Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Rio 2016: Trong niềm vui vẫn còn tiếng thở dài …
(Thethaovanhoa.vn) - Mong muốn của các VĐV và định hướng cho ngành thể thao hướng tới Olympic Nhật Bản 2020 là nội dung chính trong buổi lễ gặp mặt, tổng kết Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Rio 2016 tối 24/8.
Các VĐV mong chế độ đãi ngộ tốt hơn
Được sự động viên của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, các VĐV đã bày tỏ niềm mong mỏi, tâm sự của mình sau Olympic.
Đa số các ý kiến mong muốn những chế độ đãi ngộ tốt hơn cho VĐV. Trong đó, được tạo điều kiện thi đấu, tập huấn nước ngoài với các đối thủ mạnh; được tăng tiền chấm công; được phục vụ dinh dưỡng tốt hơn là ba mối quan tâm hàng đầu của các VĐV. Đây là mong mỏi chung được Vũ Thị Trang (cầu lông), HLV Nguyễn Thị Nhung (bắn súng), VĐV Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) chia sẻ.
HLV Nguyễn Thanh Thúy cũng thay mặt đoàn chia sẻ về những thiếu thốn cơ sở vật chất mà các VĐV đang trải qua. Trong trường hợp của môn TDDC, sự thiếu thốn trang bị ở cấp địa phương khiến đội tuyển thường xuyên phải tập trung ở Trung tâm Nhổn, phải sống xa quê, xa gia đình. Đó cũng là tình trạng chung của một số đội tuyển như bắn súng, cử tạ...
Cũng trong buổi lễ, HLV Huỳnh Hữu Chí của đội tuyển cử tạ đã mạnh dạn gửi lời xin lỗi tới Bộ trưởng và đoàn thể thao Việt Nam. Ông Chí khẳng định việc cử tạ thi đấu thất bại ở Olympic có lỗi lớn trong việc nhận định phong độ và đánh giá điểm rơi của đội tuyển.
Phần lớn ý kiến trong đoàn là các nhận xét tích cực. Ngoài ý kiến của ông Chí, chuyên gia người Nga của đội Rowing cũng cam kết sẽ nâng số VĐV Rowing của Việt Nam từ 2 người ở Rio 2016 lên thành 3 người ở Nhật Bản 2020.
“Nghi án” thành phần nhân sự ở Olympic
Bên lề buổi lễ, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cũng đã có những chia sẻ về chuyện "quan chức ngành thể thao đi Olympic". Trước đó, Báo Thể thao & Văn hóa cũng nhiều cơ quan báo chí khác đã tiết lộ chuyện Giám đốc Trung tâm HLTTQG Ngổn Nguyễn Mạnh Hùng và một số quan chức khác "đi Olympic chỉ để góp vui".
Trao đổi về vấn đề này, ông Phấn nói: "Ở đoàn thể thao, tất cả đều ưu tiên cho VĐV, HLV. Bất kỳ ai ở đoàn có ý khác là không được với tôi. Như Vũ Thị Trang, Nguyễn Tiến Minh, Văn Ngọc Tú thi đấu không có HLV là hạn chế của chúng ta. Qua việc vừa rồi báo chí nêu, chúng tôi sẽ hết sức rút kinh nghiệm việc này. Về nguyên tắc, VĐV phải có HLV. Không thể có chuyện khác.
Nhưng lần này, Olympic có đặc thù riêng. Olympic 2012 khác năm nay. BTC vì vấn đề an ninh nên không cho bất kỳ ai ngoài 50 người đó được vào làng trừ những vị khách như Bộ trưởng - được vào đặc cách. Ngay như trường hợp chị Liên (HLV Dương Thị Liên của cầu lông), chị ấy nói trên báo đề nghị đi tự túc để phục vụ Minh và Trang. Tôi xin khẳng định chị Liên sẽ không thể đi được. Vì sao? Vì BTC không cho thẻ thì làm sao xuống sân được. Không được vào làng thì làm sao hỗ trợ VĐV được.
Không có thẻ, chị Liên hay bất kỳ HLV nào làm sao có thể vào được. Olympic Rio 2016 rất nghiêm ngặt, an ninh cũng phức tạp nên nhiều vấn đề rất khó giải quyết".
Ông Phấn cũng từ chối trao đổi thêm về vấn đề của ông Hùng và một số vấn đề khác. Những định hướng dài hạn của thể thao Việt Nam hướng tới Nhật Bản 2020 đã được quyết định về cơ bản và sớm được công bố trong thời gian tới.
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa