Đội trưởng mới của tuyển nữ Việt Nam từng là 'siêu dự bị', nhiều lần đóng thế cho Huỳnh Như; giờ đã là cây săn bàn chính hiệu
Tiền đạo Phạm Thị Hải Yến luôn là "sát thủ" khi được tung vào sân từ băng ghế dự bị. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cô gái người Hà Nội đang vươn mình mạnh mẽ trở thành chủ công của đội tuyển nữ Việt Nam.
Từ "siêu dự bị"…
Trận chung kết SEA Games 30 trên đất Philippines, Phạm Thị Hải Yến được HLV Mai Đức Chung tung vào sân ở phút 62 thay cho Nguyễn Thị Vạn. Dù vậy, mãi tới phút những phút đầu hiệp phụ, bàn thắng mới tìm đến cái đầu của cô gái người Hà Tây. Từ quả phạt góc, Hải Yến băng vào dũng mãnh làm tung nóc lưới nữ Thái Lan.
Bàn thắng bằng "vàng ròng" ấy giúp bóng đá nữ Việt Nam bảo vệ thành công tấm huy chương vàng SEA Games. Đó cũng là kỳ SEA Games đầu tiên bóng đá nam và bóng đá nữ Việt Nam cùng giành ngôi vị cao nhất Đông Nam Á. Với Hải Yến, cô gái sinh năm 1994 bước ra ánh sáng trong vai trò một "siêu dự bị".
SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, Phạm Thị Hải Yến tiếp tục không phải là lựa chọn hàng đầu trên hàng công của HLV Mai Đức Chung. Cô cùng Nguyễn Thị Vạn cạnh tranh khốc liệt cho vị trí đá cặp cùng Huỳnh Như trong sơ đồ 5-3-2. Nếu hệ thống chiến thuật 5-4-1 được áp dụng, Hải Yến khó để cạnh tranh 1 suất đá chính.
Thậm chí, khi so sánh cùng Nguyễn Thị Vạn, Hải Yến có phần lép vế hơn. Tiền đạo biên chế nữ Hà Nội gần như chỉ chơi được tiền đạo cắm. Còn người đồng nghiệp đội nữ Than Khoáng Sản sẵn sàng đá được hộ công, tiền vệ tổ chức và tiền vệ cánh.
Kỳ SEA Games gần đây nhất trên đất Campuchia, Phạm Thị Hải Yến tiếp tục sắm vai "siêu dự bị" cho người đàn chị Huỳnh Như. Tiền đạo 29 tuổi chưa thể thoát khỏi "cái bóng khổng lồ" để bước lên lĩnh xướng hàng công đội tuyển nữ Việt Nam.
Nguyên nhân có thể đến từ việc Hải Yến là mẫu tiền đạo "chạy và sút". Cầu thủ thuộc biên chế đội nữ Hà Nội chơi đơn giản, không cầm nhiều bóng, "đánh hơi" khoảng trống để băng cắt, dứt điểm.
Trong sơ đồ 5-4-1 mà HLV Mai Đức Chung sử dụng, Hải Yến khó để đặt cùng bàn cân với người đàn chị đang sở hữu tới 4 quả bóng vàng là Huỳnh Như. Nếu ông thầy người Hà Nội áp dụng hệ thống 5-3-2, tiền đạo sinh năm 1994 phải cạnh tranh vị trí với Thuỳ Trang, Bích Thuỳ và thậm chí là Thanh Nhã.
… đến đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam
Có thể nói, quãng thời gian đóng vai trò "siêu dự bị" của Phạm Thị Hải Yến khiến cô gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện kỹ năng, trau dồi bản lĩnh thi đấu. Nhưng ngược lại, nó đem đến cho tiền đạo người Thường Tín khát khao ra sân mãnh liệt, ý chí quật cường, sẵn sàng chắt chiu từ những cơ hội nhỏ nhất.
Sau World Cup 2023, Thuỳ Trang từ giã ĐTQG còn Huỳnh Như trở về Lank FC và không tham dự ASIAD 2023. Phạm Hải Yến trở thành cái tên sáng giá cho tấm băng đội trưởng. Quãng thời gian lặng thầm đóng góp, tạo được ảnh hưởng trong phòng thay đồ "những chiến binh sao vàng" của Hải Yến cuối cùng đã được ghi nhận.
Không chỉ có vậy, tiền đạo 29 tuổi đang dần hoàn thiện hơn khả năng xử lý bóng, dứt điểm và làm chủ không gian vòng cấm. Chính chân sút sinh năm 1994 là người ghi bàn mở tỉ số trong trận đấu gặp Nepal tại vòng loại 2 Olympic 2024. Ở trận lượt về, cô đóng góp thêm 1 cú đúp.
ASIAD 19 trên đất Hàng Châu đang diễn ra, Phạm Hải Yến trong vai trò đội trưởng đang toả sáng rực rỡ và luôn là người mở điểm cho đội tuyển nữ Việt Nam. Cô cùng các đồng đội chỉ cách tấm vé đi tiếp vào vòng tứ kết 1 trận đấu gặp ĐT nữ Nhật Bản. Nếu thuận lợi, thầy trò HLV Mai Đức Chung còn có thể nghĩ đến tấm vé vào bán kết.
Với Phạm Hải Yến, giải đấu tại Trung Quốc còn là vũ đài để cô bước lên một tầm cao mới mà bản thân chưa bao giờ đạt đến. Hơn ai hết, Hải Yến hiểu đây là thời điểm tốt nhất để cô bước ra ánh sáng, khẳng định giá trị bản thân trên hàng công đội tuyển nữ Việt Nam. Và bây giờ bắt đầu mọi thứ nào, "chủ công" Hải Yến!