Từ Che Guevara tới… Steve Jobs
(TT&VH) - 1. Che Guevara, John Lennon, Michael Jackson, Steve Jobs, ... những con người của nhiều thời kỳ, từ nhiều quốc gia với nhiều biệt tài trên những lĩnh vực khác nhau. Song họ cùng là những hình tượng đẹp thẩm thấu trong đời sống của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà”, hình tượng nước ngoài được thế hệ trẻ lúc đó rất mực mến yêu là Che Guevara. Che hiện thân cho khí phách của lớp trẻ. Và ông (một người sinh ra ở Argentina, chiến đấu giành độc lập cho Cuba, hi sinh khi đang chiến đấu vì Bolivia) là biểu trưng của tinh thần cách mạng trong sáng vô biên rất cộng hưởng với tinh thần của những thanh niên Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày đó...
Chiến tranh lùi rất xa, nhưng đâu đó trên đường, hình ảnh Che ta vẫn gặp trên áo phông, quán café hay trong những buổi diễn rock.
Những năm đầu thập niên 90, đất nước mở cửa, bát cơm dần đủ đầy, người trẻ Việt Nam điều kiện nhiều hơn tiếp xúc với văn hóa nước ngoài, nhất là văn hóa phương Tây. Giới trẻ Việt từ ngần ngại tới mê đắm những giai điệu vui tươi rộn rã của Obladi Oblada, Hey Jude, Don’t let me down... của The Beatles huyền thoại với thủ lĩnh John Lennon. Dù tiếng Anh chưa phổ thông, người ta thích nhạc của John phần nhiều vì giai điệu khi hoan ca rộn ràng, lúc phiêu linh ảo diệu. Từ “say” John Lennon, không thể không kể một hình tượng đậm “giá trị Mỹ” mà giới trẻ Việt say mê: Michael Jackson.
2. Vừa rồi, tôi có đi triển lãm nghệ thuật Tư duy khác biệt tưởng nhớ “phù thủy công nghệ” Steve Jobs nhân dịp một năm ông về nơi vĩnh hằng (5/10). Một cuộc triển lãm khá thú vị khi trưng bày tranh, tượng về Steve được thực hiện bởi người Việt.
Tác giả sự kiện, ông Nguyễn Đức Tiến có nói: “Bằng sự ngưỡng mộ về con người ông, hôm nay chúng tôi tổ chức khai mạc triển lãm nghệ thuật để tưởng nhớ ông...”.
Một sự thành kính dường như vô biên của những người nghệ sỹ dành cho một nhà khoa học công nghệ.
3. Trong cuộc triển lãm tranh, tượng về “cha đẻ” Ipod, Iphone, Ipad, có rất nhiều tín đồ của “trái táo” tới tham dự và tưởng nhớ Steve. Tôi bị bắt mắt bởi một ông già, râu tóc bạc trắng, một tay chống gậy, một tay cầm chiếc máy ảnh Leica ngó nghiêng chụp hình. Ông là nhiếp ảnh gia Quang Phùng.
Nghệ sỹ Quang Phùng tâm sự: Văn hóa là không áp đặt, nhưng tự thân văn hóa sản sinh ra những con người xuất chúng để chúng ta phải thán phục. Chiến tranh ta cần những người hùng, giờ đây bên cạnh những người hùng, ta cần tôn vinh và vươn theo những khối óc công nghệ vĩ đại. Với tôi, chỉ riêng cách sống, cách nghĩ và phát ngôn của ông cũng làm tôi thán phục. Tôi thích nhất câu: “Stay hungry, stay foolish” (Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ). Và cho tới lúc này, hơn 80 tuổi, tôi vẫn đang “khát khao” và “dại khờ” để sáng tạo và cống hiến.
Tại sân Thư viện Quốc gia, nơi diễn ra triển lãm, nhiều người trẻ qua lại, tôi ngộ ra một điều: những người trẻ ở đây đang ồ ạt đón nhận những hình tượng văn hóa Mỹ quảng bá giá trị Mỹ; rồi say mê hình tượng Doremon và tiếp nhận bản sắc Nhật Bản, cả “làn sóng Hàn Quốc” gần đây cũng khiến nhiều bạn trẻ Việt “phát cuồng” theo các “ộp pa” (“anh” theo tiếng Hàn), và hiện giờ là Gangnam Style (điệu nhảy Hàn Quốc)...
Trong quá trình hội nhập, việc đón nhận cái hay cái đẹp là điều tất yếu. Song chỉ chưa trọn vẹn niềm vui, khi trong cuộc chơi “xuất nhập” hình tượng văn hóa này, dường như chúng ta đang... “nhập siêu” quá nhiều, nhất là một số giá trị mang tính giải trí đơn thuần.
Phú Mỹ