Điều kỳ diệu của sự tử tế
(Thethaovanhoa.vn) - Đã gần 1 tuần kể từ khi 13 thành viên của đội bóng Lợn Hoang (Wild Boars) được cứu ra khỏi hang Tham Luang, nhưng những dư âm từ sự tử tế của người Thái vẫn không ngừng lan rộng.
- Giải cứu đội bóng Thái Lan: Chuẩn bị cho đợt cứu hộ thứ 3
- VIDEO: Cận cảnh quá trình đưa đội bóng Thái Lan ra khỏi hang
Để giải cứu đội bóng, máy bơm đã được dùng để rút nước ra khỏi hang và gây ngập lụt cục bộ. Việc này đã gây nhiều thiệt hại cho người dân xung quanh. Sau khi chiến dịch kết thúc, cư xử một cách có trách nhiệm, Chính phủ Thái Lan đã đề xuất bồi thường thiệt hại cho nông dân khu vực này. Tuy nhiên, họ đã từ chối nhận bồi thường. Những người nông dân ấy muốn được đóng góp một phần cho sứ mệnh giải cứu kỳ diệu này.
Sau đó, Thủ tướng Thái Lan đã cảm ơn và đánh giá cao sự hy sinh cũng như đóng góp của họ cho chiến dịch giải cứu. Thêm vào đó, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã cung cấp cây giống vải, cà tím, ớt, phân bón và thuốc trừ sâu để các hộ nông dân khôi phục sản xuất. Chuyên gia nông nghiệp cũng sẽ được sắp xếp đến tư vấn giải pháp phục hồi đất. Chính phủ cho biết sẽ viện trợ 14 tấn lúa để nông dân bắt tay vào sản xuất vụ mới.
Cha mẹ các thành viên trong đội bóng đã chắp tay cúi đầu cảm ơn những thợ lặn đã cứu con mình, còn các thợ lặn thì nói rằng mình không phải những người anh hùng. Trong chiến dịch giải cứu, một cựu lính đặc nhiệm đã hy sinh. Sau khi trở về an toàn, gia đình các cậu bé cũng đã dự định thu xếp để tất cả cùng đi tu để tưởng nhớ người lính đã tử nạn. Từ chính trị gia cho đến những người nông dân, từ những binh lính cho tới những tình nguyện viên, tất cả họ đều thể hiện một cách hành xử khiêm nhường, hướng đến một mục đích duy nhất là an toàn cho đội bóng Lợn Hoang. Mọi tư lợi, phân tranh, oán trách… đều được dẹp qua một bên. Chính điều đó đã càng khiến cộng đồng thế giới nể phục người Thái nhiều hơn.
Những câu chuyện được kể lại từ rất nhiều người tham gia chiến dịch đã gây cảm giác ấm lòng trên diện rộng. Bởi vì chúng ta nhìn thấy được sự tử tế đến từ những con người sống trong một xã hội văn minh. Họ sẵn lòng giúp đỡ người hoạn nạn và không mưu cầu nhận lại bất kỳ lợi ích gì. Họ muốn trở thành một phần trong dòng chảy của những điều thiện lương, cũng chính vì thế, những điều họ làm càng trở nên đáng trân trọng và học hỏi hơn.
Cách hành xử của thành viên chiến dịch giải cứu khiến chúng ta liên tưởng tới những hình ảnh những khán giả Nhật không tên ở lại nhặt rác trên khán đài sau một trận World Cup. Đó cũng là cảm giác khi chúng ta nghĩ về hành động hàng chục người dân Bình Dương nán lại hàng giờ giúp đỡ 1 chiếc xe chở bia bị lật. Đó là những sự việc khiến ta bất ngờ trong thoáng chốc để rồi phải ngẫm nhiều hơn về vẻ đẹp của sự tử tế trong mỗi con người.
Đó không phải là những lời rao giảng, cũng chẳng phải là những thủ thuật hay chiêu trò để làm hình ảnh, càng không phải là những điều mà có thể bắt chước và làm theo một cách máy móc. Những hành động tử tế phải xuất phát từ chính suy nghĩ của mỗi người. Những suy nghĩ đó cần được nuôi dưỡng trong một xã hội văn minh, nơi mà con người biết đặt cái tôi của mình qua một bên để vì mục đích chung. Một nơi mà mọi người sẵn sàng cống hiến và không mưu cầu lợi ích cho bản thân mình.
Việt Nam chúng ta có lẽ sẽ cần nhiều nỗ lực để tạo ra những môi trường nuôi dưỡng sự tử tế. Đó sẽ là đích đến mơ ước đối với nhiều người, nhưng sẽ không xa. Bởi người bạn láng giềng của chúng ta có thể, tức là sẽ có cách. Vấn đề là chúng ta cần chung tay, góp sức của nhiều người, nhiều gia đình, nhiều thế hệ… vì một xã hội văn minh.
Hạ Hồng Việt