'Đoàn binh Tây Tiến': Cuộc hành quân vào mãi mãi
(Thethaovanhoa.vn) - Tác phẩm Đoàn binh Tây Tiến (NXB Kim Đồng, 2019) là di cảo văn xuôi của nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) được viết từ 1952. Cuốn sách đã giành 1 trong 3 giải A của Giải sách Quốc gia 2020, tạo niềm cảm hứng lớn cho việc khám phá lại di sản văn chương của ông. Bởi lẽ không chỉ cống hiến cho thơ ca Việt Nam bài thơ Tây Tiến bất hủ, nhà thơ Quang Dũng đã âm thầm sống và viết trong những năm tháng gian khổ để lại cuốn hồi ký Đoàn binh Tây Tiến với một niềm tin vững chắc rằng cuốn sách sẽ được đến tay bạn đọc.
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, đã từng là Đại đội trưởng ở Tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông là một người đa tài: Làm thơ, vẽ tranh và viết văn xuôi.Thơ, tranh và văn của ông đều “không thể trộn lẫn với bất cứ ai khác” (Trích theo Lời nói đầu của Nhà xuất bản Kim Đồng). Đoàn binh Tây Tiến là một cuốn sáchđộc đáo vớigiọng văn chân tình, cốt truyện linh hoạt, tác phẩm đã toát lên một cảm hứngbi hùng sâu sắc.
Mùa Đông 1946, tạm biệt bình yên
Đối với lớp người sinh sau năm 1954 sẽ thật khó hình dung ra nổi cảnh những người dân lành đã lên đường kháng chiến như thế nào? Mở trang sách Đoàn binh Tây Tiến, ta sẽ được trở về mùa Đông năm 1946 ở “Xứ Đoài mây trắng lắm” (thơ Quang Dũng). Người đọc gặp câu chuyện của anh lính đi mua một buồng cau sửa soạn đi hỏi vợ. Thế rồi được lệnh chuẩn bị lên đường Tây Tiến, đồng đội vây lại “vò đầu” anh. Có bạn còn đùa “Hay cậu để lại cho tớbuồng cau”. Thật là cười ra nước mắt mà vẫn như không! Đấy là tâm trạng của Bao chiến sĩ anh hùng (bài hát của nhạc sĩ Văn Cao) sẵn sàng tạm hoãn việc cưới vợ để dấn thân vào cuộc trường chinh.
Những người chiến sĩ ấy lại nhìn đồng bào trong nỗi niềm thương cảm: “Hà Nội đã chia ra các ngả đường. Chăn hoa, áo mầu lấm láp. Ở những quán nước, những cô tóc bồng đang ngồi bóp chân, nắn vai. Chốc chốc, một cụ già lại mở phích nước chè hạt khói thơm bốc nghi ngút, rót vào cái nắp sắt tây, uống chậm rãi, mắt nhìn về Hà Nội”(*).
Và, đây cảnh chạy giặc: “Những khung cửi tháo ra, xếp vào gánh; chó dắt theo, mèo, gà, lợn con, nồi, rương…tất cả lang thang trên đường chạy giặc. Những đám cháy ở phía xa khói không lúc nào hết cuộn. Lẫn vào dòng người thôn quê gánh gồng, thỉnh thoảng xen vào một gia đình thành thị. Chồng đeo chăn bông, tay dắt chó béc giê; vợ bế con vừa đi vừa cho ăn sữa trong cái bình thủy tinh có đầu vú bằng cao su…”.
Những đoạn văn chân thực của tác giả Quang Dũng đã khiến cho người đọc xúc động và thấm thía những nỗi gian truân của một thế hệ những người dân đã từng trải những thử thách lịch sử khốc liệt. Những người trẻ hôm nay đọc những trang văn sống động như thế chắc không khỏi bùi ngùi.
Núi rừng đầm ấm tình quân dân
Trung đoàn 52 Tây Tiến có tên gọi Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt. Các chiến sĩ Tây Tiến đều là những học sinh, sinh viên, nhạc công người Hà Nội hăng hái tự nguyện gia nhập bộ đội kháng chiến. Theo bước hành quân của các chiến sĩ,cảnh núi rừng hoang sơ từ 70 năm trước hiện ra với những động người Mán, bản người Mèo, mường người Thái, những địa danh Chiềng Hịch, Chiềng Sại, Chiềng Pọng... đầy gợi cảm với những người ham muốn khám phá và trải nghiệm.
Tưởng đâu, cuộc hành quân của các chiến sĩ sẽ có những trận đánh ác liệt xảy ra? Không phải! Đọc Đoàn binh Tây Tiến người đọc sẽ cảm nhận cuộc kháng chiến chống Pháp có những cảnh hội ngộ quân dân đầm ấm tình người. Đây là cảnh nhân dân ở Hòa Bình đón tiếp bộ đội trong đêm:“Ậm ạch mãi một giờ sáng mới tới chợ Phương Lâm… Đèn chợ sáng trưng. Chợ đêm? Không. Đây là hai dãy bàn dài từ đầu đến cuối gian chợ lớn nhất, trên bầy đủ các món ăn và những rá cơm trắng muốt. Các chị phụ nữ của Hòa Bình đã đứng chờ ở dưới ánh đèn không biết tự bao giờ: Hoan hô bộ đội miền Tây! Hoan hô…”.
Có nơi vui như thế nhưng không phải ở đâu người dân cũng đón tiếp bộ đội linh đình! Đoàn quân đi qua Chợ Bờ vào ngày mồng Một Tết, nhà nào nhà nấy đóng cửa kín mít. Sự im lặng của Chợ Bờ khiến các chiến sĩ Đoàn binh Tây Tiến đã tìm cách thể hiện tình cảm chân tình: “Hoàng Diệu cho đơn vị xếp hàng qua phố và hát lênmấy bài”. Hình ảnh một đội quân trai trẻ vừa đi vừa hát những bài ca tươi sáng thật là một hình ảnh thân thiện của một đoàn quân đi vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến.
Người đọc cảm thấy thú vịkhi đọc những trang về nhân vật Trần Quang (hóa thân của tác giả Quang Dũng) người đại đội trưởng vệ binh vẽ tranh cổ động đoàn kết các dân tộc: “… Trần Quang hì hục vẽ lên bản đá một bức tranh tượng trưng sự đoàn kết các dân tộc miền núi, miền xuôi. Tìm mãi mới được một câu chú thích bằng tiếng Thái: Mán Mèo Kinh Thái cần đơ cần đơ si à Việt Nam mớ (Mán Mèo Kinh Thái ai ai cũng là Việt Nam tất cả)…”.
Quang Dũng tỏ ra rất tài tình trong việc thể hiện đa ngôn ngữ khi ông mô tả cảnh gặp gỡ quân dân Việt- Lào giao lưu, ngôn ngữ trao đổi pha trộn tiếng Pháp, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Hoa… cùng trong một phiên âm tiếng Việt.
Các anh bộ đội Cụ Hồ đâu chỉ có giành chiến thắng bằng súng đạn, các anh đã thu phục lòng dân bằng tình thân ái chia sẻ niềm vui vẻ. Đoàn bộ đội Biên khu Lào - Việt đã có cả các nhạc công của đoàn nhạc binh ông Quản Liên (nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên). Chính đoàn nhạc binh này đã thể hiện tài năng và tấm lòng với biết bao cố gắng mang vác những cái kèn đồng to nặng đến những nơi biên cương xa xôi hiểm trở để làm vui cho các cuộc liên hoan thấm tình đoàn kết các dân tộc. Thật hiếm có tác phẩm nào nóirõ ràngtruyền cảm với người đọc hình ảnh một Đoàn Võ trang Tuyên truyền trong kháng chiến như tác phẩm Đoàn binh Tây Tiến.
Âm hưởng bi hùng
Cuốn sách Đoàn binh Tây Tiến dẫn người đọc càng ngày càng tiến sâu vào rừng núi âm u, càng ngày càng tới những đỉnh núi cao ngất, càng ngày càng nhiều người kiệt sức ngã xuống. Thế mà tình thần lãng mạn vẫn lâng lâng: “Dừng lại ở đầu dốc, thở mạnh hương thơm của những loài hoa thầm nở từ rừng sâu phảng phất bay ra, người ta có thể quên đi một phút cây súng đang cầm ở tay mà tưởng mình đang sống ở một đời thanh bình…”.
Người đọc sẽ gặp lại những địa danh đã từng xuất hiện trong bài thơ Tây Tiến: Mai Châu, Sài Khao, Pha Luông, sông Mã, Mường Lát… Đoạn văn sau đây đãnói lên xuất xứ của nhữngcâu thơ: “Mường Lát. Sông Mã ở đây réo ầm ầm như thác. Rải rác quãng đường biên giới, thỉnh thoảng những nấm mồ mới đắp, còn những vòng hoa rừng đã úa hắc… Băng giấy viết đã mờ chữ. Nhìn vào biển gỗ đẽo sơ sài làm mộ chí, người hành quân qua, ngả mũ đọc… Cảnh tượng buồn bã ấy vẫn không hề nao núng các chiến sĩ Tây Tiến, họ vẫn tiếp tục hành quân: Đoàn Hải lại giở cái bản đồ lớn bằng vải:-Còn Pha Luông, Pa Háng nữa! Những rừng Pa Háng nổi danh là âm u nhất, những dốc Pha Luông cũng được truyền tụng là những dốc đáng ghi vào lịch sử của những đường dốc…”.
Câu kết thúc của cuốn sách là một câu nói vui đùa của anh bộ đội trẻ trungcoi việc sống chết thật thanh thản: “Thế nà nại neo núi… nại neo chết thôi…”.
Cuộc hành quân của Đoàn binh Tây Tiến lặng lẽ trong rừng sâu núi thẳm đã được tác giả Quang Dũng ghi thành những trang sách tươi tắn sống động để lại một âm hưởng bi hùng trong lòng người đọc. Cuộc hành quân của Đoàn binh Tây Tiến đã mãi mãi in bóng vào sông núi Việt Nam nơimiền biên cương hữu nghị Việt - Lào.
Không chỉcống hiến cho thơ ca Việt Nam bài thơ Tây Tiến bất hủ, nhà thơ Quang Dũng đã âm thầm sống và viết trong những năm tháng gian khổ để lại cuốn hồi ký Đoàn binh Tây Tiến với một niềm tin vững chắc rằng cuốn sách sẽ được đến tay bạn đọc. Xin cám ơn gia đình nhà thơ Quang Dũng đã nâng niu gìn giữ những di cảo quý giá của ông. Xin cám ơn Nhà xuất bản Kim Đồng đã đưa tác phẩm lên kệ sách cao quý để lan tỏa những điều tâm huyết của tác giả đến với bạn đọc hôm nay.
(*)Tất cả các đoạn văn đặt trong ngoặc kép là trích từ“Đoàn binh Tây Tiến”, tác giả Quang Dũng, Nhà xuất bản Kim Đồng 2019
Nhà văn Lê Phương Liên