Văn hóa 'nóng' trong tuần: 'Nguyễn Đình Thi là ông nào mà dám bịa...'
(Thethaovanhoa.vn) - Đừng bao giờ nghĩ điều mình vẫn biết luôn là chân lý, và điều mình chưa biết thì hoàn toàn sai. Đó là kinh nghiệm thấm thía sau vụ một tờ báo phê phán “đoạn văn lạ” về Thánh Gióng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong sách giáo khoa Tiếng Việt.
“Nguyễn Đình Thi là ông nào mà dám bịa truyện Thánh Gióng?”
Câu hỏi thật mà như đùa tồn tại đâu đó ở một diễn đàn trên Facebook, bởi nếu người hỏi khẳng định đã học qua phổ thông và yêu truyện Thánh Gióng, chắc họ cùng từng được học bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi? Hoặc giả, nếu vì lý do nào đó mà không học, vẫn còn có Google. Từ khỏa “Nguyễn Đình Thi” trên Google cho ra gần 1 triệu kết quả.
Nhưng cũng có những thứ Google bó tay, chẳng hạn như một số lượng lớn dị bản Thánh Gióng được giới nghiên cứu Việt Nam tổng hợp lâu nay, từ văn học truyền miệng đến viết, trong đó không ít dị bản có chi tiết “Thánh Gióng về tắm hồ Tây”.
Theo sách Người anh hùng làng Dóng của GS Cao Huy Đỉnh, chính “nhân thân” của Thánh Gióng cũng thay đổi theo các thời đại. “Lộ trình thăng tiến” của nhân vật truyền thuyết này được nói rõ như sau: Từ anh hùng bộ lạc cho đến bộ tộc và dân tộc, từ câu chuyện của một anh hùng địa phương nào đó cho đến vị tướng của vua Hùng và đấng thiên vương, trở thành anh hùng dân tộc kể từ thời Lý.
Và theo các tư liệu cổ, vua Lý Thái Tổ cũng từng “chỉnh sửa” nội dung truyền thuyết, để Gióng sau khi thắng giặc về hồ Tây “ăn cơm nắm, cởi áo tắm mát và bỏ quên một đoạn roi sắt ở đó”, để còn có cớ lập miếu thờ ở làng Phù Đổng và phong cho Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương.
Vậy, còn ai đặt câu hỏi: “Lý Thái Tổ là ông nào mà dám…?”.
Cánh diều và tỷ lệ 4/14
Thử dùng con mắt số học để nhìn nhận một giải thưởng nghệ thuật. Giải Cánh diều năm nay có 7 hạng mục, gồm: Phim điện ảnh, Phim truyền hình, Phim ngắn, Phim hoạt hình, Phim khoa học, Phim tài liệu, Công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh.
Tổng cộng, số giải thưởng được trao gồm 4 giải Cánh diều vàng và 14 giải Cánh diều bạc. Đó là chưa kể 22 bằng khen được trao cho những phim không đoạt giải, cách trao thưởng mà ai cũng hiểu là an ủi.
Điều đó có nghĩa là, năm nay 3 hạng mục không có Cánh diều vàng, trong đó có Phim điện ảnh vốn là hạng mục “oách” nhất. Trong khi đó, Ban tổ chức lại rất hào phóng với Cánh diều bạc, riêng Phim điện ảnh đã có 3 Cánh diều bạc cho Những đứa con của làng (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), Lạc giới (Phi Tiến Sơn) và Hương Ga (Cường Ngô).
4 Cánh diều vàng ít ỏi bên cạnh 14 Cánh diều bạc hùng hậu, tỷ lệ này nói lên điều gì? Nền điện ảnh đang làng nhàng đi, và bản thân giải Cánh diều cũng thế. Cách trao giải “hòa cả làng” (không trao Diều vàng, thay vào đó là một đống Diều bạc cùng bằng khen) khiến dư luận ngán ngẩm. Cánh diều không chỉ mất đi sức hút vì thiếu tiền, mà còn vì thiếu đỉnh.
Ngất xỉu vì diễn viên Hàn
Hàng chục nhân viên và khách hàng đã ngất xỉu tại một trung tâm thương mại khi hàng nghìn người hâm mộ đổ đến đây để dự buổi giao lưu của nam diễn viên Hàn Quốc Kang Tae Oh, diễn viên chính trong phim truyền hình Tuổi thanh xuân.
Người hâm mộ vây kín 3 tầng lầu của trung tâm thương mại khi Kang Tae Oh cùng 2 bạn diễn người Việt Nam, Nhã Phương và Hồng Đăng, cười tươi trên sân khấu giao lưu. Tất cả, nghĩa là 3 diễn viên cùng những người hâm mộ này, đều trông có vẻ tỉnh táo.
Nhưng hàng chục khách hàng và nhân viên siêu thị bên ngoài thì không may mắn như vậy. Họ thấy khó thở, đau đầu, buồn nôn và rồi ngất xỉu.
Giải thích về sự cố này, đại diện siêu thị cho biết lượng người đổ về vì nam diễn viên Hàn Quốc nói trên quá đông, gây tắc nghẽn cửa ra, lượng khí thải xe máy tăng cao đột biến. Hệ thống thông khí của trung tâm thương mại không đủ khả năng thoát khí, khiến khí thải xe máy lan tới siêu thị, vì siêu thị thông với nơi để xe máy.
Trong khi đó, Kang Tae Oh thạo tiếng Việt lắm nên chưa bình luận về sự kiện này.
Hoàng tử của Lọ Lem có phải là “lợn”?
Nàng Lọ Lem (Cinderella) đã trở lại chiếm lĩnh tâm trí của những cô gái trẻ khi công chiếu phim màn ảnh lớn từ 13/3 vừa qua. Đây là câu chuyện cổ tích cổ nhất thế giới, hơn 2.000 tuổi, cổ hơn bất cứ câu chuyện nào. Cốt truyện của nó cũng đậm đà chất cổ điển: một cô gái tốt bụng nhưng thụ động trước hạnh phúc. Nàng chỉ có được hạnh phúc khi được kết hôn với một người đàn ông giàu có và đẹp trai, thêm vào đó, có địa vị con vua.
Nhưng cả bộ phim lẫn câu chuyện cổ tích gốc đều không nhắc gì đến việc hoàng tử có rửa bát hay không. Dù sao, cuộc hôn nhân với chàng hứa hẹn sẽ giúp Lọ Lem “hạnh phúc mãi mãi về sau”. Cụm từ “mãi mãi” rõ ràng là “mọi thời đại”, nghĩa là giả như Lọ Lem là một phụ nữ thời hiện đại, nàng vẫn có quyền được hạnh phúc.
Và nếu như hoàng tử không rửa bát, hoặc không có bất kỳ một động thái làm việc nhà nào, chàng sẽ khó có thể khiến một phụ nữ hiện đại hạnh phúc. Nhà văn Trang Hạ và những người cùng quan điểm với chị đồng ý với điều này.
Vì đằng nào số lượng hoàng tử ngày nay cũng ít hơn ngày trước (do sự giảm sút số lượng vương quốc trên thế giới), những người đàn ông hiện đại nên làm thế nào để số lượng “lợn” không tăng lên.
D&G chọc giận nhầm người
Domenico Dolce và Stefano Gabbana - hai nhà thiết kế lừng danh của thương hiệu thời trang đẳng cấp D&G, lại phát biểu một quan điểm không hề cao cấp chút nào khi gọi những đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là “đồ giả”.
Stefano Gabbana: “Ai cần Elton mặc D&G”
Trong số “đồ giả” đó, chẳng may có hai con trai Zachary và Elijah của danh ca Elton John, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất làng nhạc. Bên cạnh đó, còn có hàng triệu đứa trẻ là con của những người đồng tính khác, nổi tiếng và không nổi tiếng.
John cảm thấy tổn thương vì những đứa trẻ xinh đẹp của ông bị xúc phạm, và viết: “Thật xấu hổ trước sự phán xét của các người về thụ tinh ống nghiệm - phép lạ giúp rất nhiều người trải nghiệm cảm giác yêu thương, thực hiện mơ ước cả đời họ là có con”. Hàng loạt ngôi sao bị tổn thương như John và cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) đã phát động phong trào tẩy chay D&G trên toàn thế giới.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần