Đội tuyển nhảy cầu 'mở hàng' huy chương cho Đoàn TTVN: Nỗi niềm Phương Mai
Ngô Phương Mai trở thành VĐV giành tấm huy chương đầu tiên cho đoàn TTVN tại SEA Games với thành tích HCĐ ở nội dung cầu mềm 1m đơn nữ. Tuy nhiên, đằng sau thành tích này, còn là câu chuyện rất đáng để các nhà chuyên môn phải suy ngẫm về định hướng để phát triển môn nhảy cầu ngay trong tương lai gần.
Xem bảng tổng sắp huy chương TẠI ĐÂY
Lực bất tòng tâm
Nhiều hi vọng về ước mơ “đổi màu” tấm HCĐ đã được nhắc đến, khi Ngô Phương Mai vào cuộc thi đấu nội dung cầu mềm 1m đơn nữ tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà. Dù vậy, ước mơ ấy đã không thành hiện thực khi niềm hi vọng số 1 của nhảy cầu Việt Nam một lần nữa không thể đảo ngược tình thế trước các kình địch đến từ Malaysia.
Mổ xẻ phần thi đấu của Ngô Mai Phương tại Cung thể thao dưới nước vào chiều ngày 8/5, cơ bản đã diễn ra khá suôn sẻ với phong thái điềm tĩnh của cô gái 24 tuổi có thâm niên 17 năm ăn tập chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một sai sót về kỹ thuật khi tiếp nước ở lần nhảy cuối cùng (chỉ đạt 41,25 điểm), đã khiến hi vọng “đổi màu” huy chương tan vỡ. Trong 4 lần nhảy trước đó, điểm số của Phương Mai lần lượt là 50,40 - 44,20 - 42,55 và 45,60,
Nhìn vào kết quả thi đấu, thực sự tiếc nuối cho Ngô Phương Mai, nếu không có “tai nạn” ở cú nhảy cuối cùng, người đứng trên bục nhận tấm HCB phải là Phương Mai chứ không phải Kimberly Bong Qian Ping chỉ với 6 điểm nhiều hơn (230,00 điểm so với 244,00). Có lẽ cũng vì lý do này, nên Phương Mai tránh trả lời trực tiếp vào câu hỏi “có sự tiếc nuối nào sau phần thi đấu không”, mà chỉ trả lời ngắn gọn: “Tôi đã nỗ lực hết sức, thành tích đạt được đã thể hiện sự nỗ lực của bản thân”.
Sau phần thi đấu, HLV Hoàng Thanh Trà (đang đảm nhiệm vai trò trọng tài môn nhảy cầu SEA Games 31) cũng đã có cuộc trò chuyện khá lâu với Phương Mai trong phòng thay đồ và có lẽ câu chuyện cũng không nằm ngoài những tiếc nuối khi tấm HCB tưởng đã rất gần mà cuối cùng lại trở nên quá xa.
Không ai có thể trách Ngô Phương Mai nếu như tìm hiểu kỹ hơn về quá trình chuẩn bị của cá nhân VĐV này cũng như toàn bộ ĐTQG nhảy cầu. Tất cả chỉ được tập luyện trong điều kiện thực tế tại bể nhảy cầu chỉ hơn 7 tuần trước khi bước vào thi đấu SEA Games 31, còn lại thời gian trước đó kể từ khi tập trung vào đầu năm 2022, đều phải tập trên cạn, vì thế sai số trong thi đấu (nếu có) xuất hiện cũng là điều dễ hiểu.
Giá như…
Môn nhảy cầu du nhập và được biết đến cũng bắt đầu từ kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Gần 2 thập kỷ đã trôi qua nhưng nhảy cầu vẫn là môn thể thao gần như không phát triển. Giải vô địch quốc gia năm 2021 vừa diễn ra tại Quảng Ninh, chỉ có vẻn vẹn 42 VĐV đến từ 4 đoàn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Quảng Ninh tham dự.
Có vẻ như nhảy cầu đang sống “lay lắt” trong hệ thống thi đấu quốc gia và điều này khiến cho mọi khó khăn với các VĐV ở địa phương hay ĐTQG được nhân lên gấp bội, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động rất lớn của dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua. Cảnh tuyển thủ quốc gia phải thường xuyên tập cạn, di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm kia để tập luyện không phải là chuyện mới nhưng nó chưa được giải quyết một cách dứt điểm.
“Việc phải tập cạn quá lâu trước đó và không được thường xuyên tham dự các giải đấu cũng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng bài thi hôm nay. Nếu như chất lượng tập luyện tốt hơn, tôi tin rằng, thành tích của mình cũng sẽ được cải thiện”, Ngô Phương Mai lý giải cho thành tích thi đấu của mình ở nội dung cầu mềm 1m đơn nữ. Và có lẽ, điều đó cũng được hiểu như một thông điệp, nếu như điều kiện tập luyện không được cải thiện, mọi ước mơ đều không thể trở thành hiện thực.
Kể từ sau thế hệ VĐV đầu tiên gồm Hoàng Thanh Trà và Mai Hải Yến đã giành 2 tấm HCV (nội dung cầu mềm 3m đôi nữ, cầu mềm 3m đơn nữ) tại SEA Games 22, nhảy cầu Việt Nam vẫn đang khát khao tái lập thành tích này ở một kỳ SEA Games. Điều này thực sự khó hơn… lên trời trong bối cảnh trình độ của Malaysia đã tiệm cận với huy chương Olympic. Còn các tuyển thủ của ĐTQG lúc này “vẫn chưa biết ra sao”, như câu trả lời của Phương Mai về kế hoạch sau khi SEA Games 31 kết thúc.
Việt Nam có thêm 1 HCB môn nhảy cầu Nội dung đôi nam cầu mềm 3m vẫn diễn ra dù chỉ có 2 đội là Việt Nam và Malaysia tham dự. Có tâm lý khá thoải mái, song bộ đôi Nguyễn Tùng Dương/ Phương Thế Anh cũng không thể làm nên bất ngờ trước Chen Yiwei/Ooi Tze Liang đến từ Malaysia. Chung cuộc, với 306,64 điểm, 2 VĐV Việt Nam giành huy chương bạc và đôi VĐV Malaysia giành HCV với 395,79 điểm. |
Vũ Lê