Đội tuyển Việt Nam: Cần giữ thăng bằng đôi chân lẫn… cái đầu
(Thethaovanhoa.vn) - Chưa lâm trận nhưng nhưng hào khí chung cứ như thể chúng ta sắp vô địch Đông Nam Á đến nơi rồi, rằng chiếc Cúp vàng lúc này như "đồ trong túi" của thầy trò HLV Parh Hang Seo. Thực tế là, khi kỳ vọng càng lên cao, thì nguy cơ thất vọng càng lắm. Đã 4 kỳ AFF Suzuki Cup qua đi, đều có chung một đoạn kết não nề như thế, nên cần cẩn thận thì vẫn hơn...
* Xem trực tiếp Lào vs Việt Nam (19h30, 8/11) tại AFF Cup 2018:
Các link xem trực tiếp khác:
https://vtv.vn/vtv6/truyen-hinh-truc-tuyen.htm
Trận bán kết lượt về giải đấu năm 2016, bàn thắng về cuối trận của Vũ Minh Tuấn tưởng chừng như đã giải tỏa cơn khát vàng của hàng triệu khán giả đã dồn nén từ quá lâu. Đó là một khoảnh khắc xuất thần, một pha xử lý xuất thần của Minh Tuấn, đưa trận đấu vào hiệp phụ. Song, những người tỉnh táo nhất thừa biết rằng, nó cũng là bắt đầu của bi kịch được báo trước, khó gượng dậy nổi vì thiệt quân.
Sau quá nhiều lần thất bại, đặc biệt thường “ngã trước thiên đường”, nhiều ý kiến cho rằng bóng đá cũng như con người ốm nặng, phải cho ăn cháo loãng trước nhằm thông tim mạch, lại hơi, rồi mới bồi bổ thêm sản vật, đồ ngon vật lạ. Bóng đá chúng ta không không được chạy chữa đúng khoa học, trừ một lần đụng “dao kéo” sau SEA Games 2005. Rồi sau đó, cứ tiếp tục tự tin thái quá, để rồi niềm tin cứ như chơi ú tim.
Sau khi chia tay đội tuyển Việt Nam cuối năm 2010, cựu HLV Henrique Calisto đã chỉ ra lộ trình phát triển có căn cơ cho nền bóng đá. Trước là lo phát triển khâu đào tạo trẻ, sau tiếp tục nâng cấp hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong khoảng 10 năm tiếp theo, chúng ta phải cố gắng duy trì thành tích ít nhất lọt vào bán kết các giải vô địch Đông Nam Á và môn bóng đá nam SEA Games. Từ đó mới xây dựng nền móng mà mơ cao được.
Nay, sau gần 10 năm, không những nguyện ước của “phù thủy râu kẽm” khó thành, mà các kế hoạch ở tầm vĩ mô như đề án phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn 2030, cũng có thể không thành, khi chúng ta chi còn 3 hạn mức là giải AFF Suzuki Cup 2018 và 2020, xen kẽ đó là SEA Games 2019. Mục tiêu đoạt HCV SEA Games thậm chí còn khó hơn cả vô địch Đông Nam Á (nếu tính theo xác xuất), chứ đừng nói cả 2. Cùng với đó là tốp 15 đội mạnh nhất châu lục.
Một trong những điểm yếu của bóng đá Việt Nam khi chơi giải quốc tế là tâm lý chiến. Sau 2 giải đấu thành công ngoài mong đợi ở cấp độ U23 quốc gia và Olympic Việt Nam tại Thường Châu và Tây Java, dưới thời HLV Park Hang Seo, xem như chiến thuật chuẩn bị (làm tâm lý) là tương đối ổn. Xong nếu soi lại các trận bán kết AFF Suzuki Cup và SEA Games gần nhất, thì nội hàm của tâm lý thi đấu là vấn đề thẻ phạt, đến từ lối chơi rắn đến độ thô bạo.
Tại Mỹ Đình cách đây 2 năm, đội tuyển Việt Nam dưới triều đại Nguyễn Hữu Thắng không thể bảo toàn được quân số khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Quế Hải vào vai thủ môn bất đắc dĩ sau khi Nguyên Mạnh bị đuổi và chúng ta đã xài hết các quyền thay đổi người. Nếu thẳng tay, thì Quế Hải cũng có thể đã phải tiếp nối đồng đội Nguyên Mạnh sau các tình huống phạm lỗi sau đó, dẫn đến penalty. Nói tóm lại, lối chơi rắn và rát của Việt Nam không được chào đón.
Năm 2010, trận bán kết lượt đi với Malaysia, chúng ta hoặc bị thẻ phạt hoặc chấn thương, mà đội hình chính cụt hơn 1/3 nhân sự, khiến Huy Hoàng phải nhao ra biên phải, Thanh Hưng và Minh Châu thay nhau quán xuyến tuyến 2, Đình Đồng đá thay Việt Cường ở cánh trái và Tấn Trường vào vai tội đồ khi thế Dương Hồng Sơn trong khung gỗ. Thất bại 0-2 ở Bukit Jalil là bằng chứng quá rõ cho lập luận gọi là “trời hanh vật khô...”. Chính chúng ta đã trở thành “củi khô” ở trận lượt về.
Bài học rút ra trước kỳ AFF Suzuki Cup 2018, giải đấu mà sức ép vô địch bằng mọi giá đang đè lên vai thầy trò HLV Park Hang Seo, là quá rõ. Sự kỳ vọng thái quá đôi khi vẫn thường dẫn đến cơn thịnh nộ, dù biết là vô cớ.
TUỲ PHONG