Đòi ảnh chân dung, nhà mạng phải cam kết bảo mật thông tin thuê bao
(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày nay, nhiều thuê bao di động nhận được tin nhắn từ nhà mạng yêu cầu bổ sung thông tin, ảnh chụp chân dung theo Nghị định 49 của Chính phủ.
- Thuê bao di động trả trước sẽ chỉ được khuyến mại tối đa 20% từ ngày 1/3
- Năm 2018 sẽ chuyển đổi gọn thuê bao di động 11 số sang 10 số
Ngay sau khi nhà mạng nhắn tin, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus nhận được rất nhiều câu hỏi từ độc giả về việc nhà mạng hỗ trợ thế nào về việc này cũng như việc bảo mật thông tin của họ…
Nhiều cách khai báo thông tin
Thực tế cho thấy, việc ban hành và áp dụng quy định trong Nghị định 49 được xem là cần thiết trong bối cảnh “thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai” (số liệu của Cục Viễn thông tới đầu năm 2016).
Để chuẩn bị cho việc này, nhà mạng đã lần lượt nhắn tin giục khách hàng của mình bổ sung thông tin, ảnh chụp chân dung trước ngày 24/4.
Theo đại diện Viettel, thuê bao của nhà mạng có thể ra các điểm giao dịch của Viettel để bổ sung thông tin. Nhà mạng này hiện có gần 2.000 cửa hàng, siêu thị, đại lý ủy quyền có thể phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, với các khách hàng tuổi cao, gặp khó khăn trong đi lại, phía Viettel sẽ hỗ trợ cập nhật thông tin tại nhà khi có yêu cầu qua tổng đài; hỗ trợ chuẩn hóa thông qua các gian hàng bán hàng lưu động.
Nhà mạng này cũng hỗ trợ bổ sung thông tin qua ứng dụng My Viettel (áp dụng cho thuê bao di động trả trước Viettel đấu mới, chuyển đổi, đăng ký thông tin, chuyển chủ quyền, chuyển đổi từ trả sau sang trả trước trước ngày 24/7/2017).
Trong khi đó, phía MobiFone cho biết thuê bao có thể đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do MobiFone ủy quyền (khoảng 14.500 điểm) để thực hiện cập nhật thông tin.
“Trên website chính thức của MobiFone có một số giao dịch điện tử. Tại đó, khách hàng có thể đăng ký bổ sung, thay đổi các thông tin cần thiết (thuê bao chuyển trả sau sang trả trước, thuê bao chuyển trả sau sang trả trước, thay đổi chứng minh nhân dân/thẻ căn cước, thay đổi chủ quyền…) để khách hàng có thể khai báo, thay đổi bổ sung các thông tin của mình trực tuyến,” đại diện MobiFone nói.
Cùng lúc, đối với các khách hàng là người già, người khuyết tật… nếu có yêu cầu sẽ được MobiFone hỗ trợ cập nhật tại địa chỉ đăng ký.
Đại diện VinaPhone cho hay, nhà mạng mở tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21 giờ hàng ngày, mở thêm nhánh 3 của tổng đài 18001091 để tiếp nhận và giải đáp và tư vấn hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao.
Ngoài ra, VinaPhone bổ sung thêm các kênh hỗ trợ khác như thành lập các tổ lưu động tại khu vực có đông khách hàng cần bổ sung thông tin để chụp ảnh, cập nhật thông tin trực tiếp lên hệ thống. Tiếp nhận thông tin qua ứng dụng My VinaPhone, các điểm giao dịch của VietnamPost…
Nhà mạng cam kết bảo mật
Trước việc người dùng lo ngại về thông tin có thể bị lợi dụng khi cung cấp cho nhà mạng, phía MobiFone khẳng định ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone và chỉ được sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của Pháp luật.
“Chúng tôi bảo đảm đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành”, phía MobiFone cho biết.
Đai diện của Viettel thì cho hay, biệc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng và trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
Do đó, Viettel “luôn ý thức được trách nhiệm này và triển khai các biện pháp để đảm bảo điều đó trong các quy chế hoạt động và quy trình quản lý thông tin thuê bao của mình.”
Nhà mạng VinaPhone cũng VinaPhone khẳng định đảm bảo thông tin thuê bao được đăng ký, lưu giữ thống nhất, tập trung, tin cậy và sử dụng đúng mục đích và đảm bảo bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, việc ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, việc thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hoặc ảnh chụp là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật, bởi ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể làm giả, có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác mà vô cùng khó để kiểm soát. Thực tế, có những cái sai trong việc khai thông tin thuê bao như tên, tuổi, ngày sinh, số chứng minh thư nhân dân, bản chụp chứng minh thư giả. Thậm chí, có nhiều chứng minh thư nhân dân của người này được gán cho số điện thoại của người khác… |
Theo Trung Hiền - Minh Châu (Vietnam+)