Đội tuyển nữ Việt Nam: Phía sau đỉnh cao...
Khi được hỏi về lý do không chắc chắn trong việc bảo vệ HCV SEA Games trước khi đại hội diễn ra, HLV Mai Đức Chung thừa nhận đội tuyển nữ Việt Nam có những vấn đề khá rõ ràng để phải lo ngại. Giờ đây, sau chiến tích 4 HCV liên tiếp, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn nhận từ góc độ ấy của ông Chung.
1. Theo HLV Mai Đức Chung, thứ đáng lo nhất chính là việc độ tuổi bình quân của đội tuyển nữ Việt Nam cao nhất SEA Games. Với tuổi này, chúng ta có thừa kinh nghiệm, sự ăn ý để duy trì sức mạnh tại SEA Games, nhưng thực tế là đội tuyển đang "già" đi và bất kỳ nhà làm chuyên môn nào cũng biết, sự đi xuống có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Điểm mạnh nhất và cũng chính là điểm yếu nhất, đặc biệt là với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Campuchia.
Thực tế thì chúng ta đã để thua Philippines ở trận cuối cùng vòng bảng, và đây đã là lần thứ 2 các cô gái nhập tịch của đội tuyển Philippines khiến cho đoàn quân của ông Mai Đức Chung phải thất bại sau khi họ thắng ở trận bán kết giải vô địch Đông Nam Á. Một chút thiếu may mắn đã khiến cho Philippines không thể vượt qua vòng bảng, nhưng thử đặt trường hợp họ làm được điều đó thì sao?
Liệu chúng ta có thể thắng họ nếu gặp nhau ở trận đấu cuối cùng? Đó chính là điều mà ông Mai Đức Chung không đề cập đến nhưng chắc chắn là người giàu sự từng trải như vậy thì ông không thể không nghĩ đến.
Ông Mai Đức Chung đã ở tuổi "thấp thập cổ lai hi" nhưng vẫn đang cố gắng đi cùng các "con cháu" của mình ở đoạn cuối cuộc hành trình vinh quang. Điều đó thật đáng quý. Nhưng sự tận tụy của ông Chung "gái" nhắc chúng ta nhớ đến một sự thật: Mọi thứ đang đi đến điểm cuối cùng của cái gọi là điểm cực đại trong sự phát triển của bóng đá nữ.
HLV giàu thành tích nhất lịch sử thì đã ngoài 70, ngôi sao lớn nhất lịch sử bóng đá nữ thì cũng đã ngoài 30. Họ vẫn còn đang cống hiến, điều đó thật tuyệt nhưng cũng có nghĩa là đến lúc họ sẽ phải nghỉ ngơi trên vinh quang chứ không thể kéo dài thời gian thêm nhiều nữa. Như vậy, đội tuyển nữ Việt Nam đang rất mạnh nhưng họ hầu như không thể làm được điều gì tốt hơn được nữa ngoài một chút kỳ vọng bất ngờ tại World Cup 2023.
2. Một lần nữa, bóng đá Việt Nam đang đối diện với "vấn đề thế hệ". Cả bóng đá nam lẫn nữ, đều sở hữu một thế hệ "kim cương" và rất tiếc, đây là là thời điểm cuối của thế hệ ấy. Đầu năm, HLV Park Hang Seo rời đi, cuối năm nay, chắc ông Mai Đức Chung cũng sẽ nghỉ.
Có một không gian khá mơ hồ phía sau phần đỉnh cao của 2 đội tuyển. Thực tế thì bóng đá Việt Nam hiện nay không thể tụt dốc nhanh như trước vì tiến độ xây dựng thế hệ kế cận đang được triển khai quyết liệt, không để mắc sai lầm về khoảng trống như trước đây. Tuy nhiên, sự thật là dù bóng đá Việt Nam có thể không yếu đi, nhưng khả năng mạnh hơn, tốt hơn lại không có cơ sở để tính toán.
Chúng ta lấy ví dụ ngay từ bóng đá nữ. Vừa có chiếc HCV SEA Games thứ 4 liên tiếp, nghĩa là đội bóng của ông Mai Đức Chung đứng đầu khu vực suốt 1 thập kỷ, nhưng hệ thống nền tảng thì có gì thay đổi không? Gần như là không.
Giải vô địch nữ cũng vậy với chừng đó CLB và ngôi vô địch cũng chẳng thay đổi gì kể cả khi VFF sáng tạo thêm Cúp quốc gia. Điều này có nghĩa hệ thống "bộ lọc" nhân tài vẫn thế, khả năng đào tạo vẫn thế, chỉ chờ có thêm sự may mắn nào đó mang tên Huỳnh Như 2.0 xuất hiện. Tất nhiên là khó có điều đó xảy ra bởi Huỳnh Như đang vạch ra các giới hạn gần như cao nhất mà những đàn em của cô chưa thấy ai đủ sức tiếp cận.
Hãy nhìn sang Philippines. Họ làm gì để nâng cấp đội tuyển thì đó là việc của họ, nhưng hãy nhớ là Philippines cũng sẽ dự World Cup 2023 cùng với Việt Nam, tức là đã làm được điều tương tự như Thái Lan từng làm. Xét công bằng, chính đội bóng có nhiều cầu thủ Phi kiều to cao, trẻ trung này đang giữ nhiều hi vọng làm được điều đặc biệt nhất ở World Cup trong thời gian tới. Họ đã thắng chúng ta trong những lần gần nhất, có thể việc này sẽ còn tiếp diễn.
3. Câu chuyện hiện tại, đó là không phải lo lắng về sức mạnh của bóng đá Việt Nam, mà cái đáng nói vẫn là cái gọi là chiến lược nâng tầm. Ví dụ như bóng đá nữ, những gì đang có đã "vét" mọi nguồn lực từ HLV đến cầu thủ. Theo quy luật thì mọi thứ sau khi phát triển lên đến đỉnh cao sẽ phải đi xuống. Vậy có cơ sở nào để bàn đến chuyện "đi lên"?
Ở bóng đá nam cũng vậy thôi. Chúng ta mời được một HLV giàu kinh nghiệm và có đẳng cấp như ông Philippe Troussier nhưng đó là sự thay đổi duy nhất, mang tính thời điểm hơn là dấu chấm trên chữ "i" cho một chiến lược hoàn hảo. Những thay đổi của HLV Troussier là tích cực, nhưng về cơ bản, nó không đủ và khó đạt hiệu quả tối ưu khi nguồn lực trong tay ông hạn chế, bởi điều quan trọng nhất là hệ thống thi đấu nội địa, là khâu đào tạo, là kế hoạch dài hơi cho các tuyến U thì vẫn chưa có gì nhúc nhích.
Điển hình như ở đội tuyển U, hiện vẫn chỉ mới có một HLV Hoàng Anh Tuấn là được chuyên biệt lo khâu huấn luyện. Suốt từ 2015 đến nay, chẳng có ai khác tạo được sự đột phá về thành tích của các đội U cả, dù áp lực ở "phân khúc" này không lớn. Trường hợp của ông Hoàng Anh Tuấn cũng khiến chúng ta phải nhắc đến V-League, nơi mà các đội bóng đang dẫn đầu giải đều do các HLV nước ngoài cầm quân.
Nghĩa là hệ thống thi đấu quan trọng nhất của nền bóng đá không chỉ yếu về khâu giới thiệu nhân tài mà còn đang đi vào lối mòn về vấn đề chiến thuật. Hãy nghĩ xem, nếu các HLV nội của Việt Nam đều không cải thiện trình độ nghề nghiệp, cập nhật cái mới trong chuyên môn, thì các đội tuyển U hay cách đào tạo cầu thủ trẻ làm sao có khác biệt đáng kể nào?
Nói như vậy không phải là "chê", hay lo lắng về trình độ của bóng đá Việt Nam. Nhưng vì bản chất của tương lai, chúng ta đang bàn khá nhiều đến World Cup, đến sự hòa nhập mạnh mẽ hơn với phần chóp của bóng đá thế giới, nên mới thấy lo ngại, bởi nói cho cùng, cần phải có những suy nghĩ lo lắng, những góc nhìn thực tế ở tầm chuyên gia lão làng như HLV Mai Đức Chung thì mới biết được cần làm gì để cho mọi thứ tốt hơn.
HLV Mai Đức Chung vạch chiến lược cho bóng đá nữ Việt Nam
Trong cuộc giao lưu với người hâm mộ sáng 24/5. HLV Mai Đức Chung đã bày tỏ quan điểm của ông nhằm phát triển nền bóng đá nước nhà. Theo ông, bóng đá nữ Việt Nam muốn phát triển tốt thì cần phải mở rộng các trung tâm bóng đá nữ. Ông Mai Đức Chung cho biết đã đề xuất với lãnh đạo VFF thành lập ra 3 trung tâm bóng đá nữ. Hiện tại bóng đá Việt Nam mới có trung tâm đào tạo bóng đá nữ tại Trung tâm đào tạo trẻ VFF. Theo HLV Mai Đức Chung, Việt Nam cần thêm 2 trung tâm bóng đá nữ ở Huế hoặc Đà Nẵng, hoặc ở TP HCM hoặc miền Tây. Lý do được ông Chung chỉ ra là hiện nay có rất nhiều bạn nữ muốn chơi bóng đá, nhưng phải đi xa, từ Kiên Giang ra TP.HCM, hoặc từ các nơi khác ra Hà Nội để đăng ký tập luyện. Thế nên, nếu VFF lập ra nhiều trung tâm hơn thì sẽ thuận tiện hơn cho các bạn nữ tiếp cận các trung tâm bóng đá nữ, giúp họ không phải di chuyển quá xa.