Đội tuyển Việt Nam đối diện 'bão' chấn thương và thách thức thế hệ
Với việc Quế Ngọc Hải và Nguyễn Tiến Linh chia tay đội tuyển Việt Nam thì tối đa sẽ chỉ còn 4 cầu thủ từng dự Asian Cup cách đây 4 năm sẽ cùng HLV Troussier đến Qatar. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân sự trầm trọng nhất mà bóng đá Việt Nam từng đối mặt trước một giải đấu lớn...
Tuổi bình quân của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2019 là 23, thuộc hàng trẻ nhất giải. Người lớn tuổi nhất khi đó là Nguyễn Trọng Hoàng với 29 tuổi. Vậy mà bằng một cách nào đó, gần như chẳng còn ai đến được với Asian Cup 2023, nên ít hay nhiều thì cũng nên đặt câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Bởi nếu đây chỉ là chuyện không may thì lẽ ra rơi vào một vài người, đằng này không chỉ là chấn thương mà còn yếu tố phong độ khiến cho HLV Troussier không thể sử dụng. Hơn nữa, hãy nhớ lại 4 năm trước, chúng ta từng xem đó là "thế hệ kim cương" của bóng đá Việt Nam, trong khi lẽ ra ở thời điểm này, họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp cà về phong độ lẫn thể chất mới đúng.
Đặt vấn đề này ra là bởi cái xu hướng trẻ hóa đội tuyển hiện nay. Rất nhiều cầu thủ của kỳ Asian Cup 2019 cũng là trụ cột tại đội U23 ở Thường Châu, Trung Quốc, rồi AFF Cup 2018 và cả SEA Games 2019. Kể cả khi đã là tuyển thủ quốc gia, họ vẫn "vòng lại" để đá U23 do vẫn còn trong độ tuổi, trong khi đó vẫn phải cày ải ở CLB. Họ là những tài năng, việc cống hiến cũng là điều bình thường, và nhờ thế mà chỉ trong một thời gian ngắn bóng đá Việt Nam đạt đến những cột mốc chưa từng có.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, sử dụng là một chuyện nhưng bảo vệ cho các cầu thủ tài năng, là một chuyện quan trọng không kém. Không thể lấy con số này để so sánh với các cầu thủ tại châu Âu, vì sự khác biệt về thể chất và điều kiện dinh dưỡng. Đá nhiều thì dù không chấn thương cũng sẽ khiến cơ thể quá tải, sự hưng phấn suy giảm. Chính sự mệt mỏi tích lũy ấy sẽ khiến cho họ dễ bị chấn thương nghiêm trọng và thời gian hồi phục lâu hơn những người khác. Đoàn Văn Hậu hay Lương Xuân Trường là những trường hợp điển hình. Kể cả khi chữa trị chấn thương dứt điểm thì khả năng chơi cũng không còn như trước.
Nhưng như ở đội tuyển của HLV Troussier hiện tại, chúng ta thấy thấp thoáng cách dùng người kiểu cũ. Một vài nhân tố trẻ đã khoác áo từ U20 đến đội tuyển trong 2 năm qua, tiêu biểu như Khuất Văn Khang. Áp lực phải đổi mới, trẻ hóa và tiếp thu ý tưởng mới từ HLV Troussier khiến cho đội tuyển từ hồi Asian Cup 2019 vốn chưa già đã không còn trụ được trên đội tuyển. Dù là lý do nào thì đó cũng không phải là điều chúng ta chờ đợi tại Asian Cup lần này vì nói cho cùng, giải đấu này là nơi đội tuyển cần người có kinh nghiệm.
Gần 10 cầu thủ trong danh sách triệu tập đã và có khả năng không sang Qatar, cũng là việc phải đặt dấu hỏi về quá trình lựa chọn nhân sự. Một hai người thì không nói, nhưng một loạt vị trí quan trọng đều phải ở nhà thì quả là thách thức quá lớn cho HLV Troussier. Nghĩa là chúng ta đang đến với Asian Cup 2023 bằng tâm thế "có gì dùng nấy". Hoàn cảnh như thế thì phải chịu, nhưng nếu quay ngược lại thời điểm năm 2019 thì xem ra không ổn một chút nào.
Dù vẫn hy vọng đội tuyển của ông Troussier vẫn sẽ làm được điều gì đó tại Qatar lần này, nhưng có lẽ cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về kế hoạch phát triển đội tuyển của bóng đá Việt có cái gì đó không hợp lý, thậm chí là đi ngược quy luật. Tại ai? Vì tân HLV Troussier? Vì V-League chưa thoát khỏi ám ảnh bạo lực sân cỏ? Hay vì chúng ta không biết cách gìn giữ những tài năng?