Từ "Chợ quê" của Đào Anh Khánh: Nghệ thuật cũng phải tôn trọng lề thói ứng xử
“Chợ quê” lấy cảm hứng từ bức tranh khổ lớn 10 x 18m của hoạ sĩ Nguyễn Thân. Kịch bản ban đầu là tranh được trưng bày và nghệ sĩ múa Đoàn Minh Hoàn và Đào Anh Khánh sẽ biểu diễn múa đương đại trên nền âm nhạc. Một dự án thể hiện rõ mục đích đem tới cho khán giả một trải nghiệm nghệ thuật “đa phương tiện” của hoạ – nhạc – vũ.
|
Điều đáng tiếc nhất của sự việc này là một dự án nghệ thuật với mục đích hướng tới người nông dân lại bị chính người nông dân cản trở. Lý do: con đường để đi làm hàng ngày của họ bị cản trở và ruộng hoa màu của họ đã bị giẫm đạp tan nát.
Sự tương tác giữa nghệ sĩ và người xem là một trong những yêu cầu cần thiết của một dự án như “Chợ quê”: đó là sự tôn trọng cơ bản về sở hữu của con người trong xã hội. Người viết tin rằng sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra nếu như các nghệ sĩ có lời nói trước với những người sở hữu các mảnh ruộng kia, thậm chí bồi thường trước khi biểu diễn, thay vì để những người nông dân kia gay gắt rồi mới tuyên bố sẽ bồi thường. Hẳn rằng chẳng ai vui vẻ gì nếu sáng sớm thức dậy phát hiện ngoài sân nhà mình một đám người xa lạ đang chơi đùa vui vẻ, thoải mái ngắt hoa vặt trái mà chẳng thèm quan tâm họ đang ngồi trên sân nhà ai, chứ chưa nói là xin phép chủ nhà.
Sự cố này chắc chắn không làm Đào Anh Khánh từ bỏ con đường đã chọn, nhưng như người ta vẫn nói, trong mỗi thất bại lại có một bài học riêng. Bài học ở đây chính là đảm bảo những nguyên tắc xã hội trước khi thoả mãn sáng tạo của một nghệ sĩ.
Theo Sài Gòn Tiếp thị