Thư châu Âu: Cái vẫy tay chào của người đàn ông bị Down
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị!
- Thư châu Âu: Muốn tốt cho tim? Hãy leo mái vòm nhà thờ Vicoforte
- Thư châu Âu: Khi sự mẫn cán quá mức không được hoan nghênh
Một “Romanista” ở phố Alessandrino
Ông hay ngồi đó vào ban ngày, trên một bờ tường thấp, dưới một tán cây, chân đu đưa khi có lẽ đang khe khẽ hát một điều gì đó, nụ cười luôn sung sướng và mãn nguyện như một đứa trẻ khi ai đó giơ tay chào ông, hoặc hạ kính xe mỉm cười với ông.
Tôi hầu như luôn gặp ông mỗi khi lái xe qua đây, bao nhiêu năm rồi không nhớ rõ nữa, nhưng những cái vẫy tay của ông mỗi khi tôi chào ông, một Romanista (ông rất hay mặc một chiếc áo của đội Roma), thì chắc chắn mãi về sau này, tôi không thể nào quên.
Bộ truyện tranh “Bốn người hùng năng lượng” do 4 người thực hiện gồm: Một người điếc bẩm sinh, một người suốt đời ngồi trên xe lăn, một người bị bệnh Down và một người thiểu năng
Tôi không biết ông là ai, tên là gì, bao nhiêu tuổi, nhưng có lẽ những nụ cười của ông sẽ theo tôi mãi, như một kỷ niệm, một tia sáng vui tươi mỗi ngày, một sự an ủi trong những lúc không vui hoặc stress vì công việc, rằng luôn có một ai đó yêu mến ta, dù ta và ông ấy không hề biết nhau.
Những người bị Down hay tự kỷ như thế ta không hay gặp trên những con phố của nước Italy. Vì nhiều lý do mà họ không ra đường, hoặc người thân không cho họ ra đường.
Nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp những người như ông-vẫy-tay-ở-phố-Alessandrino gần nhà tôi, hay những thông điệp, những cái hộp nhỏ trong các siêu thị, có đăng ảnh và đề tên người bị bệnh cần được hỗ trợ từ những người hảo tâm.
Cậu “Gio” với ước mơ viết truyện trinh thám trên xe lăn
Việc phải chống lại bệnh tật, tìm cách để chứng tỏ mình có ích cho xã hội trở thành một thách thức lớn với những người như “Gio”. Tôi gặp cậu trong một chuyến đi ngang nước Italy mất tháng trước, khi tôi dừng chân ở gần Bologna.
Giovanni, tên thật của cậu, mới 22 tuổi, nhưng đã quá nửa thời gian sống ở đời là trên xe lăn. Một căn bệnh quái ác đã khiến cậu liệt toàn thân, liệt cả cơ hàm, khiến cậu không nói được, chỉ ú ớ. Giao tiếp với mọi người của cậu đều được thể hiện qua ánh mắt.
Khi Riccardo, cha cậu đưa ra một bảng chữ cái, cậu nhìn vào đâu thì cha cậu đánh vần đến đấy để biết điều cậu muốn nói. Trong bữa tối, bằng cách giao tiếp ấy, “Gio” khoe với tôi rằng cậu đang viết một cuốn sách trinh thám.
Riccardo bảo, “Gio” rất mê văn học. Cậu rất chăm chỉ đọc và học hành, với mong muốn một ngày kia, cuốn sách sẽ được xuất bản. “Thằng bé làm thế một phần cũng là để chứng minh, tàn tật cũng có thể có ích cho xã hội”, ông nói.
“Bốn người hùng” do người khuyết tật thực hiện 100%
Mới rồi, ngành đường sắt Italy đã phải đền bù cho một nhóm các cô bé, cậu bé bị Down đi chơi trên một chuyến tàu sau khi họ bị từ chối lên một chuyến trước đó, dù có vé.
Dư luận Italy thì rúng động trước việc nhiều người già và tàn tật bị đối xử tệ tại các nơi chữa trị. Một y tá đã bị bắt sau khi bị tố cáo đã gây ra cái chết của hàng chục người cao tuổi trong một bệnh viện mà chị ta đang làm việc ở miền Bắc Italy. Một vài nhân viên xã hội khác cũng đã phải ra tòa sau khi đối xử rất thô bạo với những người già trong một trại dưỡng lão ở Parma.
Để chống lại xu hướng xấu ấy, người ta đã làm rất nhiều việc để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với người khuyết tật, giải thích cho tất cả thấy, họ không hề là gánh nặng của xã hội.
Mấy hôm trước, một bộ truyện tranh có tựa đề Bốn người hùng năng lượng do chính những người khuyết tật viết lời và vẽ tranh đã ra đời ở Italy. Đấy là bộ sách tranh truyện đầu tiên trên thế giới do người khuyết tật thực hiện 100%.
Tác giả bộ sách là ai? Một người điếc bẩm sinh, một người suốt đời ngồi trên xe lăn, một người bị bệnh Down và một người thiểu năng khác. Bộ sách đã gây tiếng vang lớn cho dư luận.
Italy có 2,9 triệu người người tàn tật, chiếm 4,8% dân số. Họ, bằng nghị lực, đã làm tất cả những gì có thể để vươn lên.
Người đàn ông ngồi trên con đường tôi hay qua hàng ngày để về nhà ở Rome cũng thế. Đơn giản là bằng một cái vẫy tay chào để đem lại niềm vui cho chính bản thân ông và những người qua đường như tôi. Đôi khi, trong một phút cô đơn nào đó, ta cảm thấy ta và ông nương tựa vào nhau mà tìm thấy niềm vui sống ở đời.
Tôi sẽ luôn nhớ để chào ông khi tôi lái xe qua. Như một lời cám ơn...
Hẹn gặp lại anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần