Đông Nam Á không còn là hiện tượng ở giải U16 châu Á
(Thethaovanhoa.vn) - U16 Thái Lan, U16 Việt Nam và U16 Malaysia đều đã dừng bước từ vòng loại, trong khi không nhiều người kỳ vọng Indonesia sẽ tạo nên bất ngờ tại Bahrain vào tháng 9/2020. Năm nay, các đội bóng trẻ Đông Nam Á không còn là hiện tượng nữa.
Như vậy, tại VCK U16 châu Á 2020, Đông Nam Á có duy nhất một đại diện là U16 Indonesia. Để so sánh, năm 2018, AFF có 4 đại diện là U16 Malaysia, U16 Thái Lan, U16 Indonesia và U16 Việt Nam. U16 Thái Lan, U16 Malaysia và U16 Việt Nam cũng là 3 đội Đông Nam Á từng dự VCK U16 châu Á năm 2016.
Những cái chết phút cuối
Cách đây hơn một tháng, U15 Malaysia – với nòng cốt là các tài năng trẻ của học viện Mokhtar Dahari – đã vô địch U15 Đông Nam Á đầy xứng đáng khi đánh bại chủ nhà U15 Thái Lan 2-1. Trong ngày đăng quang, HLV Maniam Pachaiappan hùng hồn rằng: "Chiến thắng này là bước đệm cho những thành công trong tương lai", trong khi hậu vệ Daniel thì hướng đến vòng loại U16 châu Á 2020 bằng tuyên bố: "Với sự tập trung cần thiết và 200% quyết tâm từ các đồng đội, chúng tôi có thể chống lại Nhật Bản".
Thực tế, U16 Malaysia đã có một trận đấu khá ấn tượng trước U16 Nhật Bản ở vòng loại U16 châu Á 2020. Chính Daniel là người đưa U16 Malaysia tiến rất sát chiến thắng khi lập cú đúp đưa đội nhà dẫn 2-1 ở phút 82. Đáng tiếc là đúng vào phút bù giờ thứ tư, họ đã để Yamato Naito gỡ hòa 2-2. Nhưng trận đấu mà U16 Malaysia gây thất vọng nhất là khi họ bất ngờ thất thủ 0-1 trước U16 Lào. "Những chú hổ non" đã mất tập trung trong kèm người để Somthongkham mở tỷ số ngay phút thứ 4, và sau đó, dù áp đảo về thế trận, song Nabil Zainuddin và đồng đội đã tỏ ra hoàn toàn bế tắc trong phần còn lại của trận đấu.
Đây rõ ràng là một gáo nước lạnh dội vào tham vọng của U16 Malaysia, song nó cũng chỉ ra một thực tế rằng ở cấp độ bóng đá còn rất trẻ như U16, tâm lý thi đấu đóng vai trò rất quan trọng. Thất bại của U16 Việt Nam trước U16 Australia tối Chủ nhật vừa qua là một minh chứng khác. Các học trò của HLV Đinh Thế Nam đã có lợi thế từ khi chưa đá (chỉ cần hòa là nhất bảng), cho đến khi nhập cuộc (mở tỷ số trước). Nhưng rồi, tất cả những lợi thế ấy bay biến khi Văn Bảy phạm lỗi dẫn đến phạt đền, Văn Phong có hai cơ hội ghi bàn rõ rệt song lại bỏ lỡ, để rồi đúng vào phút 89, Smyth ấn định cuộc lội ngược dòng.
So với U16 Malaysia, U16 Việt Nam đáng tiếc hơn nhiều, bởi chúng ta đã thể hiện sự vượt trội trước U16 Mông Cổ, U16 Macao và U16 Timor Leste, và khởi đầu khá ổn trong trận "chung kết" của bảng.
World Cup U17 vẫn chỉ là giấc mơ
Trong quá khứ, bóng đá Đông Nam Á mới chỉ có đúng một đội bóng tham dự World Cup U17. Đó là Thái Lan vào các năm 1995 và 1997 với thế hệ của Sutee Suksomkit, Suree Sukha, Sakda Joemdee, Pichitphong Choeichiu, và Teeratep Winothai. Ngoài ra, còn có hai đội đã tiến sát tấm vé dự VCK, nhưng gục ngã phút cuối. Đó là U16 Indonesia năm 1990 và U16 Việt Nam năm 2000. Cả hai đội bóng này đều về thứ tư ở các VCK U16 châu Á.
Liệu U16 Indonesia, đội bóng từng vượt qua Việt Nam bằng đá luân lưu ở trận tranh hạng ba U15 Đông Nam Á 2019, có thể trở thành đội thứ hai của Đông Nam Á vươn đến tầm thế giới ở cấp độ U17? Không nhiều người tin vào điều đó, bởi thực tế, trình độ của họ vẫn còn ở khá xa so với các đội bóng cùng trang lứa hàng đầu châu lục. Ở trận đấu được coi như bài test cho VCK U16 châu Á, U16 Indonesia chỉ biết dồn số đông về phòng ngự, và nếu U16 Trung Quốc có một tiền đạo dứt điểm tốt hơn thì có lẽ họ đã giành chiến thắng.
Và lịch sử cũng không gọi tên Indonesia. Kể từ khi lọt vào bán kết U16 châu Á năm 1990 đến giờ, đội bóng trẻ xứ vạn đảo chưa hề tái lập lại được thành tích đó.
VCK U16 châu Á 2020 Diễn ra từ 16/9 đến 03/10/2020 tại Bahrain Độ tuổi quy định: Sinh sau ngày 1/1/2004 Thể thức: 4 bảng, mỗi bảng 4 đội. Hai đội nhất nhì lọt vào tứ kết. 4 đội lọt vào bán kết sẽ giành vé dự VCK U17 thế giới 2021 Danh sách các đội bóng dự VCK U16 châu Á 2020: Bahrain (chủ nhà), Tajikistan (nhất bảng A), Ấn Độ (B), Iran (C), Saudi Arabia (D), Qatar (E), UAE (F), Trung Quốc (G), Australia (H), Triều Tiên (I), Nhật Bản (J), Hàn Quốc (K), Uzbekistan (nhì B), Oman (nhì D), Yemen (nhì E), Indonesia (nhì G) . |
Tuấn Cương