Đội tuyển Việt Nam và 'phẩm chất anh cả'
(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn chúng ta đá ở AFF Cup, lại nhớ Thái Lan lứa Kiatisuk khi trình độ đội tuyển xứ Chùa vàng quá chênh lệch với phần còn lại.
Với lực lượng hiện nay, nhiều người nhận định khó đối thủ nào có thể cản được đường đến ngôi vua của thầy trò ông Park. Điều đó rất khác với thế “cửa dưới” của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Chất lượng con người, kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao cùng vốn quý thu về sau những “sàng khôn” đã giúp thầy trò ông Park lên tầm cửa trên” tại sân chơi AFF Cup.
Người hâm mộ chưa thỏa mãn sau trận thắng Lào nhưng kết quả trước Malaysia khác hẳn. Lạ lẫm, bất ngờ, thích thú khi được chứng kiến đội tuyển Việt Nam chơi một trận đấu bừng khởi đến thế. Niềm tin về chuyện có được 3 điểm trước Malaysia rất rõ ràng trước trận. Tuy nhiên, cái cách để chiến thắng mới để lại ngạc nhiên.
Rất nhiều chờ đợi việc ông Park sẽ tiếp cận thế nào rồi chơi ra sao trước người Mã bởi cả 2 đội bóng đã hiểu nhau “chân tơ kẽ tóc”. Ông Park không chỉ mang đến bất ngờ cho người đồng nghiệp Tan Cheng Hoe, còn cho cả người hâm mộ Việt Nam.
Ông Park đã tung bài vở mới lạ, rất khác với ngón đón sở trường phòng ngự phản công của mình. Một đội hình dâng cao, pressing khắp mặt sân, chủ động cầm bóng, tràn lên ngay từ đầu với thế trận áp đặt. Malaysia đã “chới với” khi đội tuyển Việt Nam chơi như thế.
Họ sớm vỡ trận cũng đúng, bởi vài năm qua, đội tuyển Việt Nam hiếm khi chơi như thế cho dù đối thủ là ai. Ngay cả đá với những đội dưới tầm ở Đông Nam Á, ông Park vẫn “thu mình” để đá theo kiểu rình rập, biết mình biết người và chờ thời cơ. Huống hồ ở đây là người Mã khi hô quyết tâm “trả nợ” trước trận. Khi ít người nghĩ đội tuyển Việt Nam sẽ chơi khác đi như thường thấy thì ông Park đã “ngửa bài” để phủ đầu đối phương.
Nên nhớ, không phải cứ muốn áp đặt lối chơi theo cách đầy biến ảo là dễ dàng. Phải có một đẳng cấp trên tầm, tính ổn định cao thì mới đá khác sở trường của mình. Rõ ràng ông Park đang nắm trong tay tinh hoa của bóng đá Việt, một dàn sao từng nhiều năm chinh chiến cùng nhau ở mọi cấp độ trong màu áo tuyển. Đã có e ngại rằng khi đã quen với cách chơi phòng ngự- phản công, đội tuyển Việt Nam sẽ khó đá khi đối phương chủ động nhường bóng, nhường sân cho mình. Điều này có cơ sở nếu nhìn lại trận đấu với đội tuyển Trung Quốc vừa rồi. Sự e ngại đến từ nhận định rằng ông Park không có nhiều mảng miếng để chơi theo kiểu áp đặt và đội tuyển Việt Nam chỉ chơi hay trong các tình huống phản công nhanh.
Nhưng đó là đấu trường châu lục, còn ở đây là sân chơi Đông Nam Á. Ông Park biết trong tay mình có gì để dám chơi và chơi được ở tâm thế “cửa trên”. Đến đây, mới thấy được nhận định rằng vòng loại thứ 3 World Cup sẽ hữu ích cho đội tuyển tại AFF Cup lần này là có cơ sở chứ không phải nói suông. Ít nhất khi đá 6 trận đấu cùng những “ông lớn” châu Á như Nhật Bản, Saudi Arabia đã giúp đội tuyển Việt Nam học được cái cách một đội bóng “cửa trên” sẽ đá ra sao để thoát khỏi áp lực.
Bởi, với tâm thế nhà ĐKVĐ, lại vừa trở về từ vòng loại World Cup, các đối thủ khu vực đều nhìn đội tuyển Việt Nam ở “kèo trên”. Nếu không có những tích lũy từ những trận thực chiến, nếu không đủ lực để ứng biến và không thoát ra tâm lý “kèo trên” sẽ rất khó đá. Rất may, đội tuyển Việt Nam đã thuộc bài nhanh, chuyển đổi trạng thái tốt và ứng biến vừa vẹn ở sân chơi AFF Cup. Vậy mới thấy, chiến thắng trước Malaysia không chỉ 3 điểm thu về mà thôi. Quan trọng nhất ở lối chơi, tâm thế chơi để có thể phác thảo diện mạo mới của đội tuyển Việt Nam.
Không có nghĩa chiến thắng đủ để Malaysia “tâm phục” mặc định rằng đội tuyển Việt Nam sẽ băng băng về đích. Nhưng chính từ chiến thắng ấn tượng trên nhiều khía cạnh (tỉ số, lối chơi, tâm thế) đủ đảm bảo chuyện thầy trò ông Park đã ở đẳng cấp khác so với bình diện Đông Nam Á. Hơn thế, diện mạo mới với nhiều sắc thái tích cực hứa hẹn nhiều điều hay ho phía trước.
AFF Cup 2021, với đội tuyển Việt Nam, cuộc chơi bây giờ mới bắt đầu.
Trần Tuấn