Trong 'bão giông' của ngành giáo dục, vẫn có những bông hồng nở rộ
(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay không hề nhẹ nhàng một chút nào. Hiệu ứng dây chuyền bắt đầu từ bê bối gian lận điểm thi ở Hà Giang đến Sơn La hiện đang phủ một cơn “giông bão” lên ngành Giáo dục Việt Nam.
- Ngẫm từ vụ Điểm thi THPT Quốc gia bất thường: 'Lỗ hổng' từ việc lựa chọn con người
- Ngẫm từ vụ điểm thi THPT Quốc gia bất thường: 10% của 1 phút
- Chuyên gia đề xuất không giao chấm thi THPT Quốc gia cho địa phương
Có những cán bộ trong ngành giáo dục của một tỉnh đã bị khởi tố. Có những âm mưu có tổ chức, với sự nhúng tay của nhiều người hòng gian lận điểm cho nhiều thí sinh. Những niềm tin bị đổ vỡ không biết đến khi nào mới có thể vãn hồi…
Câu chuyện thi THPT Quốc gia với sơ hở để kẻ gian có thể dễ bề lợi dụng chắc chắn sẽ còn được cân nhắc và bàn luận rất nhiều. Bởi đây là một kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm đi học của một học sinh, là niềm hy vọng của hàng triệu gia đình. Tổn thất không chỉ ở mặt vật chất nữa, đó còn là tinh thần, sức lực, thời gian của không biết bao nhiêu người.
Tuy nhiên, trong bức tranh u ám của ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn thấy có những bông hoa hồng nở rộ. Đó là năm nay Việt Nam lần đầu tiên có một học sinh nữ đạt điểm cao nhất tại Olympic Sinh học Quốc tế tổ chức tại Iran. Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội đã vượt qua 260 thí sinh khác để viết nên lịch sử cho đoàn Việt Nam khi được xướng tên ở ngôi vị cao nhất.
Thành tích xuất sắc của Phương Thảo đã góp phần giúp Việt Nam đoạt tổng cộng 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc, thành tích tốt nhất từ trước tới nay. Đó là kết quả của những sự cố gắng không biết mệt mỏi của các em học sinh. Họ là đại diện ưu tú cho nền giáo dục tại Việt Nam trên trường quốc tế.
Hình ảnh các em khiến Tổ quốc tự hào nơi đất khách thật trái ngược với hình ảnh của một số “người lớn” trong ngành giáo dục đã sử dụng những thủ đoạn để “phù phép” điểm thi THPT Quốc gia.
Rõ ràng là nếu được giáo dục một cách nghiêm túc, trung thực, truyền cảm hứng và khơi dậy niềm say mê, hoàn toàn chúng ta có thể tạo ra những lứa học sinh tài năng và hiểu biết. Nền tảng tạo nên những chủ nhân tương lai của đất nước chắc chắn không thể dựa trên sự giả dối và những tính toán ích kỷ của một bộ phận những người có chức quyền.
Sự tương phản đối lập càng khiến chúng ta nhận ra rằng thực sự nền giáo dục đang cần gì. Chúng ta cần mỗi năm có những người điểm cao nhờ “nâng đỡ” hay là cần những học sinh một khi đã xuất sắc tức là họ xứng đáng được cả thế giới thừa nhận? Hơn ai hết, chúng ta vốn đã biết rõ mình cần thành tích hay là thực chất.
Những bằng khen, điểm số, lời ca tụng không dựa trên sự thật sau cùng sẽ chỉ làm hại các em học sinh. Điều đó rồi sẽ tạo ra nhiều hơn những cuộc họp báo, những cuộc thanh tra về gian lận trong thi cử. Chỉ có cách duy nhất là phải ngăn chặn triệt để những tiêu cực trong giáo dục và những kẻ gây ra việc này phải được xử lý nghiêm minh.
Đó là con đường khả dĩ để những đoá hồng tiếp tục nở hoa và bước được qua cơn u ám của ngành giáo dục hiện tại.
Hạ Hồng Việt