Vô cảm trước sự an nguy của đồng loại
(TT&VH) - 1. Thái độ vô cảm trước đồng loại của một bộ phận không nhỏ con người trong xã hội, nhất là ở các thành phố lớn vốn đã được cảnh báo nhiều. Nhưng khi đọc những thông tin về hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến một mình vật lộn với tên cướp trước sự chứng kiến của hàng trăm người, một cảm giác uất nghẹn không thể ngăn cản.
Nhiều báo tường thuật chi tiết vụ việc: Chiều 12/9, khi đuổi kịp tên cướp, trộm xe máy, “hiệp sĩ” Minh Tiến nắm được áo tên ngồi sau giật ngược làm tên này ngã xuống đường, tên cầm lái tăng ga bỏ chạy. Ngay lập tức, Minh Tiến rời xe, lao vào khống chế tên vừa bị ngã nhưng bị tên này dùng dây xích tấn công quyết liệt trước sự chứng kiến của hàng trăm người đi đường. Tuy nhiên, lúc đó, không người nào xông vào hỗ trợ “hiệp sĩ” Minh Tiến để bắt tên trộm.
Chỉ đến khi tên trộm bị “hiệp sĩ” khống chế, nhiều người mới “dũng cảm” lao vào đánh “hôi”! Trói tên trộm xong, Minh Tiến quay trở ra thì chiếc xe máy dùng để truy đuổi tên trộm đã biến mất. Một số người chứng kiến cho biết lúc đó, thấy một thanh niên đến lấy xe máy chạy đi nhưng họ nghĩ là đồng đội của nhóm “hiệp sĩ” nên không phản ứng!
Tên trộm đã bị "hiệp sĩ" không chế. Lúc này mọi người
mới xông vào... xử trộm - Nguồn: NLĐ
Con người ta sống có vui, buồn, yêu, ghét, căm giận... Những con người kia nghĩ gì khi đứng nhìn “hiệp sĩ” vật lộn với tên cướp thờ ơ theo kiểu “mặc kệ nó”? Phải chăng họ đã hoàn toàn vô cảm khi đứng trước sự an nguy của đồng loại? Sự vô cảm còn đáng sợ hơn cái ác, bởi cái ác là đối tượng để đấu tranh và tiêu diệt, nhưng với sự vô cảm của người đời thì có lẽ không ai đối phó được.
2. Tôi cứ tự hỏi, nếu trong lúc “hiệp sĩ” vật lộn với tên cướp, vài ba người trong số hàng trăm người đứng xem kia vào hỗ trợ, vài ba người trông giữ cái xe của anh, thì sự việc có đến mức ấy. Cái bị mất chỉ là chiếc xe máy của “hiệp sĩ”, nhưng xã hội này mất nhiều hơn thế, và Minh Tiến có thể mất nhiều hơn thế, anh có thể mất niềm tin vào con người, thậm chí có thể mất mạng trong cuộc đấu “một chọi một”. May sao điều ấy không xảy ra.
Bất chợt tôi nghĩ đến luật. Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
Ở đây, rõ ràng Minh Tiến “đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Nhưng lại nghĩ, xử thế thì tòa nào xử cho xuể?
Nguyễn Gia