Đồng chí Trần Quốc Hương - Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại
(Thethaovanhoa.vn) - "Với người tình báo, điều khó khăn nhất là vượt qua chính mình". Đây là những lời gan ruột khi nói về công tác tình báo của đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nhà lãnh đạo tình báo xuất sắc trong cả thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người vẫn được nhiều điệp viên trìu mến gọi là người thầy của những nhà tình báo huyền thoại.
Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí cứ lặng lẽ hy sinh và cống hiến, vun mầm cho những chiến công trên trận tuyến thầm lặng trong lòng địch. Những con người dũng cảm, đầy bản lĩnh, trí tuệ như đồng chí mãi mãi được Tổ quốc ghi công, được nhân dân ghi nhớ.
Con đường trở thành nhà tình báo
Đồng chí Trần Quốc Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh năm 1924, tại xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Tuy là con trai út trong một gia đình tư sản nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng. Khi mới 14, 15 tuổi, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào Thanh niên dân chủ.
Học hết lớp nhất tại trường Tiểu học Phủ Lý, Trần Ngọc Ban chuyển lên Hà Nội nhập học ở trường dòng phố Nhà Chung. Thời gian này, Trần Ngọc Ban đổi tên là Trần Quốc Hương và nhiệt tình tham gia phong trào Hướng đạo và Hội truyền bá quốc ngữ.
Năm 1941, Trần Quốc Hương bị thực dân Pháp bắt vì treo cờ Cộng sản và rải truyền đơn, rồi bị tống giam hơn một năm trước khi ra tòa án binh của Pháp. Nhưng do còn nhỏ tuổi, Trần Quốc Hương được trả tự do với lời cảnh báo của một mật thám Pháp: “Đừng thấy nó nhỏ tuổi mà coi thường, Cộng sản đã ăn vào máu của nó rồi”. Năm 1943, Trần Quốc Hương trở thành đảng viên Đảng Cộng sản.
Trước và sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Trần Quốc Hương làm thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và là một trong những người chuẩn bị chu đáo cho buổi ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.
Tháng 7-1954, xứ ủy Nam Kỳ cử đồng chí Lê Đức Thọ ra gặp Trung ương để bàn về chiến lược cách mạng và xin Trung ương cử đồng chí Trần Quốc Hương vào Nam. Được Bác Hồ đồng ý, Tổng Bí thư Trường Chinh đã gặp đồng chí Trần Quốc Hương giao nhiệm vụ với lời dặn dò ân cần: “Khó khăn nhiều lắm đấy, đi không biết bao giờ trở lại…”. Được sự tin tưởng của Trung ương, đồng chí đã ngay lập tức lên đường nhận nhiệm vụ. Không ai ngờ, chuyến đi ban đầu dự định chỉ 6 tháng đã kéo dài tới 10 năm.
Người kiến tạo những huyền thoại tình báo
Vào Nam công tác, Trần Quốc Hương được gọi dưới bí danh là Mười Hương. Tuy lạ nước lạ cái, nhưng đồng chí may mắn được các đồng đội thân thiết, nhất là đồng chí Phan Trọng Tuệ - từng là bạn tù và đồng chí Lê Toàn Thư giúp nắm bắt tình hình để cùng đồng chí Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm nhanh chóng mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo.
Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ cực kỳ khó khăn đối với việc xây dựng lực lượng và hoạt động tình báo. Các cán bộ chủ chốt của ta như: Năm Xuân (Mai Chí Thọ); Cao Đăng Chiếm... đều đã bị lộ vì địch đã biết mặt. Với lợi thế ban đầu địch chưa biết nhiều về mình, đồng chí Mười Hương đã cùng tổ chức tích cực xây dựng lực lượng, xây dựng mạng lưới, đã sớm liên lạc, xây dựng và đưa được các điệp viên vào Nam hoạt động. Là người có tầm nhìn sâu sắc, toàn diện và tinh tế về thế mạnh, khả năng làm tình báo và phẩm chất của từng người, Mười Hương đã trở thành một “kiến trúc sư”, người kiến tạo một mạng lưới tình báo, bao gồm những những nhà tình báo huyền thoại như: Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ; Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trạng nhân dân Lê Hữu Thúy; Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo; Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trạng nhân dân Phạm Xuân Ẩn...
Trước khi vào Nam, qua sự giới thiệu của đồng chí Nghĩa, Bí thư tỉnh Thái Bình, đồng chí Mười Hương đã xây dựng Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (bí danh Hai Long) làm cơ sở của mình. Đây là nước cờ chiến lược quan trọng cho một kế hoạch dài hơi của Mười Hương sau này. Nhận nhiệm vụ trong Ban Địch tình Xứ ủy, với vỏ bọc là giáo viên dạy tư tại Sài Gòn, đồng chí Mười Hương đã móc nối thành công với điệp viên Vũ Ngọc Nhạ để triển khai tiếp kế hoạch đã vạch ra. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Mười Hương, điệp viên Vũ Ngọc Nhạ đã chiếm được lòng tin của Giám mục Lê Hữu Từ - Giám mục giáo xứ Phát Diệm, trở thành "Ông cố vấn" cho 3 đời tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, khai thác được nhiều tại liệu cơ mật trong Phủ tổng thống và xây dựng cụm tình báo chiến lược nổi tiếng A22, từng làm rúng động chính trường Sài Gòn trong suốt những năm cuối của thập niên 1960.
Với tình báo viên chiến lược Lê Hữu Thúy (Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên mẫu của nhân vật Lê Nguyên Vũ trong “Điệp viên giữa sa mạc lửa” của Nhị Hồ), đồng chí Mười Hương khai thác triệt để sự thông minh lanh lợi, sự hiểu biết cũng như các mối quan hệ của Lê Hữu Thúy với các nhân vật chóp bu trong chính quyền Diệm, tạo nên vỏ bọc vững chãi cho điệp viên này chui sâu vào hàng ngũ của địch, phục vụ các yêu cầu của cách mạng. Khi đã chiếm trọn lòng tin của Tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm, rồi chinh phục cả Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên lẫn Năm Lửa - tướng của Hòa Hảo, Lê Hữu Thúy đã thành công trong việc khơi sâu mâu thuẫn giữa các tổ chức giáo phái với chính quyền họ Ngô, buộc Diệm phải mất rất nhiều thời gian cùng binh lực để ổn định tình hình, tạo thời cơ cho cách mạng miền Nam có thêm thời gian và điều kiện xây dựng, củng cố lực lượng.
Còn với điệp viên huyền thoại Phạm Ngọc Thảo, nhờ sự "chỉ lối dẫn đường" của chiến lược gia Mười Hương, Phạm Ngọc Thảo đã tiếp cận Ngô Đình Diệm và bằng tài năng cá nhân, nhanh chóng được Diệm đặc biệt tin cẩn và trọng dụng, rồi “chui sâu, leo cao” trở thành một sĩ quan cao cấp quân đội, có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn đối với chính trường Sài Gòn. Phạm Ngọc Thảo đã tham gia, tổ chức hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị miền Nam những năm 1964-1965, gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam, và là nguyên mẫu để nhà văn Trần Bạch Đằng xây dựng thành công nhân vật điệp viên bản lĩnh, thông minh, gan góc Nguyễn Thành Luân trong bộ phim nổi tiếng “Ván bài lật ngửa”.
Đồng chí Mười Hương cũng chính là người đã nhìn thấy khả năng thiên phú của điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn. Từ rất sớm, đồng chí Mười Hương cùng đồng chí Mai Chí Thọ quyết định đưa Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học nghề báo để về nước phục vụ cách mạng. Kế hoạch được thực hiện trọn vẹn khi với vỏ bọc này, nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn đã có cơ hội diện kiến nhiều nhân vật quan trọng của cả Mỹ lẫn ngụy, để khai thác và chuyển về hậu cứ những thông tin có giá trị về các chiến lược đặc biệt của kẻ thù, giúp quân ta có kế hoạch đối phó và đập tan mọi âm mưu của địch và vững bước đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thế nhưng, nhắc về những chiến công lẫy lừng ấy, “kiến trúc sư” Mười Hương chỉ giản dị: “Thành tích mà các anh ấy có được, là do sự lãnh đạo của Trung ương và các lực lượng cách mạng, do tài năng và lòng quả cảm của chính các anh đó, còn tôi chỉ là người được giao chắp nối các đầu mối. Hoạt động tình báo như diễn kịch và các nhà tình báo trên đã thực hiện xuất sắc vai diễn của mình”.
Có thể thấy rõ, trong những khoảnh khắc mà mọi sai lầm đều phải trả giá bằng mạng sống, bằng cả một lưới tình báo, hay nguy hiểm hơn là của rất nhiều những người khác, vậy mà vẫn có những vỏ bọc bằng thép được tạo ra, đủ thấy rõ vai trò của tổ chức, của những người tổ chức, dẫn dắt như đồng chí Mười Hương. Cái tài của đồng chí Mười Hương không chỉ là thu phục nhân tâm, giáo dục, động viên các điệp viên phát huy hết tài năng, trí tuệ, mà cái tâm, cái tài của đồng chí Mười Hương còn là biết cách giúp các điệp viên để họ luôn yên tâm khi nằm sâu trong "hang hùm miệng sói", hòa mình trong "bóng tối", thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, của quân đội giao phó.
Tấm gương đạo đức sáng ngời
Sau ngày giải phóng miền Nam, đồng chí Mười Hương lần lượt được cử đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VI, Bí thư Trung ương Đảng khóa VI.
Từ năm 1986-1991, trên cương vị là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hương đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, với nhiều kết quả quan trọng và nổi bật của công tác nội chính Đảng trên nhiều lĩnh vực.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, đặc biệt là trên cương vị Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hương cũng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, luôn học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) là người chiến sỹ cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân, tiêu biểu cho một nhân cách lớn cả đời tận tụy cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân; luôn vững vàng, kiên định, bản lĩnh, dũng cảm, mưu trí, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, không ngại khó khăn, gian khổ, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Với những cống hiến to lớn và thành tích xuất sắc của mình, đồng chí Trần Quốc Hương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phương Nam/TTXVN (tổng hợp)