70 năm đoàn quân Tây Tiến oai hùng
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/12, tại Nhà khách Bộ quốc phòng (Hà Nội), Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Mường Láp - Hủa Phăn - Lào (1945 – 2015)”.
- Chuyện cảm động về dòng sữa mẹ cứu chiến sĩ Tây Tiến
- Xếp hạng di tích tượng đài Tây Tiến
- Xem tranh vẽ nơi đoàn quân Tây Tiến xuất binh
Đi theo tiếng gọi của Đảng, những người con kiên trung từ nông thôn đến thành thị đã gia nhập đoàn quân Tây Tiến, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của các dân tộc, vì độc lập, tự do, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Đoàn quân đó được mang tên “Đội Võ trang Trinh sát miền Tây” (tiền thân của trung đoàn 52-Tây Tiến) do đồng chí Lê Hiến Mai đại diện Chính phủ dẫn đầu, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Anh Đệ, đội phó Tuấn Sơn, chính trị viên Lâm Ngọc, cùng với hơn một trăm chiến sĩ hành quân từ Hà Nội lên Mộc Châu, vượt cửa khẩu Pa Háng sang Sầm Nưa là thủ phủ tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Ở đây, các chiến sĩ Tây Tiến quân đội Nhân dân Việt Nam được sự giúp đỡ của lực lượng yêu nước Lào đã tập kích quân Pháp tại Mường Láp. Trận đánh Mường Láp thành công vang dội, như một dấu son trong lịch sử quân sự hai nước Lào Việt, là một trong những viên gạch đầu tiên xây nhịp cầu tình hữu nghị đặc biệt mà hai Đảng, hai nhà nước dày công vun đắp.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Quốc Chinh, Phó trưởng Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào toàn quốc, khẳng định: “Đây là trận đánh đầu tiên của quân đội ta sát cánh cùng lực lượng Cách mạng Lào giành thắng lợi, đặt một trong những viên gạch đầu tiên xây đắp tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản dày công vun đắp”.
Qua những câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử, bài tham luận của các nhà nghiên cứu tại buổi tọa đàm, đã làm rõ vai trò, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Mường Láp, một chiến công của tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt - Lào; tôn vinh tinh thần chiến đấu, hy sinh của lực lượng vũ trang Tây Tiến, trong đó có Trung đoàn 52 Tây Tiến… Là nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khuông, nguyên ủy viên Ủy ban cách mạng lâm thời của Việt kiều thị xã Sầm Nưa, đã ôn lại những tháng năm hào hùng của Trung đoàn 52 Tây Tiến và tình cảm yêu thương, đùm bọc tốt đẹp mà nhân dân Lào đã dành cho những người chiến sĩ Tây Tiến năm xưa.
Đồng chí Phim-mạ-chăn Vông-păn-nha, Tùy viên quân sự, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam ôn lại quá trình QĐND Việt Nam giúp Lào, kể từ khi trung đoàn đầu tiên của QĐND Việt Nam sang giúp Lào năm 1945.
Theo lời đồng chí Phim-mạ-chăn Vông-păn-nha, trong tình hình thế giới và khu vực đã có sự thay đổi nhanh chóng và phức tạp, nhưng những tình cảm gắn bó keo sơn, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc vẫn trước sau như một, ngày càng được củng cố và phát triển. Đồng chí Phim-mạ-chăn Vông-păn-nha bày tỏ cảm ơn đến quân tình nguyện và các cựu chuyên gia quân sự Việt Nam đã hy sinh tuổi xuân để làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp đỡ nhân dân Lào trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng đất nước.
70 năm đã trôi qua, những người tham gia trận đánh Mường Lát năm xưa giờ đây đã hơn 90 tuổi, sức khỏe yếu, đến với buổi tọa đàm, những chiến sĩ Tây Tiến vừa vui mừng, xúc động vì được gặp lại nhau. Những cái ôm chặt, lời động viên ân cần thắm thiết, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng của đoàn quân Tây Tiến.
Tin, ảnh: Việt Hoàng/Tin tức