'Đợi Kiều' mà... không có Kiều
Lấy ý tưởng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng chọn cách khai thác không đi theo lối mòn đồng thời tôn trọng hình tượng gốc - đó chính là điều mà vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều làm được.
Bằng thủ pháp nghệ thuật mới lạ kết hợp với hiệu quả đến từ ngôn ngữ thi ca, tác phẩm này đã đưa khán giả trẻ đến gần với sân khấu cải lương.
Đợi Kiều là vở cải lương do tiến sĩ Đào Lê Na làm đạo diễn và viết kịch bản, tiến sĩ Lê Hồng Phước chuyển thể cải lương. Đây là dự án sân khấu độc lập được làm theo hướng thể nghiệm, vừa trình làng vào tối qua 28/9 tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM.
Lấy thi ca để truyền tải thông điệp
Suốt gần 2 tiếng, khán giả được xem một vở diễn lấy cảm hứng từ Kiều nhưng không hề có sự xuất hiện trực tiếp của Kiều. Gương mặt sắc sảo, mặn mà của cô được giấu sau lớp vải trắng mỏng. Mọi lẽ về Kiều chỉ được phác họa bằng những màn múa bóng, ngâm thơ xen kẽ tâm sự của những nhân vật nữ có liên quan như Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên.
Trong nguyên tác, Nguyễn Du không dành nhiều câu từ để nói về tâm tư, nỗi niềm của 4 nhân vật này, nhất là trong những tình huống liên quan đến cuộc đời Kiều. Đó là cuộc hôn nhân với Kim Trọng của Thúy Vân, là quyết định không đuổi cùng giết tận của Hoạn Thư khi Kiều trốn thoát khỏi Vô Tích hay khoảnh khắc Giác Duyên vô tình khiến Kiều rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh ở lầu xanh...
Chính góc nhìn mới lạ này đã mang đến cho khán giả một hướng tiếp cận đa chiều về Truyện Kiều từ cách hiểu của những người trẻ. Bằng chất liệu thi ca, vở cải lương thể nghiệm đã cho khán giả thấy được những góc khuất trong tâm hồn và số phận người phụ nữ “như những con rùa nơi xó bếp” (lời nhân vật Hoạn Thư) trong xã hội phong kiến, từ đó nêu bật thông điệp về nữ quyền.
Theo chia sẻ của tiến sĩ Lê Hồng Phước, anh thấy kịch bản gốc (trước khi chuyển soạn cải lương) của Đào Lê Na có đặt để những câu Kiều của Nguyễn Du rất đúng chỗ và mượt mà. Nhận thấy những câu thơ này nên được giữ nguyên để diễn viên ngâm trực tiếp trên sân khấu sẽ hiệu quả hơn việc chuyển sang cải lương, đạo diễn đã cố gắng giữ lại phần thơ. Chính điều này đã giúp những giá trị truyền thống của Truyện Kiều được giữ vững trên những yếu tố sáng tạo khác của một vở cải lương thể nghiệm.
Những thủ pháp mới lạ
Vở cải lương có tất cả 8 cảnh, 4 cảnh ca diễn của 4 nhân vật Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên tượng trưng cho Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa lần lượt được đánh đèn xanh lá, đỏ, vàng và xanh dương, nhằm tạo nên sự thống nhất trong tâm lí nhân vật cũng như ý tưởng biến 4 mùa thành các giai đoạn trưởng thành của con người: Lúc trẻ - lúc có gia đình - lúc chứng kiến bao thăng trầm - lúc mất.
Bốn đoạn còn lại sử dụng hình thức nghệ thuật múa bóng kết hợp ngâm thơ, như lời tự sự đầy đau khổ của Thúy Kiều được đặt giữa để liên kết các cảnh của nhân vật khác. Điều này tạo nên sự cân đối cho cấu trúc toàn vở cũng như tạo sự thay đổi để người xem không nhàmchán.
Bên cạnh những nét múa đương đại, sự mới mẻ của Đợi Kiều còn được thể hiện qua sự xuất hiện của hàng loạt nhạc cụ phương Tây như cello, violin, guitar điện... trong một vở diễn cải lương. Ở các đoạn múa bóng, phần nhạc cụ phương Tây sẽ làm nền, lần lượt các nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn kìm, đàn tranh và sáo trúc được chơi “nổi” lên và cho thấy ý đồ quảng bá, vinh danh vẻ đẹp của các nhạc cụ âm nhạc Việt Nam từ nhóm tác giả.
Theo tiến sĩ Đào Lê Na, do là vở cải lương thể nghiệm nên những điểm đổi mới chỉ chiếm 1/4 thời lượng tác phẩm, phần chính vẫn là cải lương. Vậy nên, vở diễn có sự xuất hiện của những nghệ sĩ quen thuộc với sân khấu cải lương như NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Toàn Thắng...
Về phần chuyển thể cải lương, tiến sĩ Lê Hồng Phước chăm chút thêm vọng cổ vào trong từng cảnh và đã đưa được 20 bài bản tổ của đờn ca tài tử vào vở diễn. Việc làm này có ý nghĩa để người trẻ dễ nghe và biết đến, vừa tránh tình trạng thất truyền những bài bản hay trong âm nhạc dân tộc.
- Sức sống trường tồn của 'Truyện Kiều' trong đời sống đương đại
- Đắm chìm trong không gian Truyện Kiều và 'nỗi nhớ Tố Như'
- Minh họa 'Truyện Kiều' và kịch tương tác
Khi người trẻ hướng về người trẻ
Đợi Kiều chính là sân khấu lớn đầu tiên mà diễn viên trẻ Hồng Bảo Ngọc (quán quân Bông lúa vàng 2019) thử sức. Một mình độc diễn với 4 nhân vật trên sân khấu dường như là một dịp thử sức quá lớn dành cho cô gái 19 tuổi này. Thế nhưng, phần thể hiện của cô tại vở diễn đã nhận về nhiều phản hồi tích cực.
Không chỉ có diễn viên, mà đa phần ê-kíp của Đợi Kiều đều là những người trẻ đang độ tuổi đôi mươi. Nhìn thấy sân khấu kín khán giả, tiến sĩ Đào Lê Na xúc động chia sẻ: "Điều may mắn nhất của tôi là tìm được những người trẻ vô cùng giỏi, đồng thời được những anh chị nghệ sĩ đi trước hết lòng ủng hộ”.
Sau gần 2 năm ấp ủ và thực hiện, Đợi Kiều đã gặt hái được những thành quả nhất định. Ở đó, không chỉ góp phần khẳng định những giá trị sẵn có của Truyện Kiều, vở cải lương này còn cho thấy sự tự tin và nhiệt huyết của những người trẻ trong việc tiếp nối và gìn giữ văn hóa dân tộc.
"Nhiều khán giả nói với tôi rằng sau khi xem Đợi Kiều, họ thấy cải lương thật sang trọng và đẹp đẽ... Có lẽ, giống như anh Lê Hồng Phước từng nói, khi người trẻ làm nghệ thuật cho người trẻ thì chúng ta dễ chạm đến trái tim của nhau hơn" - (tác giả, đạo diễn Đào Lê Na). |
Thái Thái