'Đôi dòng sữa mẹ' thời hiện đại
(Thethaovanhoa.vn) - Vở cải lương thời “hậu chiến” những năm 80 của thế kỷ trước đã làm nức nở những hàng vạn, hàng triệu người dân quê, chí ít là ở các tỉnh miền Bắc, cho dù lúc đó, đa số họ đẻ con trong các trạm xá ở xã, nguy cơ bị nhầm con là gần như là không thể, kể cả có muốn.
- Sở Y tế Hà Nội đôn đốc tìm manh mối vụ nhầm con tại nhà hộ sinh
- Chuyện hy hữu: Nhận bồi thường hơn 2 triệu USD vì bị trao nhầm con
Bởi đứa trẻ do cô dứt ruột đẻ ra đã bị nữ y tá Trà My tráo đổi cho Lệ Tuyết, vốn là vợ của một viên trung tá Sài Gòn, nhưng lại cặp bồ và có thai “ngoài ý muốn” với một anh Mỹ “đen”. Bi kịch bắt đầu từ đó…
Tác giả của vở cải lương này thường được cho là Lưu Quang Vũ, nhưng thực ra là của Nguyễn Đỗ Lưu. Nguyễn Đỗ Lưu không phải là một người mà là tên ghép của một bộ ba gồm Nguyễn Ngọc Phương, Đỗ Doãn Châu và Lưu Quang Vũ. Chuyện cũng kể rằng, Lưu Quang Vũ đã đọc một bài báo nói về một đứa con lai lang thang trên hè phố và từ đó manh nha ý tưởng về Đôi dòng sữa mẹ.
Điều cũng có nghĩa rằng, chuyện “đổi con” nêu trên chắc cũng là … chuyện bịa thôi, chứ không phải chuyện phổ biến trong xã hội đến mức phải đưa vào kịch. Nó là thủ pháp để thể hiện bi kịch xã hội, tình mẹ, lòng vị tha, sự hòa hợp giữa người với người...
Chỉ có điều, tình tiết đó đã để lại sự hoài nghi ngoài ý muốn tác giả, hẳn thế.
Hai chuyện nhầm lẫn con liên tiếp được khui ra vừa qua khiến cả xã hội sững sờ. Tất nhiên, không ai nghĩ tới bất kỳ một âm mưu tráo đổi nào như trong Đôi dòng sữa mẹ.
Nhưng sự nhầm lẫn dường như là có thực. Nó đã xảy ra ở một khâu nào đó trong vô vàn những công đoạn đỡ đẻ vô cùng rắc rối ở các bệnh viện, nhà hộ sinh mà các ông bố, bà mẹ không có cách nào để có thể giữ rịt lấy đứa trẻ của mình từ lúc nó ra khỏi lòng mẹ đến lúc cho nó xuất viện, về nhà. Vẫn có những “khoảng mờ” khiến họ lo lắng, hoài nghi. Ấy là khi những thiên thần của họ được y tá xếp lên xe đẩy đưa đi tắm.
Sau này chúng có thể là nông dân, bác sỹ, kỹ sư, có thể là thiên tài hoặc hư đốn, nhưng lúc đó, tất cả chúng đều giống nhau đến kỳ lạ: đều đỏ hỏn, tròn vo như những củ khoai tây và oe oe khóc...
Khi chiếc xe đẩy đó đi khuất khỏi tầm mắt, các ông bố, bà mẹ bồn chồn như ngồi trên đống lửa, cho đến khi họ vồ vập nhận lại con mình, vạch số, vạch vòng ra so, đồng thời kiểm chứng lại các đặc điểm để củng cố lại niềm tin đã được bệnh viện xác tín từ trước: tuyệt đối không thể có sự nhầm lẫn.
Nhưng mà cuối cùng vẫn có thể có sự nhầm lẫn.
Mà không chỉ ở Việt Nam mới nhầm. Năm 2015, hai gia đình tại thị trấn Grasse thuộc thành phố Cannes, miền Nam nước Pháp, đã được bồi thường lên tới hơn 2 triệu USD vì bệnh viện trao nhầm con của họ 20 năm trước.
Hàng loạt các chia sẻ kinh nghiệm “chống nhầm con tại bệnh viện” trong những ngay qua cho thấy, đó là một vấn đề tâm lý xã hội không thể bỏ qua.
Tôi thì tin rằng, chính bố mẹ tôi cũng bị ảnh hưởng của Đôi dòng sữa mẹ, cho nên khi các cháu nội ngoại ra đời, bao giờ các cụ cũng lặn lội túc trực tại bệnh viện, không chỉ để xem mặt các cháu ngay sau khi chúng vừa lọt lòng, mà còn để… bôi một ít mực tàu vào chân chúng. Thứ mực mà mấy ngày sau không thể tẩy sạch, đến mức y tá tắm cho nó cứ tưởng nó có một cái bớt ở chân.
Đã đến lúc ngành y tế cần có một quy trình “đánh dấu” trẻ sơ sinh chặt chẽ hơn nữa, chặt đến mức bất kỳ ai, không chỉ vô tình, mà kể cả cố ý cũng không thể tráo đổi được đứa trẻ, để chí ít cũng giải tỏa một vấn đề tâm lý xã hội không hề nhỏ trong các ông bố, bà mẹ.
Đôi dòng sữa mẹ có cái kết thúc rất hậu. Dù biết đứa trẻ da đen không phải con mình, nhưng bà mẹ Thanh Loan vẫn vượt qua mọi đàm tiếu để nuôi nấng đứa trẻ. Cuối cùng cô đã tìm được con đẻ của mình và che chở cho cả hai đứa trong “đôi dòng sữa mẹ” bao la.
Hy vọng rằng tất cả những chuyện nhầm con cũng sẽ kết thúc có hậu như thế.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần