Đối thoại về đám tang người mẫu
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, Remote nghe được đoạn đối thoại của ông bà chủ về một câu chuyện buồn, sau sự ra đi của một người mẫu.
Trưa Chủ nhật, giữa chương trình Đường lên đỉnh Olympia, thấy ti vi vẫn phát clip người mẫu vừa qua đời đóng quảng cáo cho một trang mạng bán hàng đình đám. Bà suy nghĩ mãi, về mặt pháp luật và đạo đức có vấn đề gì không nhỉ?
Ông chủ nói rằng không vấn đề gì cả. Nghệ sĩ sau khi chết thì tác phẩm của họ, phim, ảnh và cả quảng cáo vẫn “sống”. Elvis Presley, Michael Jackson... vẫn kiếm tiền ầm ầm, lên tivi hàng ngày.
Thì đúng thật, năm 2009, hơn hai vạn người ngồi chật cứng sân vận động Staples Center ở Mỹ tham dự lễ tang Michael Jackson. Những gương mặt nổi tiếng nhất trong giới giải trí, từ Mariah Carey, Lionel Richie, Jennifer Hudson, Usher đều có mặt để hát những bài hát của ông. Ti vi còn tường thuật, công chúng toàn thế giới dõi theo. Tin tức về tang lễ phủ sóng các mạng xã hội.
Bà chủ nói lại rằng, đó là họ mất lâu rồi. Vừa qua đời xong, nhà người ta đang tổ chức tang lễ, dân showbiz tới khóc ầm ầm. Bật tivi lên thấy quảng cáo thì cũng đau lòng lắm chứ.
Rồi bà chủ mở ngay máy tính bảng đọc một status của một facebooker rằng: “Tôi mong các báo tạm dừng viết về cậu người mẫu mới mất. Gia đình cậu ấy chắc cũng mệt mỏi rồi. Còn độc giả thì cũng đã bị ngộ độc thông tin rồi các tác giả ạ!...
Tôi nhấn mạnh, tôi hết sức chia sẻ với bệnh tật cũng như nỗi đau mất mát của bản thân và gia đình người đã khuất. Nhưng cái gì cũng nên vừa phải, chừng mực.
Thôi hãy để cho người đã khuất, và có lẽ cả người đang sống nữa được yên nhé!”.
Bà đồng ý với ý kiến trên, không quên nói với ông chủ rằng: Những người tổ chức đám tang của Michael Jackson tránh những điều không đáng có.
Còn ở ta, mọi người biết rồi, bên cạnh những người đến chia sẻ nỗi đau, đám tang còn xuất hiện nhiều cảnh phản cảm do đám đông hiếu kì, họ vui cười, reo hò, vỗ tay, thi nhau giơ điện thoại chụp ảnh khi có “sao” xuất hiện. Thân quyến lúc “tang gia bối rối” không chỉ gặp thêm nhiều vấn đề khi tổ chức mà còn thêm đau lòng. Cảnh “kẻ cười người khóc” phơi bày đúng theo nghĩa đen. “Các tác giả” thì cập nhật thông tin đám tang chả khác gì một sự kiện showbiz, tức là nó được khai thác một cách triệt để đến từng chi tiết, kể cả chuyện bố vợ lau bàn thờ cũng thành... bài báo mạng...
Không chỉ văn hóa Việt, mà ở đâu cũng thế thôi, sau đám tang, khi nhắc về người đã chết, người ta đều phải kiêng dè chừng mực, để không động vào nỗi đau của người khác...
Remote
Thể thao & Văn hóa