Đột phá kiến trúc cho công trình trường học khu vực nội đô
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng các không gian trường đạt chuẩn tiện nghi là điều không dễ. Với nguồn kinh phí đầu tư công được kiểm soát chặt chẽ theo đúng các định mức về đầu tư xây dựng công trình giáo dục bậc học trung học cơ sở theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, công trình trường THCS Cầu Giấy sau khi hoàn thành đã trở thành một công trình kiến trúc điểm nhấn, đạt được các yếu tố bền vững - tiết kiệm năng lượng - sinh thái, có ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, ấn tượng hòa nhập tổng thể chung của đô thị.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Bà Bùi Ngọc Diệp - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án ĐTXD quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, đại diện Chủ đầu tư của dự án Trường THCS Cầu Giấy xoay quanh dự án này.
PV: Thưa bà Bùi Ngọc Diệp, là đại diện Chủ đầu tư của dự án Trường THCS Cầu Giấy, đầu tiên bà đánh giá như thế nào về công trình này?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Dự án trường THCS Cầu Giấy là một trong những dự án trường học mà quận Cầu Giấy đầu tư xây dựng trong năm 2021, một năm đầy biến động và khó khăn do đại dịch Covid19. Tuy nhiên vượt qua mọi khó khăn cùng với sự cố gắng của chủ đầu tư và các nhà thầu, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra, đảm bảo yêu cầu cao về chất lượng và là điểm nhấn, nét đột phá về phong cách kiến trúc, không gian cảnh quan của khu vực.
PV: Với nguồn lực còn nhiều hạn hẹp, thiết kế Trường THCS Cầu Giấy đã giải bài toán về kinh phí và quỹ đất như thế nào thưa bà?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Với quỹ đất nội đô hạn hẹp, mật độ xây dựng tối đa theo quy chuẩn xây dựng không quá 40%, thiết kế của trường THCS Cầu Giấy đã có các giải pháp tận dụng tối đa diện tích để bố trí đầy đủ các không gian phục vụ học tập và vui chơi cho học sinh như: các khối lớp học và phụ trợ, khối hiệu bộ, các không gian vui chơi, bể bơi, sân thể thao, thư viện xanh không gian mở, nhà đa năng, các khu cây xanh... đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế trường THCS.
Với nguồn kinh phí đầu tư công, việc lựa chọn các nguyên, vật liệu sử dụng trong công trình chủ yếu là nguyên vật liệu thông dụng, sẵn có trong nước, kết hợp với các vật liệu hoàn thiện bền vững, hiệu ứng thẩm mỹ cao và có sự lựa chọn, kiểm soát vật liệu đầu vào rất chi tiết, kỹ lưỡng, chặt chẽ của chủ đầu tư; chất lượng thi công tốt của nhà thầu xây dựng nên công trình đã đạt được hiệu quả đầu tư.
PV: Theo đánh giá của bà trên quan điểm Chủ đầu tư; Điểm nhấn kiến trúc đặc biệt nhất của công trình này là gì?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Điểm nhấn đặc biệt về kiến trúc của trường THCS Cầu Giấy toát lên từ quy hoạch tổng thể của công trình, từ hình thức, ngôn ngữ kiến trúc của công trình và từ không gian cảnh quan chung của công trình.
Công trình không những có kiến trúc đẹp, hiện đại, công năng sử dụng rất hợp lý mà còn có các không gian nội, ngoại thất rất đẹp và thoáng đãng. Đứng ở bất kỳ không gian nào trong trường cũng có thể quan sát được các không gian khác kết nối với nhau rất hợp lý. Một điểm đặc biệt nữa của công trình mà vượt hơn cả sự tính toán của các nhà thiết kế và vượt ngoài sự mong đợi đó là vi khí hậu của công trình. Ở vị trí nào của công trình cũng có thể đón được ánh sáng tự nhiên, gió mát và sự thông thoáng, nhất là các khu vui chơi của học sinh.
Và điểm nhấn kiến trúc ấn tượng nhất của công trình đó là khu vực sảnh chính, nơi mà có không gian cao thông hai tầng, chi tiết kiến trúc đẹp, hiện đại, nhiều chức năng sử dụng khác nhau và có sự kết nối các không gian rất phong phú. Nơi đây vừa là sảnh đón tiếp, vừa là khu vực tập trung học sinh vui chơi, ngồi chờ, vừa là không gian kết nối với sân chính của trường, kết nối với các không gian khác và như là linh hồn của trường vậy.
PV: Đổi mới giáo dục kèm theo những yêu cầu thay đổi về mặt kiến trúc trường học cũng như những xu thế kến trúc xanh, kiến trúc bền vững đã được đưa vào công trình này như thế nào?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Đổi mới về giáo dục, về chất lượng dạy và học, về cơ sở vật chất các trường học kèm theo những yêu cầu thay đổi về kiến trúc trường học, xóa bỏ quan niệm thiết kế kiến trúc trường học theo lối mòn, truyền thống cũ đã được quận Cầu Giấy triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, điều đó cũng thể hiện rõ tư duy đổi mới của quận Cầu Giấy. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Quận trong thiết kế các trường học là công trình phải được đầu tư đồng bộ, thiết kế đẹp, hiện đại, kiến trúc đơn giản nhưng lâu bền với thời gian, đạt và vượt các tiêu chuẩn quốc gia.
Cụ thể các trường học đều phải có tầng hầm để giải quyết nhu cầu đỗ xe trong điều kiện giao thông nội đô rất hạn chế, giải quyết ùn tắc giao thông giờ cao điểm đưa đón học sinh (một vấn đề cố hữu và bất cập hiện nay của Hà Nội). Ngoài ra không gian ngầm cũng được sử dụng và nhiều mục đích khác nhau của trường và dự trữ cho tương lai. Các hạng mục thiết yếu khác không gian lớn như bể bơi, nhà thể chất, phòng đa năng, thư viện, nhà ăn... đạt tiêu chuẩn và đồng bộ, hiện đại. Các phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn thiết kế đạt chuẩn, có đầy đủ ánh sáng và thông gió tự nhiên, trang thiết bị đầy đủ. Các khu vui chơi cho học sinh được lắp đặt thiết bị vui chơi ngoài trời, sân bóng rổ, bóng đá mini... phục vụ các hoạt động thể chất. Các khu vệ sinh của học sinh phải được đầu tư thiết bị hiện đại, sạch sẽ, thông thoáng, thân thiện với môi trường... Sử dụng diện tích, không gian trên mái để làm vườn sinh vật, khu cây xanh để tận dụng diện tích, kết hợp vui chơi và học tập.
Ngoài ra Quận phấn đấu các công trình trường học sử dụng tiết kiệm năng lượng, đầu tư hệ thống lọc nước cho học sinh sử dụng, hệ thống tưới nưới tự động, hệ thống pin năng nượng mặt trời áp mái sử dụng tiết kiệm điện, phấn đấu đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào thiết kế trường học...
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo đó Quận đã lựa chọn những đơn vị tư vấn thiết kế có năng lực và chất lượng cao như Công ty liên doanh Sunjin Việt Nam để đồng hành với Quận trọng việc tạo nên các công trình trường học đẹp, ấn tượng, hiện đại, đạt tiêu chuẩn cao, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ cho nền giáo dục phát triển của quận Cầu Giấy.
PV: Trong bối cảnh quận Cầu Giấy đang đẩy mạnh định hướng đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục dạy và học các cấp, đặc biệt là bậc học THCS, cùng với đó là các mục tiêu về phát triển hiện đại, đồng bộ về kiến trúc cảnh quan, hạ tầng xã hội... việc hoàn thành công trình trường THCS Cầu Giấy có ý nghĩa như thế nào thưa bà?
Bà Bùi Ngọc Diệp: Việc hoàn thành trường THCS Cầu Giấy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh định hướng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục của Quận và mục tiêu phát triển cơ sở vật chất giáo dục hiện đại. Công trình hoàn thành xứng tầm với trường THCS Cầu Giấy là trường mô hình chất lượng cao của Quận, tạo niềm hứng khởi cho thày và trò trường THCS Cầu Giấy khi được học tập và sinh hoạt trong ngôi trường mới khang trang, hiện đại, nơi sẽ ươm mầm, nuôi dưỡng những ước mơ, cho học sinh một môi trường tốt để phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất.
Ngày 29/12/2021 vừa qua, công trình đã vinh dự nhận Giải Bạc - Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2021 là một niềm vui - niềm tự hào đối với công tác đầu tư xây dựng công trình giáo dục trên địa bàn quận.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của bà!
PTTT