Điền kinh Việt Nam và giấc mơ dang dở
Trong nhiều "giấc mơ" vươn tầm của thể thao Việt Nam (TTVN), điền kinh được xếp vào hàng "giấc mơ đẹp" bởi ý nghĩa và tính khả thi trong việc hiện thực khát vọng. Nhưng cho dù chúng ta đã có nhiều thành tích rất thực tế, thì câu chuyện của điền kinh Việt Nam lại luôn ở trạng thái lửng lơ giữa mơ và thực.
Chúng ta đã có những nhà vô địch châu Á ở nhảy cao, nhảy xa và chạy cự ly trung bình, tiếp sức. Chúng ta cũng đã có HCV ở Asiad và từng 2 kỳ SEA Games đứng ngôi số 1.
Không có môn thể thao nào chứng minh được sự vươn lên mạnh mẽ của TTVN rõ ràng và thuyết phục như điền kinh, cho dù về phải đối diện với các bất lợi về thể hình và điều kiện đầu tư như rất nhiều môn thể thao mang tính cơ bản khác.
Cũng không giống như các môn "giấc mơ" khác, câu chuyện của điền kinh vừa xa mà vừa gần. Với điền kinh, mọi chuyện đều dựa trên các nền tảng thông số kỹ thuật cũng như các tố chất VĐV có thể dự báo được thành tích. Có những nhóm môn biết trước sẽ không "ăn thua", nhưng có nội dung thì qua thành tích tập luyện sẽ tính toán được khả năng chiến thắng cũng như thời gian đầu tư. Đây chính là điều để điền kinh có những "giấc mơ đẹp", tức là có thể biến thành hiện thực chứ không hề viển vông.
Ví dụ như việc chúng ta khó có thể giành suất dự Olympic chứ chưa nói gì đến đạt huy chương, nhưng lại đủ cơ sở để đặt mục tiêu lớn tại các giải châu Á hay Asiad. Thậm chí, ở sân chơi châu lục, điền kinh Việt Nam có thể chiến thắng ở nhiều nội dung khác nhau.
Thế nhưng, mới đây, dự thảo phát triển điền kinh do Liên đoàn điền kinh Việt Nam thực hiện đã phải hạ cấp quy mô từ tầm "chiến lược" xuống thành "đề án" trong việc hoạch định mục tiêu giai đoạn 2030-2045.
Nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu tài chính. Những người làm chuyên môn không thể giải được bài toán về kinh phí, nên buộc lòng phải chuyển tầm nhìn từ chỗ dài hạn xuống còn các mục tiêu cụ thể hơn, phù hợp với khoản ngân sách đã được phân bổ.
Đại loại như nếu ở tầm "chiến lược" thì sẽ nói đến chuyện xây dựng trung tâm huấn luyện riêng, cơ chế bồi dưỡng luyện tập riêng. Còn khi chỉ còn là "đề án" thì kiểu như "có gì dùng nấy", không tính xa hay mơ mộng các điều kiện tối ưu được.
Như một lãnh đạo của Liên đoàn điền kinh Việt Nam chia sẻ, phong trào chạy bộ hiện đang rất rầm rộ tại Việt Nam, thu hút đến hàng trăm tỷ đồng tiền từ ngoài xã hội, nhưng vẫn chưa có cách gì "chuyển đổi" dòng tiền ấy vào điền kinh đỉnh cao, hay thậm chí là các nội dung chạy khác. Do một số đặc thù, điền kinh gần như không sở hữu bất kỳ "sản phẩm" hữu hình nào để giải bài toán quyền lợi cho nhà tài trợ. Đến ngay như giải vô địch điền kinh quốc gia còn không đủ tiền thuê sân tổ chức khi khán đài của các cuộc thi điền kinh ở Việt Nam thường vắng vẻ. Tầm ảnh hưởng xã hội của các ngôi sao điền kinh thì gần như không nhiều.
Dù không muốn cũng phải thừa nhận là điền kinh Việt Nam đang ở trong một "giấc mơ dang dở". Chúng ta có tiềm năng để chiến thắng ở tầm châu Á, điều mà không phải môn thể thao nào cũng làm được. Nhưng thành công của điền kinh lại yêu cầu một quá trình đầu tư rất dài hơi, từ khâu tuyển chọn đến huấn luyện với những "hy sinh" vô cùng lớn của cả thầy lẫn trò.
Chưa bao giờ điền kinh thiếu tài năng, nhưng đáng tiếc là môn "nữ hoàng" này cũng chưa từng có một chỗ đứng trang trọng nếu nhìn ở góc độ đầu tư và sự quan tâm của cộng đồng.