Đời sống văn học thiếu nhi ở TP HCM
(Thethaovanhoa.vn) - Văn học cho thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Trên các chặng đường sáng tác của mình, nhiều nhà văn, nhà thơ đã cho ra đời các tác phẩm văn học mang giá trị thẩm mỹ và tính giáo dục cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức các tác phẩm văn học đích thực của độc giả nhỏ tuổi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, có nhiều loại hình nghệ thuật giải trí ra đời, để tiếp tục có những tác phẩm văn học hấp dẫn và để độc giả nhỏ tuổi quan tâm hơn đến các tác phẩm văn học là điều mà nhiều nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ quan tâm, trăn trở.
Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết với nội dung: Văn học cho lứa tuổi thiếu nhi - còn nhiều trăn trở
Trong gia tài chung của văn học cho tuổi thơ Việt Nam nói chung, mảng thơ văn đương đại ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng luôn đóng vai trò là một nhân tố quan trọng, tích cực, góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú của văn học cả nước. Bên cạnh đó, việc thực hiện xã hội hóa hoạt động xuất bản và phát hành các tác phẩm văn học nói chung, văn học thiếu nhi nói riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng khá sôi động và mang nhiều dấu ấn tích cực.
Phát triển phong trào sáng tác cho thiếu nhi
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và nhà văn Văn Thành Lê, Nhà xuất bản Kim Đồng, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh: Do chưa có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu “dài hơi”, chỉ tính chặng đường văn học thiếu nhi kể từ sau năm 1986 ở Thành phố mang tên Bác có thể phân thành ba đoạn: Từ năm 1986 đến 1995, từ 1995 đến 2005, từ năm 2005 đến nay. Mỗi phân đoạn đều có những vận động để kiếm tìm những phương thức mới nhằm thích ứng với muôn mặt cuộc sống thời kinh tế thị trường. Những thay đổi trong chủ trương, chính sách về văn hóa, xuất bản… của Đảng và Nhà nước thời gian qua cũng đã lưu dấu đậm nét ở trong nhiều phương diện của đời sống văn học cho tuổi thơ ở thành phố phương Nam này. Điều này phần nào thể hiện rõ nỗ lực đổi mới, phát triển của các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi trong bối cảnh mới.
Là trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất nước với trên 13 triệu dân, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tỉnh thành ngoại vi ở Đông và Tây Nam Bộ, nhu cầu về văn học nghệ thuật của người dân nói chung, trẻ em nói riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn và khá đa dạng, phong phú. Từ đầu thế kỉ XXI, cùng với sự quan tâm của toàn xã hội, các sản phẩm văn hóa tinh thần, trong đó có văn học cho thiếu nhi đã thu hút nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể. Trong những năm qua, Hội Nhà văn Thành phố, Nhà xuất bản Kim Đồng, Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ, Hội Nhà văn Đan Mạch, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh… đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình, cuộc thi như: "Vì tương lai đất nước", "Gõ cửa trái tim", "Lớn lên cùng sách",... nhằm thúc đẩy, phát triển phong trào sáng tác cho thiếu nhi. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã tích cực tham gia các hoạt động sáng tác này. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể kể đến lực lượng các cây viết hùng hậu, đa dạng về thể loại, đề tài và phong cách, được bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận như: Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Quốc Toàn, Lệ Bình, Cao Xuân Sơn, Lê Văn Nghĩa, Lê Minh Quốc, Lưu Thị Lương, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trương Nam Hương, Thu Trân, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Châu Giang, Võ Thu Hương, Văn Thành Lê…
Trong các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi thành phố và cả nước, nhiều tác phẩm đã đoạt được các giải cao. Có thể kể đến một số tác phẩm đã được độc giả nhỏ tuổi đón nhận và tạo hiệu ứng tốt trong dư luận như: Lá thư (tác giả Trần Quốc Toàn), Một thiên nằm mộng (Nguyễn Ngọc Thuần), Lá nhung và lá xanh (Phương Trinh), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Mật ngữ rừng xanh (Lê Hữu Nam), Hoàng tử Rơm (Nguyễn Thị Kim Hòa)…
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản và phát hành
Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật là một nhu cầu tất yếu và khách quan trong quy luật phát triển của đất nước, đồng thời đây cũng là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước được khẳng định và triển khai từ khi bắt đầu chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động sáng tác và xuất bản đưa sách đến với thiếu niên, nhi đồng không nằm ngoài quy luật này.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các nhà xuất bản: Kim Đồng, Trẻ, Phụ nữ, Tổng hợp, Văn hóa - Văn nghệ,… đến nay trên địa bàn thành phố đã có hơn 50 công ty sách tư nhân là đơn vị liên kết xuất bản, chiếm hơn 50% thị trường sách. Nhiều đơn vị có bề dày trong in ấn, phát hành các sản phẩm văn hóa đọc của thiếu nhi. Các đơn vị này đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện bổ ích hướng đến đối tượng độc giả trẻ năng động, hiện đại, đóng góp thiết thực cho hoạt động xuất bản và quảng bá sách. Đây cũng chính là những “bà đỡ”mát tay cho các sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ đã dành nhiều tâm huyết cho các tác phẩm văn học thiếu nhi. Với phương châm tích cực: “Làm sách cho thiếu nhi thì phải đặt nhiệm vụ giáo dục lên trên hết, chớ chạy theo lợi nhuận mà quên đi vấn đề giáo dục” (Nhà văn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam), những đơn vị này đã mang lại nhiều sinh khí mới cho văn học thiếu nhi đương đại ở đô thị lớn và sôi động nhất nước.
Định hướng nâng cao thẩm mĩ, văn hóa đọc sách của trẻ cũng được thể hiện rõ qua việc Nhà xuất bản Kim Đồng, Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có chiến lược lâu dài với quy mô lớn đầu tư cho sách văn học - mảng sách đang bị xem là khó phát hành trong thời điểm hiện nay. Các Tủ sách Vàng, Tủ sách Tác giả - Tác phẩm, Tủ sách Danh nhân thế giới, Tủ sách Danh nhân Việt Nam, Tủ sách Thơ với tuổi thơ, việc ra đời của Tủ sách Tập tô màu mẫu giáo, Tủ sách Tuổi hoa, Tủ sách Viết cho những điều bé nhỏ đã được thực hiện, góp phần làm phong phú thêm danh sách các chuyên mục sách cho tuổi thơ, khơi dậy tình yêu văn thơ, định hướng, nâng cao hứng thú, thị hiếu đọc sách văn học của thiếu nhi Thành phố hôm nay.
Các cuộc giới thiệu sách, quảng bá tác phẩm cho thiếu nhi được các nhà xuất bản (cả Nhà nước và tư nhân), các công ty sách đầu tư bài bản, hình thức thể hiện đa dạng, phong phú, lôi cuốn độc giả nhí và cả phụ huynh của trẻ. Các buổi ra mắt, giới thiệu sách với chủ đề, hình thức đa dạng đã thu hút nhiều bạn đọc nhỏ tuổi tham dự. Một số đơn vị liên tục tổ chức các Ngày hội Sách tại các trường học, như Phương Nam book, Fahasa, Kim Đồng… bước đầu đã tạo tiếng vang trong nỗ lực phi thường và đầy tinh thần trách nhiệm, đầy tính nhân văn là đưa sách đến gần hơn với trẻ em.
Thành công của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong nhiều năm qua là một minh chứng cho nỗ lực xã hội hóa văn học thiếu nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh sự đa dạng, mới mẻ, đề cập đến những vấn đề như tình bạn, xúc cảm giới tính của tuổi mới lớn, quan hệ giữa người lớn và trẻ em…, kết hợp giữa hiện thực với kì ảo, ngôn ngữ vừa hồn nhiên, thơ trẻ vừa triết lí hóm hỉnh kiểu trẻ con, dung lượng gọn nhẹ, hình thức trình bày bắt mắt…, các chiến lược quảng bá bài bản của đơn vị xuất bản và nhà văn đã góp phần mang lại thành công vượt trội cho hầu hết những truyện dài đều là sách bán chạy của tác giả Nguyễn Nhật Ánh như: Tôi là Bê Tô, Đảo mộng mơ, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngồi khóc trên cây...
Theo nhà văn Văn Thành Lê – Nhà xuất bản Kim Đồng, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh: Riêng Nhà xuất bản Kim Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2018 đã kết nối được với gần 20 đơn vị, tổ chức thiện nguyện và “mạnh thường quân”, góp phần đưa các tác phẩm văn học đến bạn đọc nhỏ tuổi như: Chương trình Sách hay cho học sinh tiểu học, Dự án Sách cho tương lai, Quỹ Chung tay vì cộng đồng, Dự án sách Chủ nhật yêu thương, Nhóm Hạt Mầm Xanh…
Bài 2: Nâng cao chất lượng sáng tác, đẩy mạnh văn hóa đọc
Thanh Trà/TTXVN