Điền kinh Việt Nam và chuyện về 'tỷ lệ chọi'
Giải điền kinh vô địch quốc gia năm 2024 vừa kết thúc ở Đồng Nai ghi nhận số lượng kỷ lục quốc gia được phá nhiều nhất với 7 lần. Đây là tin vui cho điền kinh Việt Nam nhất là sau những báo động từ kết quả thi đấu tại Asiad cũng như vòng loại Olympic. Nhưng đi sâu vào chi tiết, thì không có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh chúng ta cần một sức bật ở giai đoạn mới.
Hãy chú ý đến những con số này: Giải có sự tham gia của hơn 500 VĐV đến từ 52 đơn vị, nghĩa là trung bình mỗi đoàn chỉ có hơn 10 VĐV trong khi có đến 50 nội dung thi đấu tại giải. Còn ở kết quả sau cùng, thì có đến 17 đoàn giành được HCV, điều này cho thấy điền kinh phát triển tương đối rộng.
Trên thực tế, điền kinh là môn thể thao có số lượng người tập luyện đông đảo nhất. Cũng không có gì bất ngờ nếu chúng ta xem việc tập luyện sức khỏe hàng ngày của người dân với các nội dung đi bộ, chạy bộ, các bài tập thể dục tại chỗ… cũng là các phân môn nhỏ của điền kinh.
Điển hình là sự phát triển rầm rộ của marathon hiện nay. Đó là lý do mà hầu hết các địa phương đều có bộ môn điền kinh, gần 100% các sân vận động cấp tỉnh có đường chạy, đa số các trường học đều tổ chức thi đấu điền kinh…
Tuy nhiên, số lượng VĐV đỉnh cao của điền kinh, qua các con số nói trên, lại không đáng kể. Với 50 nội dung thi đấu, thì ngay cả các đoàn mạnh, nếu cử người dự đủ các nội dung, thì cũng chỉ trung bình 1 VĐV cho 1 nội dung mà thôi.
Con số này cả trên lý thuyết lẫn thực tế là quá ít. Đó là chưa nói đến việc tại giải vô địch quốc gia vừa qua, vẫn có khá nhiều gương mặt cũ gần như thống trị nội dung của mình trong cả thập niên qua như Nguyễn Thị Oanh hay chị em đi bộ Thanh Phúc, Thành Ngưng…
Thể thao đỉnh cao có phát triển hay không nằm ở "tỷ lệ chọi", tức là tính cạnh tranh và số lượng VĐV/CLB có cùng đẳng cấp. Nếu con số VĐV tham gia một giải đấu mà ít, thì chắc chắn thành tích khó mà đột phá.
Với điền kinh, đặc thù này còn rõ nét hơn khi môn thể thao nữ hoàng có đầy đủ các yếu tố cơ bản của thể thao đỉnh cao "Nhanh hơn – Xa hơn – Cao hơn". Cùng trên một cung đường chạy, mà đua với 10 người sẽ khác với chỉ 4-5 người. Đó là lý do mà không có môn thi đấu nào, thành tích trong tập luyện khác rất nhiều so với lúc thi đấu, như điền kinh.
Chỉ hơn 500 VĐV cấp 1 ở môn phổ biến như điền kinh tại quốc gia có trên dưới 100 triệu dân cùng một hệ thống tuyển chọn, đào tạo tại đầy đủ các tỉnh-thành, rõ ràng là một con số đáng suy nghĩ. Điền kinh Việt Nam cho đến nay đã thiếu cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn quốc tế, nay còn yếu cả về nhân lực, thì không biết chúng ta tạo ra những đột phá cho Chiến lược 2030-Tầm nhìn 2045 bằng cách nào.
Thật ra, cũng chẳng phải riêng điền kinh. Rất nhiều môn thể thao đang phổ biến tại Việt Nam nhưng lại rất ít VĐV chuyên nghiệp. Giải đội mạnh bóng bàn quốc gia cũng vừa kết thúc tại Đồng Nai chỉ có 28 đoàn và gần 400 tay vợt, còn giải vô địch cầu lông cá nhân 2024 có 150 VĐV đến từ 18 đơn vị, là những ví dụ.
Thậm chí như môn bóng đá, với số CLB chuyên nghiệp hiện có, thì cả nước cũng chỉ trên dưới 1.000 cầu thủ đang có hợp đồng thi đấu thường xuyên. Nghĩa là tỷ lệ cầu thủ chuyên nghiệp trên số dân chỉ là 1 phần 10 triệu. Trong khi ở các quốc gia phát triển bóng đá, con số này phải rơi vào khoảng 0,1 đến 0,7%. Càng nhiều VĐV đỉnh cao thì mới có những tài năng xuất chúng. Các môn càng phổ biến thì lại càng có tỷ lệ thuận số lượng VĐV chuyên nghiệp…