Độc đáo Lễ rước cá khai hội đền Trần - Thái Bình 2017
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 9/2 (tức 13 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội đền Trần- Thái Bình năm 2017.
- Đền trần Thái Bình: Đã "xóa sổ" những bia đá phản cảm
- Khai hội Đền Trần Thái Bình và đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt
Lễ hội đền Trần - Thái Bình diễn ra hằng năm nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong tiến trình lịch sử Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng kiên cường cho cán bộ và nhân dân.
Nghi thức đưa nước thiêng từ bến sông Nhật Tảo lên kiệu để rước về đền Vua làm lễ tế, mở cửa Đền. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà nhấn mạnh: Theo sử sách, vùng đất Long Hưng-Ngự Thiện xưa, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là đất phát tích và dựng nghiệp của nhà Trần ở đầu thế kỷ thứ 13. Đây là vương triều cường thịnh, với hào khí Đông A lẫy lừng, võ công oanh liệt vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Cả ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, vùng đất Long Hưng đều được nhà Trần tin cẩn chọn làm căn cứ xây dựng hành cung Lỗ Giang và cung điện của triều đình, trở thành hậu phương vững chắc, tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo và là nơi tổ chức các đại lễ bái yết tổ tiên, mừng công chiến thắng. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa, các vua đầu triều Trần: Thái Tông, Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông…
Linh thủy (nước thiêng) được múc trong vòng tròn đỏ đồng tâm từ sông Hồng lên bỏ vào chum sành để rước về đền Vua làm lễ tế, mở cửa đền. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN
Sau phần khai mạc Lễ hội đền Trần-Thái Bình đã diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc gồm: biểu diễn trống hội Long Hưng, múa rồng, lân, diễn vở chèo “Đời luận anh hùng” làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp, vai trò của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ trong tiến trình lịch sử.
Nghi thức lấy nước thiêng trên sông Hồng, đoạn thuộc ngã ba tam tỉnh để lấy nước thiêng về đền Vua làm lễ tế, mở cửa đền. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN
* Trước đó, chiều 9/2, tại di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra Lễ rước nước (rước thủy và rước bộ).
Đây là một nghi thức độc đáo, đặc sắc, lấy nước thiêng trên sông Hồng, đoạn ngã ba Tam tỉnh, giáp gianh giữa 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình để về tế đền Vua, mở đầu chuỗi các hoạt động Lễ hội.
Lễ rước nước trên sông Hồng đã thể hiện đậm nét phương thức sống của cư dân vùng sông nước. Nghi thức này mang ý nghĩa là hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa và tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn bó với sông nước.
Cỗ cá trong lễ rước nước (rước thủy và rước bộ) rước linh thủy (nước thiêng) trên sông Hồng về đền Trần làm lễ tế. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN
Nghi thức rước nước được tiến hành với hành trình rước bộ (rước chân nhang từ đền Trần ra bến sông Nhật Tảo) và rước thủy (rước lấy nước trên sông bằng thuyền rồng) với hành trình gần 20km.
Lễ rước nước năm nay thu hút hàng nghìn du khách thập phương, nhân dân trong tỉnh về dự.
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2017 sẽ kết thúc vào ngày 18 tháng Giêng (tức đến ngày 14/2 dương lịch).
Đền Trần- Thái Bình nằm trên địa bàn xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 2014, Lễ hội đền Trần - Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Thu Hoài - Xuân Tiến