Tản văn Cuối tuần: Tấm áo ấy
(Thethaovanhoa.vn) - Thấy tôi chuẩn bị nhập Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc trong bộ quần ống sớ, áo cổ lá sen nhuộm nâu, anh rể tôi mang ra miếng vải kaki màu tro: “Cho cậu để may lấy chiếc quần Tây”.
Ngày ấy anh là công nhân gang thép Thái Nguyên nên có phiếu vải 5 mét, có ô kaki để may quần. Chiếc quần Tây đầu tiên tôi có vào năm 1966 khi đi học, được may từ miếng vải ấy. Tôi thầm cảm ơn anh đã quan tâm đến thằng em thoát ly, có thêm chiếc quần Tây trông cũng đỡ phần quê mùa nhếch nhác.
Đi học trong chiến tranh, 17 đồng 5 hào học bổng 1 tháng thì 14 đồng rưỡi nộp vào bếp ăn, còn 3 đồng tiêu vặt. Bây giờ 1 tháng có ai ăn hết 13,5kg gạo, nhưng lúc ấy thì đói! Nhà bếp bớt xén, vận chuyển hao hụt, bữa ăn còn lạng rưỡi gạo với dưa cà, rau luộc. Đói đến xót ruột mà chẳng có gì để lót thêm vào. Nên 1 năm chỉ có tháng Hè về nhà là được ấm bụng. Lúc ấy đến trường là cắm đầu vào học. 4 năm trung cấp qua nhanh, sắp thành cán bộ Nhà nước mà vẫn cảm thấy chỗ dựa ở quê là chắc chắn. Cơ quan vẫn chỉ là khái niệm xa vời.
***
Ra công tác có đồng lương tháng thì tấm áo manh quần cũng hiện đại dần lên. Gọi là hiện đại cho oai, thực ra chỉ là áo sơ mi cổ bẻ, quần Tây vải chéo, có thêm chiếc thắt lưng da. Rét nhẹ có áo len gai hoặc áo cổ lọ dệt kim Đông Xuân, hàng của nhà máy dệt Nam Định. Rét đậm thì áo bông lõi chần, vỏ may vải xanh chéo công nhân, là oách lắm.
Một lần trên đường về quê Bắc Ninh, bố tôi ghé vào nơi tôi làm việc. Thấy chiếc áo len cũ trong xó tủ, bố hỏi tôi sao không mặc? Biết tôi mặc chật, bố tần ngần bảo hay là để bố cầm về cho ông bạn hàng xóm kẻo phí. Tôi gật đầu.
***
... Những ngày cuối cùng của năm 1974, bố đột ngột lâm bệnh nặng vì chứng xuất huyết não. Ông nằm được 1 tuần thì mất. Lúc thay quần áo khâm liệm mới thấy chiếc áo len ông đã giữ để mặc. Tôi bàng hoàng nhận ra bố cũng thiếu thốn quần áo như mọi người hàng xóm quê tôi, mà lại ngại ngần không dám nói với con. Vậy mà mình chẳng bao giờ quan tâm, lại nghĩ bố luôn luôn đủ, bố chẳng cần gì!
Nỗi đau lòng đó còn đọng đến hôm nay khi tôi viết những dòng này.
Cuộc đời là thế, đôi khi người ta nhớ rất dai những kỷ niệm nhỏ mà quên đi nhiều cái lớn lao cha mẹ đã dành cho mình trong cuộc đời dài đằng đẵng. Chuyện tưởng nhỏ nhưng nó động đến cõi sâu xa trong tâm khảm. Tôi ghi lại ở đây với lòng thành kính để mong một lần được tạ lỗi với bố, dù Người đã khuất núi từ lâu. Tôi mong trên đời không còn ai mắc vào lỗi giống tôi để khỏi bị ân hận mỗi khi ký ức vọng về.
Đỗ Đức (họa sĩ)