Đọc 'Chuyện trà', nghe tiếng vọng của cha ông từ ngàn năm
(Thethaovanhoa.vn) - Dụng công khảo cứu sử liệu, kết hợp hài hòa cả với những suy nghiệm chuyện xưa, chuyện nay cùng những thế thái nhân tình về trà, Trần Quang Đức cho ra đời Chuyện trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt (NXB Thế giới - Nhã Nam vừa ấn hành).
Mang lõi khoa học, song Chuyện trà lại như tỉ tê, tâm tình cùng bạn đọc đủ thứ chuyện về trà, từ lịch sử, văn hóa, đến tinh thần của trà và thú thưởng trà.
1. Giữa năm 2013, Trần Quang Đức cho ra mắt cuốn sách Ngàn năm áo mũ (NXB Thế giới - Nhã Nam) khảo về lịch sử trang phục Việt ngay lập tức gây tiếng vang. Sau gần 10 năm, Chuyện trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt vẫn nghiêm cẩn, công phu, sắc sảo như Ngàn năm áo mũ, nhưng Trần Quang Đức đã thêm vào vẻ phóng khoáng, tươi mới từ những chuyến đi và trải nghiệm riêng về trà.
Tác giả Trần Quang Đức cho hay, trong Ngàn năm áo mũ anh có xu hướng đặt nặng vấn đề phân biệt giữa đúng và sai, đôi khi câu nệ vào học thuật với lối viết cổ phong bác học. Trong khi Chuyện trà tuy vẫn là khảo cứu nhưng đậm dấu ấn và trải nghiệm cá nhân, cách viết cũng tỉ tê, tâm tình, giàu chất văn chương. Nói cách khác Chuyện trà vẫn mang lõi khảo cứu nhưng được xử lý với văn phong mềm mại.
Đọc Chuyện trà như thể cùng tác giả thưởng trà, đàm đạo về lịch sử một thức lâu đời của người Việt. Bước vào thế giới của Chuyện trà, như được nghe thấy tiếng của cha ông vọng từ ngàn năm qua hàng ngàn câu chuyện về trà. Tác giả dẫn dắt người đọc vào cuộc khám phá từ Trà nguồn cội - giống cây, tên gọi, thú vui uống trà. Lần lượt qua Trà mộc mạc, Trà hương sắc - từ lối uống cổ truyền dân dã đến những hình thái tinh xảo của trà. Chậm rãi bước đến Trà thưởng thức - về cách pha hãm, dụng cụ trà. Và kết lại ở Trà tinh thần - những kết nối quanh chén trà.
Dẫu mang đến những góc nhìn xác đáng, lớp lang về lịch sử trà Việt trong sự đối sánh với văn hóa trà của nhiều nước Á Đông như Trung Hoa, Nhật Bản v.v… Song viết Chuyện trà, tác giả Trần Quang Đức lại không đặt mình ở góc độ một chuyên gia khảo cứu về trà. Thay vào đó, anh đặt mình ở góc nhìn của một người đọc sử liệu, đam mê một thú vui tinh thần trong quá khứ để kể những câu chuyện về trà ở đa góc độ từ lịch sử, văn hóa đến những giá trị tinh thần của trà.
Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Sử, Chuyện trà thể hiện đa thân phận trong một cuốn sách. Đọc những chương đầu sẽ thấy tác giả là một người khảo cứu. Sang đến những chương tiếp theo lại thấy câu chuyện của một người yêu trà, đang muốn thưởng thức một thú vui về trà. Đến cuối cùng lại là những câu chuyện không hoàn toàn về trà. Nói đúng hơn, tác giả là người có mối quan tâm đến trà, coi trà như phương tiện để nhìn nhận nhiều vấn đề khác nhau.
2. Khảo sử về trà, theo tác giả Trần Quang Đức, tư liệu sớm nhất về trà ở Việt Nam phải kể đến những bài thơ của các vị thiền sư trong Thiền uyển tập anh như của thiền sư Viên Chiếu thời Lý. Hay thơ về trà của Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông, thiền sư Huyền Quang thời Trần.
Cũng theo ông Đức, ngoài những áng thơ văn về trà xuất hiện từ thế kỷ 9, 10, sử liệu Việt Nam không có trước tác nào riêng về trà. Mãi đến cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, mới có Phạm Đình Hổ khảo về cách uống chè trong Vũ trung tùy bút. Đây có thể coi là trường hợp trước tác huy hữu về trà trong sử liệu Việt. Bước vào thời kỳ Pháp thuộc, những câu hỏi về phong tục, tập quán của người Việt được dấy lên, từ đó mới bắt đầu lác đác xuất hiện sách về trà.
Trong những năm gần đây, viết về trà cũng xuất hiện đa dạng đầu sách, có cuốn của người trồng trà, có cuốn của người làm trà và cũng có cuốn của người yêu trà. Song khách quan mà nói, hiếm thấy một đầu sách đề cập được chiều sâu về lịch sử, bề dày về văn hóa của trà Việt. Nhưng với Chuyện trà thì khác.
“Cuốn sách mang lại cho trà một câu chuyện có bề dày lịch sử và những câu chuyện tinh thần xung quanh trà gắn với đời sống tinh thần của văn nhân nhã sĩ một thời trong mạch chảy dài lịch sử. Và những câu chuyện về trà được viết lên bởi những đời sống tinh thần như vậy” - tác giả Trần Quang Đức cho hay.
3. Trong Chuyện trà, Trần Quang Đức đặt trà Việt đồng hiện với văn hóa trà của các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản. Bằng góc tiếp cận đoạn đại, tác giả cho thấy được sự giao lưu văn hóa trà giữa các quốc gia trong sự ảnh hưởng chung. Dẫu vậy mỗi văn hóa trà lại có những nét đặc sắc riêng.
Cụ thể, tác giả Chuyện trà cho rằng giữa trà Tàu và trà Việt rất khó để tách bạch, thậm chí với cả trà Nhật cũng khó tách bạch. Văn hóa trà có những điểm chung nhất định. Ví dụ trong văn hóa trà Nhật Bản dùng chổi để đánh matcha (bột nghiền mịn từ lá trà xanh) hiện vẫn đang được lưu giữ. Người Việt khoảng từ thế kỷ 12, 13, nhất là ở trong cung đình cũng có thú vui uống trà dùng chổi đánh matcha như người Nhật. Lối uống này về sau bị khuất lấp dần, thay vào đó người Việt dùng ấm, chén để thưởng trà từ thế kỷ 15 trở về sau.
Hay, người Việt có thói quen uống trà tươi được bảo lưu và phổ biến đến tận ngày nay. Tưởng rằng đây là lối uống đặc sắc chỉ có ở Việt Nam. Nhưng trên thực tế ở cả Trung Quốc và Nhật Bản uống trà tươi từng là lối uống sơ khai nhất từ rất xa xưa.
Ở khía cạnh đặc sắc, “văn hóa trà Việt về mặt lịch sử được phân làm 2: Trà bình dân (trong dân gian) và trà trong giới trí thức, quý tộc. Trong dân gian, tuyệt đại đa số cả mấy ngàn năm người Việt uống trà tươi, trà xanh. Đây là một trong những lối uống đặc sắc về mặt giá trị văn hóa trong dân gian được nối truyền qua nhiều đời kéo dài đến tận ngày nay. Một thức uống tồn tại ít nhất 2.000 năm về mặt sử liệu” - tác giả Trần Quang Đức nói.
Ngoài ra, trong dân gian lối uống trà của người Việt trong khẩu vị đại chúng thường thích đậm, đặc. Khẩu vị này cũng ảnh hưởng đến tận hiện nay, đặc biệt là ở thế hệ 6X, 7X trở về trước. Đây có thể coi là một trong những vị đặc trưng của văn hóa trà Việt.
Cũng theo ông Đức, bên cạnh đại chúng còn có một lối uống xưa vẫn hay gọi là uống trà Tàu, ảnh hưởng của lối uống trà từ Trung Hoa. Lối uống này kiểu cách hơn, đài các hơn, nhiều quy trình hơn, từ chọn nước đến dụng cụ pha trà. Hầu hết văn nhân, quý tộc sẽ thưởng thức trà theo lối chơi tinh thần này.
Tuy nhiên do người Việt có căn tính thích thoải mái, phóng khoáng nên thưởng trà dẫu có cầu kỳ nhưng không quá câu nệ, lề lối, thay vào đó là sự dung dị, coi trọng tinh thần thưởng trà. Ví như thưởng trà theo lối “thiền trà nhất vị” đã có từ đời Trần, Lê, Nguyễn… Đó là thú thưởng trà chú tâm thường trực để thưởng thức trà một cách trọn vẹn, với hình thức biểu hiện ra ngoài không nhiêu khê, kiểu cách như trà Nhật. Tất cả hội tụ thành một nét văn hóa tinh tế, có chiều sâu, bề dày cũng là một nét đặc sắc của trà Việt.
Ngày nay, người Việt còn có trà đá, cũng có thể coi là một nét đặc sắc. Trà đá là một thú uống bình dân, phổ thông, bình dị. Qua cốc trà đá để thấy, không có nơi đâu như Việt Nam, ở khắp mọi nơi trà nước luôn sẵn. Và cũng chỉ ở xứ nóng như Việt Nam mới có trà đá, ngoài Việt Nam cũng khó tìm ở nơi khác kiểu uống trà với đá.
Hơn thế, “đối với người Việt không có gì gần gũi như trà. Một thức uống phổ thông chỉ sau nước lọc, hay nước vối. Trà gắn liền với cuộc sống của người Việt. Trà dùng làm thuốc, thậm chí cả khi nhắm mắt xuôi tay thì trà cũng theo ta xuống 3 tấc đất. Trà còn được dùng để đặt tên một bộ phận trên cơ thể người - xương bánh chè (chè ngày xưa đóng thành bánh dạng tròn). Tất cả cho thấy trà gần gũi trong đời sống, văn hóa của người Việt ra sao! Trà ở khắp mọi nơi, từ dinh thự công quyền cho đến hang cùng ngõ hẻm, từ bình dân đại chúng cho đến văn sĩ quý tộc. Bởi Việt Nam cũng là một trong những cái nôi của cây trà” - tác giả Trần Quang Đứcchia sẻ.
Sau cùng, Chuyện trà hệt như một như một chén trà ngọt dịu, chát nhẹ, thanh mát và thật tròn vị. Và từ chén trà có đủ cung vị đó, sẽ nảy nở ra ngàn vạn những câu chuyện khác nhau về trà, bởi “Chuyện trà cũng đâu chỉ có chuyện trà thôi đâu!” - nhà nghiên cứu Nguyễn Sử.
Đôi nét về tác giả Trần Quang Đức Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Năm 2013, Ngàn năm áo mũ - công trình đầu tiên của anh được xuất bản, bổ sung những nét phác họa chi tiết hơn vào khoảng trống mờ nhạt mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam, đồng thời thổi một luồng gió mới, góp phần thúc đẩy phong trào cổ phục cũng như cổ phong trên cả nước. Từ đó đến nay, anh vẫn luôn giảng dạy Hán Nôm và tư tưởng phương Đông, truyền đam mê lịch sử và văn hóa truyền thống cho người học nhiều lứa tuổi. Trần Quang Đức đồng thời là dịch giả của các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012). |
Công Bắc