Diễn hài tục tới đâu là đủ?
(Thethaovanhoa.vn) - Trên facebook cá nhân, danh hài Việt Hương vừa chính thức có lời xin lỗi khán giả về vụ việc xảy ra ở đám cưới của ca sĩ Đình Bảo vài ngày trước. Ở sự kiện ấy, vì cao hứng, Việt Hương có diễn một số màn tấu hài có phần tục tĩu. Nhiều người bức xúc, còn danh ca Hương Lan bực bội bỏ về.
Câu chuyện đã khép lại, nhưng nếu nhìn vào thực trạng của sân khấu hài hiện nay, hẳn độc giả (và cả nghệ sĩ) sẽ phải đặt ra một câu hỏi: vậy, đâu là giới hạn của cái sự "tục" khi diễn hài?Nếu xem xét nhân vật hài là những thành tố tất yếu của giải trí dân gian, yếu tố tục đã là những bản sắc từ ngàn xưa. Nhân vật hài nào cũng ẩn chứa trong lời diễn hoặc câu hát của họ yếu tố tục, hoặc đố tục giảng thanh. Những bản sắc này từng là “cặp bài trùng” với các tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội mang tính phồn thực của dân gian Việt Nam khắp ba miền, từ vương triều, phủ chúa cho đến phường xã, đình làng, chợ búa… đều phổ biến.
Việt Hương viết thư tay xin lỗi trên Facebook cá nhân
Đi vào nội tại của hài trong sân khấu truyền thống, yếu tố tục ấy luôn song hành với việc mua vui, chọc cười, trào phúng, và cao nhất là châm biếm, phê phán. Vì nhiều lý do, hài kịch và tấu hài ngày nay dường như ít còn giữ được các yếu tố như đả kích, châm biếm, phê phán…, mà chỉ còn là mua vui, chọc cười đơn thuần.
Dù vậy, thỉnh thoảng chúng vẫn còn giữ được yếu tố cổ xưa nhất của hài hước là đố tục giảng thanh. Cho nên việc các nghệ sĩ ngày ngay có dính dáng đến yếu tố tục hoặc đố tục giảng thanh… cũng rất ư bình thường.
Các tiết mục bị xem là tục tĩu, phản cảm khi nó đi chệch mục đích đố tục giảng thanh, hoặc chỉ dừng lại ở cái tục. Giống như với nghệ sĩ hài, người giỏi nghề là biết đố tục giảng thanh, để làm sao người xem vừa thấy đỏ mặt, lại vừa thấy ý vị. Chứ nếu tách hoặc cắt đứt yếu tố đố tục giảng thanh ra khỏi hài thì xem như đơn điệu hóa hài kịch, thậm chí đi ngược lại bản sắc, truyền thống của chính bộ môn này.
***
Cũng từ chuyện cái tục và cái hài, tôi muốn nhắc tới phần thi gần đây trong chương trình Thách thức danh hài. Ở chương trình, một người dự thi sắp bí cũng đã buột miệng nói một từ khiếm nhã. Anh làm nhiều khán giả bức xúc, nhưng lại thành công vì làm giám khảo bật cười – theo đúng yêu cầu của luật chơi.
Người chơi ấy không phải danh hài chuyên nghiệp. Nhưng, đã phát sóng chương trình, lẽ ra nhà đài phải có cách biên tập sao cho tinh tế, hiệu quả. Cũng giống như trong cuộc sống của chúng ta, rất nhiều người trong thế bí hoặc bị căng thẳng mà buông một câu văng tục.
Cả nghệ sĩ cũng vậy, nếu có dịp ngồi với họ ở quán xá hoặc đi du lịch cùng, tôi cũng có lúc bắt gặp họ cao hứng "lỡ mồm". Nhưng cái quan trọng là khi bước lên sân khấu, diễn trước khán giả, họ biết tiết chế cảm xúc của bản thân để giữ sự thanh lịch cần có trên sàn gỗ.
Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa