Đội tuyển Việt Nam không còn đường lùi
Trong khi Indonesia công bố đội hình dự ASEAN Cup 2024với đa số là các cầu thủ U21 thì VFF cử Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông Trần Anh Tú, làm trưởng đoàn dự giải. Hai cách nhìn nhận khác nhau cho một mục tiêu.
Sự đối lập này dẫn đến một cuộc tranh luận. Đại ý là tại sao Indonesia "nghĩ lớn, làm lớn", sẵn sàng bỏ qua sân chơi cấp thấp, trong khi cho đến nay bóng đá Việt Nam vẫn tập trung toàn lực cho ASEAN Cup, giải đấu mà chúng ta đã vô địch đến 2 lần còn Indonesia thì chưa. Thành công của Indonesia tại chiến dịch vòng loại World Cup 2026 khiến cho cách chọn lựa của Indonesia được ủng hộ nhiều hơn. Từ đó, có xu hướng nhận định rằng bóng đá Việt Nam đang quay về với "ao làng", chỉ còn nghĩ đến việc đứng đầu khu vực.
Việc bỏ qua AFF Cup cho thấy bóng đá Indonesia đang bay cao với các ý tưởng của mình, các kết quả khả quan ở vòng loại thứ 3 càng khiến cho họ mơ mộng nhiều hơn. Trong thời điểm hiện tại, nếu phải tập trung để vô địch ASEAN Cup sẽ là một lựa chọn quá mạo hiểm, nhất là khi HLV Shin Tae Yong không thể có đội hình tốt nhất. Nhà cầm quân người Hàn Quốc quá khôn ngoan khi "phất cờ trắng" bằng cách dùng cầu thủ U21 để tránh phải chịu áp lực ở cả ASEAN Cup lẫn chiến dịch vòng loại World Cup đang trong giai đoạn quyết định.
Nhưng chọn lựa của bóng đá Việt Nam cũng không phải là một bước lùi. Sòng phẳng mà nói, ở thời điểm hiện nay, đặt mục tiêu vô địch ASEAN Cup chẳng khác nào tự đặt mình vào thế "không còn đường lùi". Có nghĩa là chúng ta đang đặt ra một tiêu chuẩn cao cho mình, đó là phải đứng đầu khu vực. Nói cách khác, VFF tự vạch ra một lằn ranh đỏ, không thể để thành tích sa sút thêm được nữa.
Điều này phù hợp với những mục tiêu của Chiến lược phát triển TDTT 2030-2045 mà bóng đá Việt Nam hướng đến việc lọt vào tốp 10 châu Á cũng như dự World Cup trong tương lai. Sẽ không thể làm được điều đó nếu ngay tại sân chơi khu vực, chúng ta không thể trở thành người đứng đầu. Phần chân đế mà không vững, làm sao leo cao?
Bài học của Thái Lan vẫn còn đó. 7 chức vô địch AFF Cup vẫn chưa đủ để nâng tầm nền bóng đá nước này để lọt vào tốp 10 châu Á. Có thể AFF Cup không quan trọng với người Thái, nhưng nó sẽ cho họ thấy cái khoảng cách giữa trình độ khu vực và châu Á. Ví dụ như việc thắng AFF Cup vẫn còn chật vật, khó khăn thì cần phải xem lại tham vọng châu lục.
Đó có thể là cách nhìn nhận mà bóng đá Việt Nam đang áp dụng. Nói chúng ta đang sa sút, điều đó không sai, nhưng "đi xuống" đến mức nào, thì cần có những dữ kiện cụ thể. VFF dốc toàn lực cho ASEAN Cup 2024, cử lãnh đạo cấp cao làm trưởng đoàn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho HLV Kim Sang Sik, đó cũng là cách họ tự đặt mình vào hoàn cảnh mà nếu không thành công thì chẳng có gì để bào chữa cả. Khi đó, thực sự chúng ta biết mình đang đứng ở đâu.
Áp lực phải chiến thắng là điều mà bóng đá Việt Nam phải tập làm quen trước khi nghĩ đến chuyện vươn tầm. Tìm cách giải thích cho các thất bại, việc chúng ta vẫn hay làm trong các chiến dịch AFF Cup trước đây, không còn là điều phù hợp ở thời điểm này. Thế nên, với bóng đá Việt Nam, giờ chỉ còn "được" và "không được".