Giải pháp kiến trúc trường học - kiến tạo tương lai
(Thethaovanhoa.vn) - Trong nền kinh tế tri thức, giáo dục là khâu then chốt để phát triển bền vững. Chất lượng giáo dục, về căn bản, phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là: Nội dung phương pháp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật.
Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”- một cuộc cải cách quan trọng và sâu rộng của nền giáo dục nước nhà được phát động từ năm 2013. Các khái niệm “Phát triển năng lực người học - Lấy học sinh làm trung tâm - Học đi đôi với hành” là một trong những yêu cầu đổi mới hàng đầu, xuyên suốt từ thiết kế nội dung chương trình đến phương pháp dạy và học - Từ đó đặt ra những yêu cầu với các không gian chức năng trong trường học. Với phần lớn các trường học công lập, để có được không gian kiến trúc thực sự đạt chuẩn về chất lượng giáo dục cũng như các yếu tố an toàn trong bối cảnh mới là điều không đơn giản. Điều này đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho các đơn vị thiết kế cũng như tầm nhìn của nhà đầu tư.
Theo dòng sự kiện, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một cách giải cho bài toán Kiến trúc trường học nhìn từ một Công trình thiết kế trường học thuộc khối công lập – Đó là trường THCS Cầu Giấy (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).
Kỳ 1: Phỏng vấn Bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội): Sẵn sàng đón học sinh trở lại với trường học hạnh phúc trong một diện mạo mới!
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện học tập theo phương pháp trực tuyến thay vì trực tiếp. Do vậy, được tới trường học một cách trực tiếp, trong đúng môi trường giáo dục với đầy đủ các điệu kiện về cơ sở vật chất trở thành mong ước của rất nhiều học sinh, thầy cô cũng như các bậc phụ huynh. Trường THCS Cầu Giấy vừa được xây dựng với cơ sở vật chất đồng bộ - đạt chuẩn luôn trong tâm thế sẵn sàng đón học sinh trở lại với trường học hạnh phúc trong một diện mạo mới!
PV: Thưa bà, là hiệu trưởng của một trường THCS, đầu tiên bà có thể chia sẻ nhìn nhận của chị về Vai trò của Kiến trúc trường học trong phát triển Giáo dục?
Bà Lê Kim Anh: Với nhà trường, kiến trúc trường học có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược giáo dục, cụ thể ở các điểm sau:
Đó là yếu tố An toàn: liên quan trực tiếp tới vấn đề AN TOÀN TRƯỜNG HỌC. Đặc biệt với lứa tuổi học sinh trung học còn nhiều hiếu động, yếu tố đảm bảo an toàn trường học có ý nghĩa quan trọng.
Yếu tố - Thân thiện: Chúng ta thường hay nghe khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; yếu tố thân thiện không chỉ phụ thuộc vào con người mà còn là yếu tố cơ sở hạ tầng với kiến trúc mở, thân thiện với môi trường, tạo sự thân thiện trong không gian học tập.
Và một điều cũng rất quan trọng đó là: Cảm hứng. Một kiến trúc đẹp, hiện đại sẽ kích thích được cảm hứng, phát huy trí sáng tạo của học sinh. Bồi đắp tình yêu và niềm tự hào với ngôi trường.
PV: Đổi mới giáo dục, theo đó là những yêu cầu mới với không gian kiến trúc học đường. Vậy với công trình Trường THCS Cầu Giấy vừa hoàn thành, những yêu cầu về mặt kiến trúc cho hoạt động giáo dục đã được đặt ra và giải quyết như thế nào thưa bà?
Bà Lê Kim Anh: Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục là đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta suốt những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển văn hóa xã hội thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Có nhiều nội dung đổi mới giáo dục, nhưng dưới góc độ liên quan tới kiến trúc có thể tóm lược ở 3 ý sau:
Thứ nhất, kiến trúc hiện đại với các phòng chức năng quy mô, thiết kế tối ưu: thuận lợi cho việc phát triển năng lực học sinh. Học sinh có điều kiện được thực hành các phân môn phù hợp với việc phát triển năng lực của cá nhân.
Thứ hai, tạo điều kiện cho các hoạt động trải nghiệm: Giáo dục phổ thông mới chú trọng tới các hoạt động trải nghiệm. Thiết kế nhà trường rộng, thoáng, mở với diện tích phòng học và nhiều diện tích sân chơi khác nhau phù hơp cho các hoạt động trải nghiệm từng lứa tuổi.
Thứ ba, đảm bảo được sự an toàn và thân thiện: Không gian khuôn viên trường học có sự kết nối giữa các khu vực chức năng. Các dãy nhà được liên kết với nhau trực tiếp chứ không phải là các tuyến chạy song song và tách biệt nên việc di chuyển đi lại giữa các phòng học cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Sự kết hợp giữa xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức cảnh quan cũng được chú trọng. Hệ thống cây xanh được trồng xung quanh trường, hệ thống cấp thoát nước khi mưa to, tránh ngập úng, gây mất vệ sinh trường lớp cũng được đảm bảo.
PV: Theo đánh giá của bà, đâu là những điểm nhấn quan trọng nhất của Công trình trường THCS Cầu Giấy? Những điều đó sẽ hỗ trợ việc dạy và học như thế nào thưa bà?
Bà Lê Kim Anh: Với công trình trường THCS Cầu Giấy vừa hoàn thành, thật lòng thì chúng tôi hài lòng với kiến trúc tổng thể và toàn diện của nhà trường: từ phòng học, sân chơi, nhà vệ sinh, cầu thang. Điểm nhấn quan trọng nhất của Công trình trường THCS Cầu Giấy là chúng tôi đã xây dựng được một không gian kiến trúc An toàn, hiện đại, tiện nghi và thân thiện với môi trường.
Với cá nhân tôi, tôi ấn tượng với thiết kế thoáng, mở và tính phân khu chuyên biệt của bản thiết kế: vừa chuyên biệt phân khu hoạt động vui chơi (sân chơi, thư viện, sân bóng) và khu học tập (các phòng học chức năng) nhưng không mất đi tính hệ thống kết nối toàn diện của nhà trường.
Tôi nghĩ làm được điều này là nhờ tài năng và tâm huyết của nhà thiết kế rất am hiểu chuyên sâu về giáo dục.
PV: Trong bối cảnh trường học được xây dựng trong nội đô, quỹ đất hạn hẹp, trường công với mức đầu tư vừa phải thì Ngôi trường mới đã thực sự đạt được kỳ vọng của những người làm giáo dục?
Bà Lê Kim Anh: Tôi cảm thấy rất tự hào khi trường THCS Cầu Giấy trong diện mạo mới được đánh giá là một trong số ít các trường THCS có cơ sở vật chất vượt trội, đẳng cấp theo định hướng xây dựng trường học kết nối, trường học không biên giới và trường học hạnh phúc. Mỗi một góc trong ngôi trường là một không gian mở, hội nhập, hiện đại, đảm bảo cho việc giảng dạy cũng như quan tâm, chăm sóc tới các nhu cầu thiết yếu nhất của giáo viên và học sinh. Tôi tin rằng nơi đây sẽ thực sự trở thành mái nhà thứ 2 thân thiết của thầy cô và các em học sinh, trở thành điểm đến tin yêu của các bậc phụ huynh!
Còn mong muốn, thì chúng tôi cũng mong muốn, khát vọng hoàn hảo hơn như:
Chúng tôi mong muốn có diện tích lớn hơn để xây dựng sân chơi xanh mát hơn, phù hợp với khát vọng phát triển toàn diện cho học sinh: sân bóng đá tiêu chuẩn; sân bóng rổ tiêu chuẩn; phân khu “vườn thực hành” sinh học địa lí…. Mong muốn về thiết kế trường học thông minh: với các trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) để xứng tầm với thiết kế và xu hướng phát triển hiện nay. Giao thông hạ tầng ngoại vi nhà trường thông thoáng hơn để phát huy nhiều tiện ích hơn nữa kết nối với các dịch vụ hoạt động khác.
PV: Nhà trường đã có sự chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng đón học sinh trở lại khi điều kiện cho phép?
Bà Lê Kim Anh: Bản thân tôi cũng như các đội ngũ giáo viên trong trường và tôi tin là cả các học sinh cũng như phụ huynh đều mong muốn có thể trở lại trường trong một điều kiện an toàn. Và để chuẩn bị cho tương lai mong ước đó, với chúng tôi có rất nhiều việc cần thực hiện.
Thứ nhất là những chuẩn bị về tâm lí: Chúng tôi đã có nhiều hoạt động tiền sự kiện để chuẩn bị cho các con Tâm lí háo hức được đến trường, tận mắt chứng kiến và trải nghiệm hoạt động học tập vui chơi tại trường. (Các chương trình sự kiện giới thiệu về trường mới: Cầu Giấy trong em; Hành trình diệu kì; Truyền thông kênh hình kênh chữ….)
Thứ hai chuẩn bị Cơ sở vật chất (CSVC): Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện từng chi tiết, trang bị hoàn tất, kiện toàn CSVC đáp ứng yêu cầu của trường CLC và Quốc tế, đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện để đón học sinh trở lại trường một cách an toàn và hiệu quả.
Thứ ba chuẩn bị các yếu tố phòng chống dịch: Hoàn thành tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho học sinh đủ 12 tuổi trở lên, ban hành kế hoạch về các phương án phòng chống dịch đảm bảo an toàn chuẩn bị học sinh trở lại trường.
Thứ tư là chuẩn bị về đội ngũ, chương trình học: Chủ động xây dựng các kịch bản (học sinh đi học trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến). Phân công đội ngũ và xây dựng chương trình linh hoạt mang đúng đặc thù của trường Chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Tóm lại: Công trình là tài năng và tâm huyết của các kiến trúc sư giỏi về chuyên môn, khoáng đạt về tư duy, am hiểu về giáo dục của công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam. CBGVNV nhà trường đến với ngôi trường không đơn thuần chỉ là làm việc mà là đến với một nơi để thư giãn, thật sự thấy yêu và gắn bó với nơi đây. Phụ huynh và học sinh mong chờ từng ngày để được trực tiếp học tập, vui chơi, trải nghiệm ở ngôi trường đẹp đẽ này.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của UBND quận Cầu Giấy, cảm ơn công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam, cảm ơn công ty Thăng Long – đơn vị thi công ngôi trường đã để thầy và trò chúng tôi được làm việc và học tập trong một ngôi trường khang trang, hiện đại, đồng bộ.
Tiểu Yến