Thập niên đầu tiên của 'Công viên địa chất'
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa trải qua một tuần lễ đặc biệt của những cột mốc về khái niệm Công viên địa chất toàn cầu. Nếu vào đầu tuần (ngày 24/1), tỉnh Đắk Nông vừa chính thức đón nhận danh hiệu này từ đại diện UNESCO thì tới cuối tuần (ngày 28/11), tỉnh Hà Giang cũng tổ chức lễ kỉ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu.
Cần nhắc lại, 10 năm trước, danh hiệu mà UNESCO trao tặng cho Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là điểm khởi đầu để mở ra một thời kì mới cho ngành du lịch địa chất tại Việt Nam, khi chúng ta bắt đầu có chiến lược khai thác những tiềm năng trong lĩnh vực này.
Trong một thời gian dài trước đó, do nhiều nguyên nhân, quá trình nghiên cứu di sản địa chất ở Việt Nam được phát triển với tốc độ rất chậm so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Và thống kê cho thấy: Hướng nghiên cứu về di sản địa chất theo đúng nghĩa mới thực sự được Bảo tàng Địa chất Việt Nam đề xuất lần đầu từ năm 1998.
Thế nhưng, kết quả từ hướng nghiên cứu này cũng đến khá sớm, khi với sự giúp đỡ của các chuyên gia thuộc Cục Địa chất Hoàng gia Anh, chúng ta đã xây dựng hồ sơ cho Vịnh Hạ Long và UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ 2 vào năm 2000 theo tiêu chí mới về địa chất - địa mạo.
Để rồi tiếp đó, vào năm 2004, đề án nghiên cứu đầu tiên về bảo tồn di sản địa chất tại Việt Nam của PGS Trịnh Dánh được công bố với kết luận: Chúng ta có một hệ di sản địa chất vô cùng phong phú, với đầy đủ 10 loại di sản địa chất (theo tiêu chuẩn tạm thời do UNESCO đưa ra) phân bố khắp các khu vực. Đề án cũng đề xuất thành lập 3 công viên địa chất đầu tiên tại Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên), cụm Ba Làng An - Lý Sơn (Quảng Ngãi) và thác Trinh Nữ tại Cư Jut (Đắk Nông).
Đáng nói, năm 2004 cũng là thời điểm những công viên địa chất đầu tiên thuộc mạng lưới công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận với các tiêu chí đặc thù về thẩm mỹ, quan điểm khoa học, sự hiếm có, ý nghĩa giáo dục...Và, khi chúng ta đặt trọng tâm nghiên cứu và có chiến lược tiếp cận với danh hiệu này, trái ngọt đã tới khá nhanh.
Lần lượt vào các năm 2010, 2018 và 2020, 3 công viên địa chất tại Hà Giang, Cao Bằng và Đắk Nông đã lần lượt được UNESCO ghi danh vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Thực tế này phù hợp với đề án Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam” được Chính phủ phê duyệt năm 2014 khi Việt Nam lần lượt đặt ra 2 cái đích: Có 2 hoặc 3 công viên địa chất được UNESCO công nhận vào năm 2020 và có khoảng 25 - 30 công viên địa chất cấp quốc gia hoặc toàn cầu vào năm 2030.
***
Không lạ, khi việc bảo tồn di sản địa chất - và tiếp sau đó là thành lập các công viên địa chất - đang được chú ý và đã được “đánh dấu” bước đầu tại 37 địa phương trên toàn quốc. Câu chuyện gắn với những hy vọng về “lối ra” để phát triển du lịch, đặc biệt ở những vùng địa phương nghèo và không có tài nguyên gì nổi bật ngoài... đá núi. Và thực tế, UNESCO cũng từng công bố: Một trong những mục đích chiến lược của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu này là việc tạo cơ hội phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa bền vững cho những khu vực được ghi danh.
- Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
- Đắk Nông đón danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu
Nhưng cũng cần nhắc lại, một thập niên vừa qua cũng chỉ là bước đi đầu tiên trong một lộ trình rất dài của các công viên địa chất tại Việt Nam. Bởi thực tế, ngay cả những địa phương sở hữu danh hiệu công viên địa chất toàn cầu như Đắk Nông, Hà Giang và Cao Bằng cũng vẫn chưa thể thật sự biến du lịch thành mũi nhọn kinh tế địa phương như tâm nguyện. Lý do của điều ấy đã được chỉ ra khá rõ - nhưng cũng không dễ khắc phục trong một sớm một chiều - với sự hạn chế về hạ tầng, về nguồn vốn đầu tư, về sự chưa mặn mà của nhiều doanh nghiệp vốn sẵn tâm lý “ăn xổi” và đặc biệt là kinh nghiệm quy hoạch, bảo tồn, phát triển du lịch địa chất một cách vững bền, hợp lý...
Bởi thế, hãy hy vọng, trong một thập niên mới, chúng ta sẽ có thêm những bài học và kinh nghiệm, để khai thác và phát huy vốn di sản địa chất độc đáo của mình.
Anh Bảo