Vụ bác sĩ Bệnh viện Mắt: Tội lỗi của cái chân
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Bệnh viện Mắt Trung ương lập Hội đồng xem xét hình thức xử lý bác sĩ Nguyễn Thị Minh. Hiện, nữ bác sĩ này cũng đã được Bệnh viện Mắt cho tạm dừng công tác chuyên môn để viết tường trình.
- Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc của VN Pharma
- Bộ Y tế phát ngôn chính thức về thuốc ung thư kém chất lượng của VN Pharma
Trước đó, một clip chia sẻ trên mạng internet đã ghi lại hình ảnh bác sĩ Minh trong một buổi khám bệnh gần 2 tháng trước. Trong clip, phụ huynh của một bệnh nhân nhỏ tuổi đôi co khá căng thẳng với nữ bác sĩ này vì thấy chị chỉ "vạch mắt, soi soi" cho con mình và không sử dụng máy móc.
Đáng nói, trong quá trình đối thoại, bác sĩ Minh ngồi gác một chân lên ghế. Thậm chí, có độc giả còn cẩn thận đếm thời gian rằng chị ngồi như vậy gần 3 phút liền.
Không có gì khó hiểu, khi bác sĩ Minh lập tức trở thành tâm điểm để dư luận chỉ trích. Nhiều người bực bội và bất bình với hình ảnh ấy. Bởi, đó không chỉ là sự phản cảm trong giao tiếp, mà còn khiến người xem đặt câu hỏi về thái độ của một bác sĩ với người nhà bệnh nhân - những người lẽ ra cần phải được chia sẻ và động viên nhất.
Thẳng thắn, chỉ cần nhìn hình ảnh về kiểu ngồi ấy, chúng ta đã đủ bức xúc. Bức xúc không chỉ vì bác sĩ Minh. Xa hơn, nó gợi lại câu chuyện luôn tiềm ẩn trong tâm thức mỗi người về cách ứng xử thiếu lịch lãm và hách dịch của những nhân viên trong bộ máy Nhà nước.
Dù ở bệnh viện, trên đường phố hay bất cứ cơ quan công quyền nào, rất có thể chúng ta đều đã từng gặp một trường hợp như vậy, trong sự ức chế của mình.
***
Thế nhưng, khi xem kĩ clip, cũng như đọc trần tình của bác sĩ Minh qua báo giới, tôi lại thấy... đỡ ấm ức hơn.
Đến thời điểm này, cả bệnh viện Mắt và bác sĩ Minh đều thừa nhận khuyết điểm ở cách... gác chân như vậy. Nhưng, nữ bác sĩ này cũng chỉ nhận sai trong khía cạnh ấy. Còn lại, chị khẳng định mình đúng – cả về chuyên môn và thái độ trước gia đình người bệnh.
Và, trong clip, quả thật là chị Minh cũng không có gì hách dịch, dù tỏ ra khá uể oải. Chị không to tiếng, không xúc phạm khi đối thoại, và cố gắng giải thích với phụ huynh cháu nhỏ rằng trong trường hợp này, việc khám mắt (và đưa ra kết luận rằng cháu bị cận thị) không cần dùng tới máy móc.
Tôi không định ca ngợi sự điềm đạm của nữ bác sĩ này, bởi đó là sự chuyên nghiệp đầu tiên của một người thuộc đội ngũ mà chúng ta vẫn gọi là "lương y như từ mẫu". Nhưng, tôi thông cảm với chị.
Cũng như, dù phụ huynh của cháu bé đối thoại khá gay gắt và đưa ra những yêu cầu có thể là chưa hợp lý, tôi cũng muốn thông cảm với anh – một người đã phải đi xa gần 300 cây số để đưa con lên Hà Nội khám bệnh.
Sự lo lắng, căng thẳng ở anh tâm trạng khá phổ biến ở người nhà bệnh nhân. Và việc vừa khám bệnh, vừa trấn an, thậm chí chia sẻ, với những người như vị huynh ấy, cũng là công việc rất thường xuyên của một bác sĩ như chị Minh.
Mệt mỏi, uể oải, bác sĩ Minh sai khi ngồi gác chân lên ghế. Nhưng, chúng ta cũng chỉ nên dừng ở đấy. Đưa ra những quy chụp, nhận xét về nhân cách, đạo đức của chị qua hành vi ấy – như điều một số ít đang làm – là quá vội vàng.
***
Ngành y tế đang trải qua những ngày u ám, sau câu chuyện về lô thuốc ung thư của Công ty VN Pharma. Và xa hơn, với những câu chuyện khác nữa, dường như từ vài năm nay, ngành nghề này đang trải qua một cuộc khủng hoảng về hình ảnh, dưới con mắt của cộng đồng.
Thế nhưng, dù tâm lý "ghét ngành y" đang ngày càng loang rộng trong nhận thức của mọi người, tôi vẫn mong chúng ta hãy có sự tỉnh táo tối thiểu, trước khi nói về một bác sĩ, một con người cụ thể.
Đừng vô tình tạo ra sức ép một cách không cần thiết. Sự bao dung, nếu được đặt đúng chỗ, sẽ giúp rất nhiều bác sĩ không phải rời xa công việc vì một sơ suất ngoài chuyên môn của mình.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa