'Đổi tình lấy tiền: Cho em xin địa chỉ khách sạn đi'
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, chương trình “Quý ông hoàn hảo” lại gây tranh cãi vì câu chuyện “đổi tình lấy tiền” của chàng MC Anh Huy.
Đó là một tình huống ứng xử giả định, khi người chơi nhập vai một chàng trai cần khoản tiền lớn để chữa bệnh cho mẹ và được một phụ nữ lớn tuổi đề nghị đánh đổi khoản tiền này bằng… tình một đêm.
Và, trong phần thi của mình, Anh Huy chọn giải pháp đồng ý một cách khá nhanh gọn, thẳng thắn. Trong vai chàng trai, anh nói: “Nãy giờ em không có suy nghĩ gì. Hai chúng ta đều độc thân. Chuyện lái máy bay bình thường thôi. Nếu yêu cầu đơn giản như vậy thì em nghĩ cho em xin địa chỉ khách sạn đi…”
Trong 3 người chơi, chỉ có Anh Huy chọn cách này, trước sự ngỡ ngàng của các giám khảo nữ.
“Để mà nói tại sao Huy xử lý tình huống đó như vậy? Vì mọi yếu tố mà mọi người đưa ra rất là dễ dàng. Chị ấy chưa chồng, mình chưa vợ. Và người con trai đang gặp hoàn cảnh bế tắc như thế. Thật ra cái mà Huy sống là sống cho mình, cho người thân, cho những người hiểu mình” - MC Anh Huy giải thích – “Còn những người họ ghét thì mình làm gì họ cũng ghét thôi. Tại sao mình phải từ chối một việc có thể cứu sống mẹ mình và cứu sống bản thân mình. Mà chỉ có 1 đêm, 1 đêm duy nhất và sau đó kết thúc”.
Trong cuộc sống hiện tại, một chọn lựa như Anh Huy chắc không khó gặp, vì nhiều người vẫn nghĩ đơn giản rằng “mình đâu có làm gì sai trái”, “sống là sống cho mình thôi, hơi đâu miệng lưỡi thế gian”. Thậm chí, như những ý kiến tỏ ra thông cảm với anh, ngay từ đầu thế kỷ 20, chuyện bán con, bán thân, bán chó… để chuộc chồng, chuộc cha cũng đâu hiếm gặp?!
Và đáng nói, tại cuộc chơi “Quý ông hoàn hảo”, nơi có 3 nữ giám khảo và khoảng 400 nữ khán giả, ứng xử của Anh Huy dù bị phản ứng này kia nhưng anh cũng qua được vòng thử thách này, trước khi phải dừng lại ở vòng sau.
***
Nếu Anh Huy không phải là người của công chúng và chia sẻ quan điểm này ở nơi riêng tư hơn thì chắc chắn dư luận cũng không mấy quan tâm. Nhưng ở đây lại là một kênh truyền hình có lượng người xem đông bậc nhất, việc có những ý kiến trái chiều, tranh cãi là điều dễ hiểu. Thật vậy, nhìn lại nhiều cuộc tranh luận và tranh cãi về văn hóa sống gần đây, các công cụ truyền thông luôn giữ một tác nhân to lớn, đôi khi như thêm dầu vào lửa.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ngày càng có nhiều kênh truyền thông, truyền hình, báo giới thích khai thác những tình huống dễ gây tranh cãi như thế này?
Chắc chắn áp lực thu hút người xem là một lý do khá quan trọng. Tỷ suất người xem (rating) đang là yếu tố sống còn của nhiều kênh, nhiều báo, nhiều trang tin… nên buộc họ phải tìm kiếm sức hút tối đa. Từ đây để lọt những tình huống khá nhạy cảm, mà với người trưởng thành có thể không sao, nhưng với trẻ vị thành niên thì dễ bị tác động.
Nhiều nghiên cứu của UNICEF cho thấy lượng thông tin đồ sộ về “cướp, giết, hiếp” trên truyền thông đã tác động không tích cực đến hành vi của nhiều trẻ vị thành niên. Cho nên câu chuyện tự nguyện đổi tình lấy tiền có thể là... bình thường với nhiều khán giả trưởng thành, nhưng khi phát sóng không có kiểm soát, rồi tranh cãi đại trà, việc ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của trẻ vị thành niên là có thể xảy ra.
Nếu “đổi tình lấy tiền” cho hơn 2,8 triệu kết quả trong 0,51 giây, thì “đổi tình lấy điểm” là hơn 2,4 triệu kết quả trong 0,41 giây - theo Google tối ngày 26/3/2018. Không thể nói việc truyền thông vô tội vạ cho người trưởng thành là không có ảnh hưởng đến người vị thành niên.
Vô Ưu