏi xuống tinh thần, mất tự tin trong nhiều thời điểm.
Tóm lại là có nhiều yếu tố và nguyên nhân khiến tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam không thể gây bất ngờ trước tuyển Pháp, đối thủ vốn vượt trội chúng ta về chiều cao, hơn hẳn chúng ta về kinh nghiệm thi đấu các giải lớn, và có lối đánh tốc độ.
Nhưng dù thua chóng vánh, dù mắc lỗi nhiều (làm sao tránh khỏi?) các cô gái của chúng ta xứng đáng được ca ngợi thay vì chỉ trích. Họ đã nỗ lực tuyệt vời, đã "cháy" lên với tất cả những gì họ có trong lần đầu tiên đánh một trận lớn ở một giải đấu tầm cỡ thế giới.
Nhiều người có thể nói "ước gì" hay "nếu" hoặc "giá như", kiểu ước gì dàn VĐV hiện tại của Việt Nam ai cũng cao thêm trên dưới 10cm nữa hay "giá như chúng ta phát bóng và đỡ bước 1 tốt hơn" thì có lẽ nếu không thắng, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng khiến người Pháp phải "toát mồ hôi" đúng nghĩa thay vì họ chỉ chơi hơn 1 tiếng đồng hồ mà họ cũng chưa bung hết sức.
Nhưng thay vì giả định như thế (với một chữ "nếu" bạn có thể nhét cả Paris vào một cái chai), chúng ta hãy nhìn trận đấu ở góc độ tích cực hơn.
Thất bại là mẹ thành công. Dù thua nhưng chắc chắn bóng chuyền nữ Việt Nam đã có trải nghiệm vô cùng quý giá. Các cô gái của chúng ta đã có một "buổi học" về đỡ bước 1 ở đẳng cấp cao, đã được trải nghiệm lối chơi tấn công tốc độ, đã đối mặt với "bức tường" cao nhất trước nay mà họ chưa bao giờ gặp phải.
Những sai sót, khiếm khuyết hôm nay sẽ trở thành hành trang hữu ích hứa hẹn giúp họ trưởng thành và hoàn thiện hơn trong tương lai, để chinh phục những tầm cao mới. Chắc chắn là vậy.