Đối thoại về 'Di sản văn hóa phi vật thể' (kỳ 2 & hết): Không lo di sản 'biến mất' mà lo bị làm sai lệch
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục cuộc đối thoại với Thể thao và Văn hóa về “Di sản văn hóa phi vật thể”, TS Lê Thị Minh Lý (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) cho biết: “Về nguy cơ đe dọa làm biến mất di sản văn hóa phi vật thể hiện nay thì không phải quá lo lắng, nhưng nếu không cẩn thận thì dễ dàng xảy ra tình trạng làm sai lệch, thay đổi di sản”.
* Cộng đồng nên ứng xử như thế nào đối với các di sản có danh hiệu mà UNESCO ghi danh?
- Các di sản được đưa vào danh sách của UNESCO cũng có ý nghĩa nhất định đối với cộng đồng. Bởi vì, trước hết là khi làm hồ sơ đề cử, phải trải qua quá trình kiểm kê. Quá trình này làm cho cộng đồng nhận diện được di sản mà họ đang nắm giữ, ý thức hơn, nhận thức sâu sắc về giá trị của di sản, cần phải gìn giữ di sản. Ví dụ, họ hiểu được giá trị âm nhạc, hiểu được giá trị của nghệ thuật trình diễn, hiểu được giá trị tri thức mà họ đang nắm giữ.
Thứ hai, khi di sản được quan tâm, cộng đồng nhận thấy cần phải có trách nhiệm hơn, cam kết tự nguyện trao truyền lại cho thế hệ sau. Chẳng hạn, hát xoan là trường hợp di sản có sự mai một cần bảo vệ khẩn cấp. Khi tỉnh Phú Thọ có chính sách bảo vệ hát xoan, cộng đồng thấy rằng Nhà nước giữ di sản này là cho mình, và họ cùng nhau giữ gìn, trao truyền lại cho thế hệ sau. Nhắc đến hát xoan là nhắc đến Phú Thọ, đến Việt Trì, họ vui và hãnh diện với di sản, và bởi vậy sẽ ứng xử tốt với di sản, ý thức hơn trách nhiệm hơn trong việc thực hành và bảo tồn di sản. Điều này còn có ý nghĩa cả với các cộng đồng khác không có liên quan hoặc rất ít liên quan đến di sản.
Tất cả các di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau là bình đẳng với nhau, dù đó thuộc về cộng đồng nhiều người hay cộng đồng thiểu số.
* Bên cạnh mặt tốt, mặt tích cực như bà vừa đề cập thì việc khai thác, gìn giữ phát huy di sản đang diễn ra như thế nào theo sự quan sát của bà?
- Hiện nay, việc khai thác các di sản phi vật thể để tạo ra các giá trị kinh tế không nhiều, và phần lớn là phục vụ du lịch như là đờn ca tài tử, hát xoan, ca trù, bài chòi, và nhã nhạc… Điều này là tốt, UNESCO cũng khuyến khích như thế.
Khi đó, cộng đồng sẽ có động lực nhiều hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn di sản. Họ có tiền từ hoạt động trình diễn di sản phi vật thể để mua sắm trang phục, để sống và duy trì di sản. Về nguy cơ đe dọa làm biến mất di sản phi vật thể hiện nay thì không phải quá phải lo lắng, nhưng nếu không cẩn thận thì dễ dàng xảy ra tình trạng làm sai lệch di sản. Ví dụ, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, nếu mang ra trình diễn như kiểu văn hóa văn nghệ phục vụ du lịch thì tự nhiên giảm tính thiêng, vì thực hành tín ngưỡng thờ mẫu được tiến hành trong các đền, các phủ, có các quy chuẩn, quy định của cộng đồng.
Có những nhóm không phải là chủ thể nhưng thực tế lại mạo nhận, mạo danh di sản kiếm lợi thì sẽ làm cho cộng đồng thật của chủ thể bị tổn thương, làm sai lệch di sản. Và việc lợi dụng di sản để trục lợi như thế người ta gọi là thương mại hóa di sản.
* Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc này, thưa bà?
- Cơ quan nhà nước là cơ quan ban hành pháp luật, nên cơ quan nhà nước phải làm cho người dân, những người có liên quan hiểu pháp luật, trong đó có công ước UNESCO. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi phê chuẩn một công ước quốc tế nào đó, thì công ước đó trở thành pháp luật Việt Nam.
Việt Nam đã phê chuẩn việc gia nhập công ước UNESCO rồi, thì phải làm cho cộng đồng, người dân hiểu về quy định trong công ước. Đại diện của UNESCO và Tiến sĩ Frank Proschan làm việc hôm trước nhằm mục đích cho mọi người hiểu thêm về Công ước, không phải có vấn đề gì quá trầm trọng. Nội dung là chia sẻ để làm tốt hơn, để các nhà báo làm tốt hơn việc truyền thông và đồng thời nhà báo cũng góp phần với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quảng bá và phổ biến tri thức đến với người dân.
Nhà nước cũng cần có chiến lược và kế hoạch bảo vệ di sản, đặc biệt với những di sản cần bảo vệ khẩn cấp. Ví dụ tranh Đông Hồ, một dòng tranh rất nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 3 gia đình sản xuất, tổng cộng khoảng hơn 30 người làm tranh.
Do vậy, Nhà nước cần phải có kế hoạch kiểm kê di sản, phổ biến để tất cả các tỉnh kiểm kê di sản, nhằm biết rằng chúng ta có những di sản gì mà cộng đồng đang nắm giữ, đang mong muốn bảo vệ và cần hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, về mặt kinh phí hoặc các chương trình sự kiện để họ nhận thức được di sản, giá trị của di sản.
Vai trò còn đến từ các cơ quan nghiên cứu, bởi các cơ quan nghiên cứu có các đề tài nghiên cứu chuyên sâu về từng loại hình di sản và trong quá trình nghiên cứu đó, họ rất gần gũi với các chủ thể di sản. Các di sản phi vật thể luôn luôn vận động, trong dòng chảy phát triển không ngừng, và có thể có những khúc bị tích hợp những yếu tố khác, mà cộng đồng gọi đó là những yếu tố ngoại lai, không phải yếu tố cốt lõi của di sản gốc. Trong những trường hợp như vậy, các nhà nghiên cứu sẽ giúp cho cộng đồng nhận thức được đâu là những giá trị cốt lõi của chính họ, đâu là những yếu tố bị tích hợp vào một cách vô thức không giúp cho di sản tốt hơn mà có thể làm cho di sản biến dạng đi
Việc bảo vệ di sản phi vật thể quan trọng nhất là cộng đồng. Do vậy, cộng đồng phải thực sự hiểu để họ tự bảo vệ di sản của mình. Thứ hai, Nhà nước cần là cầu nối để cộng đồng kêu gọi được những người yêu mến di sản, ví dụ như các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ vừa có điều kiện vừa có phương tiện có thể giúp, hỗ trợ cộng đồng, với mô hình nhiều bên cùng chung tay thì việc bảo vệ di sản sẽ tốt hơn.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
“Nhà nước cần phải có kế hoạch kiểm kê di sản, phổ biến để tất cả các tỉnh kiểm kê di sản, nhằm biết rằng chúng ta có những di sản gì mà cộng đồng đang nắm giữ, đang mong muốn bảo vệ” (Phát biểu của TS Lê Thị Minh Lý) |
Phạm Huy (thực hiện)