Đội tuyển Việt Nam thời HLV Kim Sang Sik: Làm mới từ U23 được không?
Cuộc trẻ hóa trên đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier có thể xem là thất bại và việc đó đánh đổi bởi chính chiếc ghế đầy kỳ vọng của nhà cầm quân người Pháp cũng như sự tuột đốc về vị thế của bóng đá Việt Nam.
Thế nhưng, không vì thế mà không tiếp tục tìm kiếm sự thay đổi. Câu hỏi là nên bắt đầu từ đâu khi việc trẻ hóa trực tiếp trên đội tuyển Việt Nam vừa khó, vừa rủi ro?
1. Hợp đồng của HLV Kim Sang Sik với bóng đá Việt Nam cũng sẽ đảm nhiệm công việc ở cả đội tuyển lẫn U23, như những người tiền nhiệm. Cách giao việc "2 trong 1" thật ra chẳng có gì sai và cũng không chỉ một mình Việt Nam áp dụng.
Đầu tiên là tiết kiệm được chi phí trả lương. Hơn nữa, lứa U23 thật ra cũng đã quá gần với đội tuyển quốc gia. Chúng ta quen gọi đó là đội tuyển trẻ, nhưng đúng hơn thì nên xem như đội hình B của đội tuyển quốc gia, bởi tầm 22-23 tuổi là đã có kinh nghiệm chơi V-League, mà một khi đã ra sân ở đội 1 thì theo đúng ngôn ngữ bóng đá, không thể xem là "cầu thủ trẻ" được nữa.
Thế nên trên thế giới, không tính môn bóng đá tại các Đại hội thể thao, thì có rất ít giải quốc tế dành cho U23, chủ yếu là U21 trở xuống, nếu đó là sân chơi của thế hệ kế cận. Gỉai U23 châu Á do AFC tổ chức, trước đây là U22, chủ yếu là để phục vụ cho việc tuyển chọn đội dự Olympic.
Nhưng bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng. Trong khi hệ thống các giải trẻ của chúng ta cũng giống quốc tế, tức là đến giải U21 thì kết thúc giai đoạn "bóng đá trẻ", thì vấn đề là chúng ta lại không có nơi nào khác để rèn luyện cho những cầu thủ trên 21 tuổi trong khi giải U21vẫn đang tổ chức theo kiểu đấu Cúp thay vì "league" để có thêm trận đấu.
Cho đến thời điểm này, khả năng tổ chức giải đấu dành cho "đội hình dự bị" ở V-League vẫn đang nằm ngoài khao khát của những nhà quản lý, mặc dù họ cũng biết đó gần như là giải pháp duy nhất để giúp cầu thủ trẻ chưa đủ trình độ lên đội 1 có thêm thời gian trải nghiệm.
Trên thực tế, các CLB chuyên nghiệp có thể đưa đội trẻ của mình dự các giải hạng Nhì quốc gia, nhưng con số này rất ít. Như ở năm 2024, thì có 5 đội trẻ như vậy đăng ký dự vòng loại giải hạng Nhì, và cũng chỉ loanh quanh mấy cái tên quen thuộc như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Thế nên, có lẽ cái cần thay đổi chính là tư duy "trẻ hóa" ở đội tuyển Việt Nam. Thay vì "ném" cầu thủ trẻ vào đội tuyển quốc gia, làm giảm độ tuổi bình quân xuống và kỳ vọng họ sẽ thay thế các bậc đàn anh, thì chúng ta nên xây dựng cầu thủ kế cận từ đội U23.
Sau đó, những cầu thủ trẻ nào đủ sức lên đội tuyển quốc gia, thì chỉ có một con đường, đó là phải thể hiện mình trong màu áo CLB chứ không tạo ra các suất "đặc cách" dựa trên lý do phù hợp chuyên môn như HLV Troussier vừa làm.
Nói cách khác, kể cả khi họ là ngôi sao của U23 thì nếu chưa đá được tối thiểu bao nhiêu trận ở V-League thì cũng hạn chế gọi. Ngược lại, một khi họ đã là tuyển thủ quốc gia, thì việc quay về đá cho U23 chỉ là hãn hữu.
Có một câu chuyện hồi Tiger Cup 2002. Khi đó HLV Henrique Calisto gọi rất nhiều cựu binh lên đội tuyển Việt Nam nhưng vẫn "chừa" suất cho Phạm Văn Quyến, khi đó đã là ngôi sao của U23 Việt Nam dưới thời HLV Dido. Nhưng cũng chính HLV Calisto nói thẳng với Văn Quyến là "chỉ gọi chứ không dùng", và thực tế là ông chỉ đưa tiền đạo trẻ này vào sân từ ghế dự bị trong một trận đấu ít ý nghĩa tại vòng bảng năm đó.
2. "Trẻ hóa" là việc phải làm thường xuyên, nhưng có lẽ nên tập trung cho U23, nơi mà chúng ta có thể áp dụng cơ chế giới hạn tuổi. Kiểu như ưu tiên triệu tập các cầu thủ U21 thậm chí là thấp hơn cho đội tuyển kế cận này chứ không phải tận dụng tối đa khi tuổi theo quy định.
Nói cách khác, tính chất của đội U23 sẽ không thể giống với đội tuyển quốc gia. Họ không được huấn luyện để trở thành các tuyển thủ quốc gia "dự bị", mà là tạo ra một đội tuyển trẻ thực thụ cho tầm nhìn sẽ trở thành tuyển thủ của 5-7 năm sau. Việc họ có lên được đội tuyển quốc gia hay không, thì vẫn theo công thức: cứ phải sàng lọc qua môi trường V-League.
Ở một góc độ khác, chính sự tách bạch về tính chất giữa 2 đội tuyển mới khai thác tối đa năng lực và công việc của HLV như ông Kim Sang Sik. Bởi lúc đó, công việc của ông không còn nhẹ nhàng, không thể dùng chung một giáo án huấn luyện theo kiểu vừa cho đội A, vừa cho đội B.
Đây chính là kiểu làm của thời ông Troussier. Cứ mỗi đợt tập trung lại nhập chung 2 đội lại để huấn luyện, rốt cục chẳng cho ra kết quả tốt đẹp nào cả, chỉ có lợi cho công việc và thời gian của ông ấy mà thôi.
Khi 2 đội tuyển được tách bạch, thì dù là kiêm nhiệm, phương pháp, giáo án và tư duy huấn luyện của HLV Kim Sang Sik cũng buộc phải khác. Có khi ông chưa thành công ở đội tuyển quốc gia, nhưng lại tạo ra được dấu ấn ở đội U23 nếu như ông phù hợp với những người trẻ.
Có như vậy, thì cũng đỡ được việc phải thay đổi HLV quá nhiều khi áp lực thành tích ở đội U23 sẽ giảm đi. Thực tế thì có nhiều HLV ký hợp đồng làm đội tuyển quốc gia nhưng lại bị sa thải bởi thành tích kém của đội U23. Đó là điều bất hợp lý về chuyên môn lẫn nhu cầu phát triển của 2 đội tuyển.
3. Một loạt thất bại dưới thời HLV Troussier đã khiến cho bóng đá Việt Nam bị tụt hạng nhiều, gây bất lợi cho việc xếp hạng giống ở các giải quốc tế. Nếu nhìn vào lượng công việc của HLV Kim Sang Sik trong vòng một năm tới, chúng ta sẽ thấy ông sẽ phải rất bận rộn ở đội tuyển Việt Nam.
Mục tiêu vào chung kết AFF Cup, tìm vé dự Asian Cup, gần chục trận giao hữu FIFA Days để cải thiện điểm số năng lực. Xét về khối lượng công việc thì đâu có nhẹ nhàng. Tạo thêm áp lực phải có thành công về thành tích ở U23, thực sự là gánh nặng và khó mà tránh chuyện sẽ dùng tuyển thủ quốc gia xuống đá U23.
Cần phải sòng phẳng với nhau rằng không phải ai cũng may mắn như HLV Park Hang Seo, người vừa đến Việt Nam đã được tiếp nhận một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng để xây dựng đội tuyển đi lên từ cái nền U23.
Nhưng không nên xem đây là một công thức để tìm kiếm thành công ở đội tuyển quốc gia. Chúng ta có thể đề nghị tân HLV làm việc cùng lúc với 2 đội tuyển, nhưng cũng cần phải thực tế đó là 2 công việc có sự khác nhau, ít nhiều về tính chất, tầm quan trọng của các giải đấu mà họ tham dự.
Nói cho cùng, cũng đâu có HLV nào có thể tự tin sẽ thành công ở cả 2 đội cùng lúc. Cái này, cứ lấy thực tế từ công việc của các HLV tại CLB thì biết. Người ta có thể làm tốt từ đội tuyển trẻ lên đội tuyển quốc gia chứ không mấy người làm được điều ngược lại.